05/12/2017 20:10 GMT+7

Truyền hình - kẻ hạ sát văn chương

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Don Delillo viết: 'Đối với hầu hết mọi người, chỉ có hai nơi trên đời này: nơi họ sống và cái tivi của họ'. Có lời nói đùa nào về thế giới hiện đại chua chát hơn thế?

Truyền hình - kẻ hạ sát văn chương - Ảnh 1.

Bìa sách Tạp âm trắng

Ra mắt vào năm 1985, tiểu thuyết Tạp âm trắng của Delillo, tượng đài văn học đương đại, ngay lập tức trở thành hiện tượng ngành xuất bản. 

Sau hơn 30 năm, nó vẫn đủ khả năng chọc vào huyệt cười của bất cứ ai. Dùng từ "huyệt cười" là bởi nụ cười tạo ra cay đắng đến nỗi cười xong muốn chui xuống huyệt!

Chàng Đông-ki-sốt năm xưa vì lậm tiểu thuyết kiếm hiệp mà quyết tâm đội cái nồi sắt, cưỡi con ngựa còm lên đường đi trừ gian diệt ác.

Tôi trộm nghĩ nếu Cervantes sinh ra ở thế kỷ 21, có lẽ thay vì cho Đông-ki-sốt lậm truyện kiếm hiệp, ông sẽ để chàng dán mắt vào tivi, mải mê chơi mạng xã hội, núp bóng danh tính ảo để gây nhiễu nhương mà lại đinh ninh mình đã lập chiến công hiển hách.

Nước Mỹ thời mạt, Jack Gladney - một anh giáo sư môn Hitler học - ăn ở chả tới nỗi nào nhưng lại không may bị phơi nhiễm trước một đám mây phóng xạ. 

Anh có một gia đình thuộc diện "rổ rá cạp lại", con anh con em con chúng ta, hết sức lôi thôi. Giữa mớ bung bét ấy, anh như con mồi bị vờn đuổi tứ phía bởi những kẻ đi săn khát máu: tương lai lấp lửng, cái chết chầu chực, tư bản khuếch trương và tất nhiên, sự lây lan của "virút" truyền hình.

Truyền hình, cụ thể là chiếc tivi, bám lấy các nhân vật như virút bám vào vật chủ.

Mọi thứ họ biết là qua tivi: thảm họa nào đang diễn ra, món hàng nào đang bày bán, làm sao để tập yoga, thậm chí họ chờ đợi ở tivi cả lời lý giải về đám mây độc đang đe dọa tính mạng mình. 

Vậy đấy, ngay đến cái chết của bản thân, người ta cũng cập nhật qua truyền hình. Thế giới hiện đại, một thế giới được nhốt vừa trong chiếc hộp điện tử mấy chục inch phát ra tiếng kêu í éo.

Trước khi có tivi, con người có đần như hiện tại không? - Delillo hỏi. Khỏi phải nói, tiểu thuyết gia người Mỹ e dè, ác cảm, nghi ngờ, thậm chí ganh tị với công nghệ truyền thông hiện đại. 

Bởi vì đội ơn công nghệ, văn chương đã trở thành đứa con ghẻ bị nhân loại đẩy vào trại mồ côi.

Delillo nhận định xót xa: Văn chương đã mất đi sức mạnh của nó. Kafka, Beckett từng thay đổi thế giới bằng văn học. 

Còn ngày nay, những tiểu thuyết vĩ đại vẫn được viết ra, nhưng thay đổi thế giới ư? Việc ấy đã được chuyển giao cho Internet, cho truyền hình, cho truyền thông đại chúng.

Văn chương kiệt sức tới mức Delillo hờn với cả những tên khủng bố. Ít ra bọn khủng bố còn gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các nhà văn. 

Và xem, một thời đại mà nhà văn phải tị nạnh với những kẻ đánh bom liều chết hay các ngôi sao truyền hình thực tế thì nhất định là một thời đại mắc bệnh.

Có một đoạn trong Tạp âm trắng, Delillo để hai cha con Jack và Heinrich trò chuyện với nhau. Heinrich băn khoăn về việc chúng ta có chắc là mình vượt trội hơn người tiền sử. 

Chúng ta tưởng mình biết rất nhiều điều, tivi đưa cả thế giới về căn phòng của chúng ta. Chúng ta biết cách vận hành của vũ trụ, biết tên các hợp chất hóa học, biết dùng máy tính, nhưng nếu ném chúng ta vào hoang dã, liệu chúng ta có đánh được lửa, có dự đoán được thời tiết, có biết cách sinh tồn?

Triệu chứng bất thường trong kỷ nguyên này: ta biết nhiều hơn nhưng lại yếu ớt hơn, ta đọc tất cả trừ đọc sách, ta tiếp nhận hàng núi thông tin mỗi ngày nhưng không điều gì thực sự quan trọng.

Trong một kỷ nguyên ốm yếu như thế, văn chương làm sao sống?

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp