Tác phẩm của họa sĩ Phan Xuân Sanh đang được người vợ Mai Thị Trà giữ gìn tại nhà và bức lớn là tác phẩm Gối gươm được Bảo tàng Mỹ thuật Huế chọn - Ảnh: NGUYỄN XUÂN HOA
Thậm chí có những tác giả "không thể thiếu" khi nhắc đến mỹ thuật đất cố đô, vậy mà chẳng biết kiếm tìm tác phẩm bằng cách nào...
Nhặt nhạnh
Năm 2018, ngành văn hóa Thừa Thiên - Huế đã mua được 3 tác phẩm của danh họa quá cố cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Trong đó tác phẩm của Bửu Chỉ và Vĩnh Phối tương đối tiêu biểu cho phong cách họa sĩ.
Riêng Tôn Thất Đào, người nổi tiếng với tranh lụa của Trường Mỹ thuật Đông Dương, thì khó hơn. Sưu tập chính được con cháu lưu giữ ở nhà, trong đó có bức rất nổi tiếng, điển hình là Sông Hương - núi Ngự, việc sưu tầm rất khó thành công vì quyền sở hữu chung của gia đình cả trong và ngoài nước.
Cũng may tác phẩm Thiếu nữ bên hoa sen (lụa, 50x70cm) vì một lý do riêng mà nằm trong Trường ĐH Nghệ thuật Huế, đã được mọi người tìm cách thương lượng và vận động, gia đình mới đồng ý xác nhận chuyển nhượng. 3 tác phẩm nói trên nâng tổng số tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Huế lên 25 tác phẩm của 21 tác giả. Con số đó quá ít ỏi so với hàng trăm tác giả thuộc 5-6 thế hệ họa sĩ Huế kéo dài từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nay.
Thực ra, hội đồng tư vấn và tuyển chọn tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã tiếp cận với một số gia đình họa sĩ. Khi tiếp cận bộ sưu tập của cố họa sĩ Phan Xuân Sanh thì gia đình còn lưu giữ khá đầy đủ tác phẩm của ông.
Và thật may, một số tác phẩm tiêu biểu vẫn còn nguyên vẹn và sự "mở lòng" của người vợ, cụ bà Mai Thị Trà, trong hoàn cảnh nhiều bảo tàng và nhà sưu tầm thường xuyên dạm mua. Hội đồng đã chọn bức Gối gươm - đề tài về Hai Bà Trưng tự vẫn trên dòng sông Hát và bức Địa Tạng Bồ Tát, dự kiến đến năm 2019, khi có tiền mới thỉnh về.
Hiện để sưu tầm được tác phẩm trong danh mục họa sĩ "không thể không có" của Huế có khi còn "khó hơn lên trời", nói chi đến tác phẩm điển hình.
Các tác giả như Lê Văn Miến, hiện còn 2 tác phẩm ở chùa Ba La Mật, là tranh thờ thuộc sở hữu dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế. Với danh họa Nguyễn Khoa Toàn, trước năm 1975 nguyên bộ sưu tập nằm trong một ngôi nhà ở Bệnh viện Trung ương Huế, nay không biết tung tích nơi đâu.
Hay như danh họa Phạm Đăng Trí, một trong hai họa sĩ Huế học Trường Đông Dương, dù bộ sưu tập đang được con cháu lưu giữ vẹn nguyên và rất bài bản ở Huế nhưng gia đình không chuyển nhượng bất kỳ tác phẩm nào. Ngay cả với tranh của họa sĩ Trương Bé, những tác phẩm sơn mài được đánh giá "vàng son lộng lẫy", thực giá của bức tranh gần như ngoài tầm tay với...
Thiếu nữa bên hoa sen, tranh lụa của Tôn Thất Đào
Nhỏ giọt
Băn khoăn lớn nhất của nhiều người chính là việc đầu tư quá nhỏ giọt cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Năm 2018, tỉnh đầu tư 1 tỉ đồng mua tác phẩm mỹ thuật, kế hoạch năm 2019 sẽ là 3 tỉ đồng.
Mới đây, hội đồng thật may mắn thống nhất chọn được tuyệt phẩm Cô gái bên lồng chim của danh họa Mai Trung Thứ tặng nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị.
Sự may mắn bởi lẽ người sở hữu là ông Phan Đình Hối, vốn là một cán bộ Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị (người được bà Điềm tặng), đã đồng ý nhượng lại với giá rất phải chăng: 550 triệu đồng. Bức tranh này trước đó từng được ngỏ ý mua với giá 1 tỉ đồng và nhiều cái giá cao hơn.
Theo ông Hối, "tôi muốn để lại cho Huế vì cái tình với quê hương, mối thâm tình với cô Cúc (bà Điềm) và còn có cơ hội thăm tác phẩm tại đây". Dù với "giá hời" đối với một tác phẩm có giá trị như thế, nhưng việc giao tiền phải đành chờ đến năm 2019 vì số tiền 1 tỉ đồng năm 2018 đã cạn.
Kinh phí quá eo hẹp nên việc mua tranh chỉ thực hiện được theo dạng "gối đầu", ưu tiên cho một số tác phẩm của người đã khuất, chọn dần dần. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, việc sưu tầm đã quá muộn, gần như "cuối mùa" nên cần khẩn trương, nếu không thì tác phẩm tiếp tục thất thoát và cơ hội sẽ vĩnh viễn không còn.
Nhưng một thông tin đáng mừng với Bảo tàng Mỹ thuật Huế là Hội Mỹ thuật VN đang có nhã ý tặng 40 bức tranh. Theo chủ tịch Hội Mỹ thuật VN Trần Khánh Chương, đơn vị này sẽ lựa chọn các tác phẩm "không phải Huế" - nhằm làm phong phú cho các tác phẩm trưng bày - trong số chừng 1.000 tác phẩm đang lưu của hội và chờ bảo tàng khai trương để trao.
Trong việc sưu tầm tác phẩm, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng khuyên Huế với điều kiện khó của mình nên tổ chức các trại sáng tác, rồi mời các tác giả danh tiếng đương đại về tham gia, xong vận động để lại bảo tàng.
Ngoài ra, tỉnh nên tổ chức rà soát trụ sở các cơ quan, từ tỉnh ủy, UBND và các sở ngành xem nếu có tác phẩm "của các cụ xưa" thì đưa về bảo tàng, đổi lại bằng các tác phẩm đương đại...
Tác phẩm tranh lụa của danh họa Phạm Đăng Trí của nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế. Tác phẩm của danh họa này vô cùng hiếm hoi trên thị trường - Ảnh: NHẬT LINH
Nên theo hướng bảo tàng mỹ thuật hiện đại?
Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng Huế không nên theo hướng tác phẩm thế hệ Đông Dương đang rất có giá trên thị trường, vì sẽ không đủ sức mua và không có tác phẩm tốt.
Huế càng không nên đi theo hướng mỹ thuật truyền thống, mà nên dành phần này cho các bảo tàng cổ vật, lịch sử và văn hóa ở Huế... Điều này nên rút kinh nghiệm từ Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và mới đây là Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, khi thành lập chú trọng khá nhiều đến mảng nghệ thuật cổ.
Việc sưu tầm sẽ "loãng ra", không tìm được hiện vật tốt và trưng bày thì "đi đâu cũng na ná giống nhau". Ông nói: "Bảo tàng Mỹ thuật Huế chỉ nên đi theo hướng bảo tàng mỹ thuật hiện đại, không chỉ của Huế mà còn đại diện cho khu vực bắc miền Trung!".
Một số tác phẩm đã được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tầm:
Treo trên thời gian, tranh sơn dầu của Bửu Chỉ.
Đô thị hóa thân số 39, tranh sơn dầu của Vĩnh Phối.
Bóng thời gian, tranh sơn dầu của Nguyễn Duy Linh.
Hoàng thành, tranh sơn mài của Đỗ Kỳ Hoàng.
Ý niệm cuộc sống, tranh bút sắt của Tô Trần Bích Thúy
Nội sinh, tranh sơn dầu của Trương Bé.
Chứng tích, tranh sơn dầu của Ngô Tâm.
Áo thị, tác phẩm gò đồng của Đỗ Văn Lân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận