Kỳ 1: Nở rộ và mua vui
Kể từ lúc Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol du nhập vào VN năm 2007, đến nay truyền hình thực tế (THTT) đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính chương trình có bản quyền mua của nước ngoài đã thấy đủ loại từ thi thố tài năng ca hát, nhảy múa, nấu ăn, người mẫu, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, khám phá... với bản quyền du nhập từ khắp thế giới: Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật, Hàn Quốc...
Như nhiều chương trình truyền hình thực tế khác, Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ 5-2014 đã không còn được khán giả hồ hởi đón nhận như ban đầu - Ảnh: T.T.D. |
Liên tục phát triển
Chỉ riêng tháng 3-2014 đã có bốn chương trình mới lên sóng VTV và HTV: Ngôi sao Việt (15-3), Học viện ngôi sao (19-3), Gương mặt thân quen mùa 2 (29-3), Nhân tố bí ẩn (30-3), Người bí ẩn (30-3). Quá nhiều chương trình THTT với tên gọi na ná nhau, cách chơi cũng na ná nhau khiến khán giả “lộn tùng phèo”. Nào là Giọng hát Việt, Ngôi sao Việt, Học viện ngôi sao, Nhân tố bí ẩn...
Nào là Vua đầu bếp với Siêu đầu bếp, Thử thách cùng bước nhảy với Vũ điệu đam mê, Nhà thiết kế thời trang VN với Ngôi sao thiết kế VN, Bạn đường hợp ý với Cuộc đua kỳ thú...
Hay như Tôi dám hát phát sóng số đầu tiên vào tháng 6-2013 trên VTV6 thì đến khoảng tháng 12-2013 đã xuất hiện một chương trình có format (định dạng) y hệt mang tên Đố ai hát được (chỉ khác là thí sinh của Tôi dám hát gồm nhiều thành phần khác nhau trong khi Đố ai hát được chỉ dành cho nghệ sĩ).
Mặc dù khán giả truyền hình đã bắt đầu mệt mỏi với THTT, nhưng theo ý kiến của một số nhà sản xuất, THTT vẫn còn là mảnh đất màu mỡ để khai thác.
Theo họ, nếu nhìn ra thế giới thì THTT ở VN vẫn còn ít. Còn nhiều chương trình nổi tiếng trên thế giới vẫn chưa đến VN bởi chi phí sản xuất khá cao hoặc có vài khác biệt về văn hóa.
Công ty Đông Tây - đơn vị tiên phong trong việc mang THTT về VN (Vietnam Idol mùa thứ nhất và thứ hai) - khẳng định THTT vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ bởi hiện có khá nhiều “công ty môi giới” chuyên giới thiệu đến các đơn vị sản xuất các format nổi tiếng thế giới về VN và THTT vẫn còn mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất.
Bản thân Đông Tây năm nay cũng sẽ “trỗi dậy” với ít nhất bốn chương trình mới: hài thực tế Odd on in - Người bí ẩn, thi ca hát dành cho ca sĩ chuyên nghiệp Tuyệt đỉnh tranh tài - The ultimate entertainer, thi nhảy dành cho thiếu nhi Baby ballroom và một chương trình hài Thank God bên cạnh hai chương trình đã quen thuộc là Thử thách cùng bước nhảy và Tôi là người chiến thắng.
Mua vui là chính?
Trong số các chương trình truyền hình thực tế VN, các cuộc thi tài năng chiếm số lượng khá lớn, khoảng 30%. Tài năng đâu phải ai cũng có, mà cuộc thi thì nhiều, vì thế có nhiều gương mặt xoay vòng vòng từ cuộc thi này đến cuộc thi khác.
Đó cũng là lý do vì sao các mùa thi sau thường đuối hơn mùa thi trước (chương trình Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt hay Tìm kiếm tài năng VN... đều không còn được khán giả hồ hởi đón nhận như ban đầu).
Điểm qua các cuộc thi tài năng đang lên sóng hiện nay đều trong một tình trạng: cạn thí sinh. Thần tượng âm nhạc VN - Vietnam Idol được cho là thí sinh “đuối” hơn những năm trước ở cả thanh lẫn sắc.
Trong đêm biểu diễn - đề cử đầu tiên của chương trình Học viện ngôi sao (vừa lên sóng VTV6 ngày 25-3) đã cho thấy chất lượng các giọng ca cũng quá bình thường.
Còn với Ngôi sao Việt (lên sóng hôm 15-3) thì “không khí Hàn” gần như bao trùm lên cuộc thi này: hợp tác với Hàn Quốc, thí sinh đoạt giải thưởng sẽ được đào tạo bài bản ở Hàn Quốc, đơn vị tài trợ là một công ty Hàn Quốc, một thành viên ban giám khảo là nghệ sĩ Hàn, thí sinh hát nhiều ca khúc tiếng Hàn... Đến nỗi có khán giả nhận xét trên YouTube: “Ngôi sao Việt lấy Hàn làm mồi á?”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng số đầu tiên chưa thấy tài năng thật sự nào. Có ý kiến còn chua chát: “Show làm để K-pop nổi hơn”.
Khi “đuối” tài năng, nhà sản xuất đành phải bù đắp bằng rất nhiều chiêu trò, thậm chí “trò bẩn” để tạo sự chú ý từ dư luận. Tuy nhiên, dù “bùa phép” thế nào thì THTT cũng phải giữ lại được “tính thực tế” của mình mới có thể hấp dẫn được người xem.
Ông Thái Trần Minh - người từng tham gia sản xuất một số chương trình THTT như Tôi là người dẫn đầu,Thử thách cùng bước nhảy và hiện là giám đốc sản xuất chương trình cho kênh HTV3 - nhận định: “Nhược điểm dễ thấy nhất của THTT VN hiện nay là thiếu yếu tố thật trong mắt người xem. Nguyên nhân thì có nhiều: đạo diễn chưa thật giỏi, biên tập và dàn dựng chưa tốt, kỹ năng của người chơi còn thiếu...”.
Vậy nên từ việc mang đến cho người xem rất nhiều trải nghiệm cùng cảm xúc thú vị, nhiều chương trình THTT hiện nay chỉ dừng lại ở mức mua vui, giúp khán giả màn ảnh nhỏ “giết thời gian” trong những ngày cuối tuần.
Khán giả cũng không còn quá tin hay quan tâm nhiều vào kết quả chung cuộc, không tin vào tài năng của người chơi, không tin vào những gì đang diễn ra...
Thay vì chờ đợi các tài năng, các sáng kiến thú vị hay sáng tạo đặc sắc từ THTT, giới truyền thông lẫn khán giả lại dần chuyển sang thái độ mong ngóng những chuyện lùm xùm, chuyện hậu trường, chuyện “ruồi bu”... như: giám khảo ăn mặc, trang điểm ra sao, các thí sinh “đấu tố” nhau và phản ứng với giám khảo thế nào, những kết quả được hé lộ trước...
Các nhà sản xuất vì thế cũng đã chọn những chương trình vô thưởng vô phạt, “vui là chính” hoặc “thuần tính giải trí” để giới thiệu đến khán giả như: Gương mặt thân quen, Tôi dám hát, Đố ai hát được, Người giấu mặt... Nhưng sẽ ra sao khi hàng tỉ đồng bỏ ra chỉ để tạo nên những chương trình không có giá trị đích thực nào ngoài mua vui, giăng đầy sóng truyền hình khắp cả nước?
Kỳ 2: Những cuộc “giao tranh”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận