Đây là nhận định của luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) về việc bác sĩ bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người chết và 10 người tai biến nặng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình ngày 29-5-2017.
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu cùng bạn đọc!
Bác sĩ Hoàng Công Lương (thứ hai từ trái qua) cùng các đồng nghiệp - Ảnh: TL
Không nghi ngờ gì cả, vụ tai biến chạy thận này để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và cần phải khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan.
Riêng với bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi thấy việc truy tố chưa thuyết phục và như cách để cơ quan điều tra lấp vào "chỗ trống".
Chịu trách nhiệm phải là người khác!
"Chỗ trống" mà tôi muốn nói, người bị quy kết là "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" lẽ ra là một người khác chứ không phải bác sĩ Lương.
Chủ thể của hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" khi bị truy cứu chung với các hành vi khác, phải là người có một chức vụ, quyền hạn nhất định. Và người đó vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.
Ví dụ, để một cán bộ, nhân viên phạm tội do thiếu kiểm soát, quản lý của lãnh đạo thì lãnh đạo bộ phận, đơn vị đó phải bị truy cứu hành vi "thiếu trách nhiệm".
Như bức tâm thư mà bác sĩ Lương viết, thì vị bác sĩ này đã làm đúng/hết trách nhiệm chuyên môn, nghiệp vụ và công việc của một bác sĩ.
Bác sĩ Lương cũng không có chức vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc quản lý, kiểm soát quy trình chạy thận mà chỉ thực hiện một bước trong một chuỗi công việc.
Và bác sĩ Lương cũng không buông lỏng quản lý, kiểm soát để cho các cán bộ y tế khác làm sai quy trình và lẽ dĩ nhiên vì không quyền hạn gì.
Để xác định trách nhiệm hình sự một cách đúng đắn, cần xem xét nguyên nhân gây ra hậu quả của tội phạm. Theo kết luận điều tra, cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân gây tử vong là do tồn dư hóa chất trong nước RO lọc thận sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thiết bị.
Cơ quan điều tra cũng xác định trong quá trình xử lý hệ thống máy nước chạy thận, đơn vị thực hiện đã không tuân thủ đúng quy trình là Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh).
Tuy nhiên, sau khi tiến hành súc rửa hệ thống lọc nước RO, Công ty Trâm Anh có bàn giao cho bệnh viện, thông qua đại diện của phòng Vật tư - trang thiết bị y tế (Phòng VT).
Và lẽ ra, với chuyên môn của Phòng VT, đại diện phòng này phải kiểm tra lại chất lượng nước xem đã đủ tiêu chuẩn chưa, nhưng họ đã không làm và hậu quả đã xảy ra.
Kết quả điều tra cũng xác định, công ty Trâm Anh không có chức năng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực y tế, và cũng không phải đơn vị ký kết hợp đồng cung ứng thiết bị vật tư, bảo hành, bảo dưỡng thiết bị y tế với bệnh viện, mà lại là một đơn vị khác đó là Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn).
Ngoài ra, trong quy trình chạy thận, có quy định nội bộ nào buộc phải kiểm tra chất lượng nước trước khi chạy thận hay không cũng phải làm rõ.
Như vậy, về lỗi trực tiếp để gây ra hậu quả đó thuộc về đại diện Phòng VT và Công ty Trâm Anh, hai người này đã bị truy tố về hành vi "vô ý làm chết người".
Còn lỗi gián tiếp phải xác định thuộc về lãnh đạo Công ty Thiên Sơn (đã giao cho đơn vị không có chức năng thực hiện) và lãnh đạo bệnh viện (để cho đơn vị thứ 3 không có chức năng y tế thực hiện).
Lỗi gián tiếp này chưa được cơ quan điều tra làm rõ là chưa khách quan và có khả năng bỏ lọt tội phạm.
Truy tố bác sĩ Lương là rất khiên cưỡng
Về công việc của bác sĩ Lương, như nêu trong bức tâm thư, vị bác sĩ này không có nhiệm vụ và cũng không có chuyên môn để kiểm tra chất lượng nước RO trước khi ra y lệnh. Bác sĩ này cũng đã tuân thủ đúng quy trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế và bệnh viện.
Tâm thư của bác sĩ Hoàng Công Lương
Bác sĩ Lương không có lỗi vô ý để phạm vào tội "vô ý làm chết người" hay vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Nói cụ thể hơn, là giữa hành vi của bác sĩ Lương không có mối quan hệ nhân quả nào với hậu quả do tai biến chạy thận tại bệnh viện này.
Và nếu vì lẽ đó, mà Viện kiểm sát cáo buộc truy tố bác sĩ Lương về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thì rất khiên cưỡng.
Thiếu trách nhiệm, nếu có thì thuộc về lãnh đạo bệnh viện, Phòng VT đã không kiểm soát đơn vị thực hiện sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị lọc nước RO, đã không ban hành các quy định nội bộ buộc cán bộ kỹ thuật Phòng VT phải kiểm tra chất lượng nước trước khi bàn giao cho bác sĩ ra y lệnh.
Truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là nguyên tắc tối thượng của pháp luật hình sự. Việc buộc tội thiếu căn cứ đối với một người sẽ gây hậu quả lớn đối với xã hội, đặc biệt với người hoạt động trong môi trường mà thiên chức của họ là "cứu người".
Hi vọng phiên tòa sắp tới sẽ có một phán quyết công minh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận