Gà được giết mổ và sơ chế với kỹ thuật hiện đại tại một đơn vị tham gia trong chương trình truy xuất - Ảnh: Nguyễn Trí
Vấn đề đặt ra là liệu tất cả người tiêu dùng khi mua sản phẩm đều có điện thoại thông minh để truy xuất, và tất cả thông tin được "nạp" vào tem để truy xuất có chính xác không, vẫn phải chờ thời gian trả lời mới biết được.
Doanh nghiệp: Dư cung, thừa hợp tác
Bà Phạm Thị Huân, tổng giám đốc công ty Ba Huân, cho biết doanh nghiệp của bà có thể cung ứng khoảng 20.000 con gà thịt/ngày cho chương trình truy xuất, thậm chí có thể tăng lên thành 40.000 con/ngày nếu thị trường hút hàng. Với sản phẩm trứng, ngoài sản lượng hiện hữu của công ty, nếu cộng thêm các hộ nuôi "vệ tinh" của Ba Huân thì lượng trứng gà áp dụng cho truy xuất trong tương lai có thể tăng mạnh lên đến 700.000 quả trứng/ngày.
Còn bà Điền Thị Minh Hằng, giám đốc Công ty Sagofoods (TP.HCM), cho hay hiện mỗi ngày đơn vị tham gia khoảng 500-1.000 con gà thịt cho chương trình truy xuất, với quy trình sản xuất theo chuỗi từ sự hợp tác giữa người nuôi, trại giết mổ đến đóng gói.
"Đơn vị đã thực hiện cách quản lí truy xuất từ trước theo hướng kiểm tra định kỳ lò giết mổ với tiêu chí phải có giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra nước tại trại nuôi và mổ, thậm chí nước máy cũng phải đi kiểm tra. Khuyến khích sử dụng cám có thương hiệu, hợp đồng với người nuôi ghi rõ trước khi xuất chuồng 7-10 ngày không được dùng kháng sinh trong cám nuôi, chỉ sử dụng các loại cám có thương hiệu ổn định về chất lượng", bà Hằng thông tin.
Tương tự, theo đại diện Công ty Cổ phần 3F Viet chi nhánh Đồng Nai (trụ sở chính ở TP.HCM), hiện tất cả 10.000-12.000 con gà cung cấp ra thị trường mỗi ngày đều áp dụng truy xuất. Trong đó, 50% được đơn vị truy xuất riêng với công nghệ của mình đã được làm từ trước đó. Nên việc áp dụng lượng còn lại theo kỹ thuật của đề án khá thuận lợi với hiệu quả như nhau nhờ sử dụng đa dạng trên cả hệ điều hành Android và IOS trên điện thoại
Dễ làm, có khó quản?
Dù đánh giá cao việc khuyến khích doanh nghiệp cung ứng sản phẩm tham gia chương trình truy xuất, nhưng không ít băn khoăn về tính khả thi thực hiện, lẫn hiệu quả mà người tiêu dùng sẽ được hưởng từ chương trình vẫn còn để ngỏ.
Theo doanh nghiệp D., đơn vị có tham gia trong chương trình truy xuất, tất cả các thông tin được cung cấp trên hệ thống để khi người tiêu dùng kích hoạt vào đều do các chủ thể tự đưa lên, nhưng chưa có cơ quan nào chứng thực về tính xác thực của thông tin này.
Ở góc nhìn khác, ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, doanh nghiệp đầu tiên cung cấp trứng vịt cho chương trình truy xuất, cho rằng hiện nguồn vịt nuôi khá nhiều, nhưng lại chăn nuôi theo kiểu chạy đồng phổ biến "nên rất khó kiểm soát nguồn thức ăn".
Chưa kể, trường hợp sản phẩm vịt đẻ trứng thường không đạt chuẩn như vịt nuôi nhốt, nên vịt chạy đồng trong thời gian gần đẻ và đẻ trứng thường có lượng thức ăn không đảm bảo. Vì thế, không dễ để tìm được đơn vị cung cấp thông tin cho việc truy xuất "nếu không thành lập các tổ sản xuất trứng có quy mô và hệ thống", ông Thiện cảnh báo.
Dán tem truy xuất lên sản phẩm thịt gà tại một công ty trước khi bán ra thị trường - Ảnh: Nguyễn Trí
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hiện nhu cầu người dân thành phố khoảng 1,8 - 2 triệu quả trứng gà, vịt/ngày (trứng vịt chiếm khoảng 30%), chừng 150.000 con gà thịt/ngày. Về cơ bản các đơn vị tham gia đề án truy xuất đủ năng lực cung cấp toàn bộ nhu cầu trên. Sau giai đoạn đầu, thành phố chủ trương tiến tới áp dụng truy xuất tất cả.
"Tuy nhiên, để chương trình mang lại được hiệu quả thiết thực nhất, bản thân các doanh nghiệp phải biết đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu thì mới có hiệu quả. Người tiêu dùng có sản phẩm an toàn để sử dụng thì chính các doanh nghiệp mới là người được hưởng lợi và nhất là bán được nhiều hàng hóa hơn, uy tín của doanh nghiệp được nâng lên tầm cao hơn", ông Hòa chia sẻ.
Ông Hòa cũng cho rằng, so với chủ thể tham gia truy xuất nguồn gốc thịt heo, mặt hàng trứng và thịt gia cầm có chủ thể "tinh gọn" hơn, được nhiều thành phần tham gia quản lý trước khi xuất bán ra thị trường.
"Cơ quan quản lý chỉ cần nắm được đơn vị cung cấp con giống, do doanh nghiệp nào nuôi, được giết mổ tập trung ở đâu là có thể truy được tận gốc doanh nghiệp ở khâu nào, nếu sản phẩm có vấn đề. Mà ở từng chủ thể riêng biệt này, ở khâu cung cấp con giống và đơn vị giết mổ tập trung, phải thừa nhận đều là các doanh nghiệp có tên tuổi, quy mô lớn đảm nhận, nên cơ bản thông tin rất minh bạch, rõ ràng", ông Hòa khẳng định.
Mặt khác, lợi thế khá lớn của chuỗi truy xuất trứng và thịt gia cầm là không qua khâu trung gian, tức từ hộ chăn nuôi sản phẩm được xuất bán trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến (đóng gói, giết mổ), nên thông tin đều được cung cấp rõ ràng trên bao bì, nhãn mác, đặc biệt ở kênh phân phối hiện đại.
Tới đây, để kiểm soát chặt hơn tình trạng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, bày bán "tơ hơ" ở các chợ truyền thống, ông Hòa cho hay việc "siết" kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống theo hướng phải có quy chuẩn đóng gói, kèm theo thông tin cụ thể của sản phẩm trước khi lưu thông ra thị trường sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, chứ không thể buông lỏng như hiện tại, nếu chúng ta thực sự mong muốn có một thị trường thực phẩm sạch, an toàn đúng nghĩa.
Kiểm tra doanh nghiệp thế nào?
"Cơ quan thú y là lực lượng trực tiếp tham gia đề án nhưng hiện nay chỉ hiệu quả ở khâu cấp phép kiểm dịch. Nếu vậy thì ai đảm bảo thông tin khai trên hệ thống? Công ty tham gia chuỗi truy xuất có dám công khai hồ sơ lưu mà đơn vị vừa đưa lên trên hệ thống hay không? Và cơ quan quản lý có kiểm tra bất chợt để so sánh thông tin trên hồ sơ với trên hệ thống để xem trùng khớp hay không? Có hình thức chế tài nào về pháp lí trong trường hợp vi phạm không?", đại diện doanh nghiệp D. hoài nghi nói.
Để truy xuất không chạy theo phong trào
Ông Nguyễn Như Sinh, giám đốc Công ty Long Bình (TP.HCM), cho rằng vấn đề chính là người tiêu dùng có dành thời gian cho việc truy xuất hay không. "Có thể thời gian đầu có người tò mò nhưng đâu phải 10 người đi chợ là có 10 điện thoại thông minh. Nếu không đưa lại hiệu quả thiết thực thì người tiêu dùng cũng nản, một lúc nào đó lại nhạt đi", ông Sinh nói.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện có 35 trang trại gà giống, 431 trang trại gà lấy thịt, 61 trang trại gà, vịt lấy trứng, 17 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm, 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm đã đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm trên địa bàn TP.HCM.
Khi dùng điện thoại thông minh quét lên mã QC trên tem truy xuất của sản phẩm (do doanh nghiệp chế biến, đóng gói dán lên) người mua sẽ nhận được thông tin: trại chăn nuôi gia cầm, trại giết mổ gia cầm, các loại thuốc đã sử dụng và địa điểm phân phối bán lẻ. Mỗi công ty tham gia đề án truy xuất được cấp mã code, tài khoản và mật khẩu trên hệ thống truy xuất. Công ty nào vi phạm sẽ bị loại khỏi chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận