20/08/2013 04:35 GMT+7

"Truy" giá sữa nhập khẩu

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Cục Thuế TP.HCM vừa chỉ đạo tập trung thanh tra các doanh nghiệp nhập khẩu sữa, nhằm làm rõ có hay không việc “làm giá” sữa nhập. Trước đó, tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra giá sữa trên cả nước.

ASma7xUu.jpgPhóng to
Sản phẩm sữa Dumex Gold bước 3 có mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ lên gần gấp 4 lần - Ảnh: T.Đạm

Các động thái này bắt nguồn từ việc giá sữa bán lẻ bị đẩy lên cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu.

Người tiêu dùng đang chờ đợi kết quả thanh tra sẽ làm rõ những bất hợp lý trong cơ cấu giá sữa, đặc biệt là các chi phí liên quan đến hoa hồng cho bác sĩ, chi phí quảng cáo và lợi nhuận của nhà nhập khẩu.

Quy định nhiều kẽ hở

Như Tuổi Trẻ mới đây đã đề cập trong loạt bài “”, sở dĩ giá sữa tăng cao và các hãng sữa ấn định giá bán vượt quá xa so với giá nhập khẩu là do các mặt hàng này đang bị buông lỏng quản lý.

Theo quy chuẩn quốc gia sản phẩm sữa dạng bột, độ đạm phải đạt tối thiểu 34%. Đây là “lỗ hổng” giúp hàng loạt sản phẩm sữa cho trẻ em trên thị trường hiện nay “biến” thành sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung...

Bởi theo Luật giá, chỉ những sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá. Chính vì vậy, trong dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn Luật giá, nhằm siết việc tăng giá sữa, Bộ Tài chính đề xuất đưa các mặt hàng thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... vào diện phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước trước khi doanh nghiệp điều chỉnh giá bán lẻ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thanh tra giá sữa cần kiểm tra việc tăng giá thời gian vừa qua có hợp lý hay không, các chi phí cấu thành giá bán lẻ gồm: chiết khấu phân phối, chi phí quảng cáo, lợi nhuận doanh nghiệp, kiểm tra hoa hồng cho bác sĩ... để xác định giá bán lẻ bị đẩy lên gấp nhiều lần giá nhập khẩu là ở khâu nào, từ đó mới có thể siết lại những điểm bất hợp lý.

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, cần kiểm tra thông qua giá nhập khẩu. Nếu giá nhập chỉ 5-7 USD/hộp sữa mà bán lên gấp 3-4 lần giá nhập là không chấp nhận được.

Không chỉ Luật giá mới có thể can thiệp vào giá sữa mà còn có Luật cạnh tranh. Hiện thị phần ngành sữa bột đang nằm trong tay một số doanh nghiệp lớn.

Đại diện truyền thông một hãng sữa ngoại cho biết hãng này hiện nắm trên 30% thị phần. Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Luật cạnh tranh quy định một doanh nghiệp nắm từ 30% thị phần trở lên được coi là giữ vị trí thống lĩnh thị trường và Nhà nước sẽ can thiệp được khi doanh nghiệp thống lĩnh thị trường ấn định giá bán bất hợp lý.

Đối chiếu với mặt hàng sữa, rõ ràng các doanh nghiệp đang ấn định giá bán với mức quá cao so với giá nhập khẩu. “Theo tinh thần của Luật cạnh tranh thì có thể can thiệp được rồi. Nhưng luật bị giới hạn, bó hẹp khi nghị định hướng dẫn thi hành luật lại đánh đồng tăng giá bất hợp lý với ấn định giá bất hợp lý. Nghị định này cho rằng ấn định giá bất hợp lý là giá bán lẻ trung bình tăng 5% trong thời gian 60 ngày liên tiếp. Ở nhiều nước, dù không tăng giá, nhưng nếu doanh nghiệp ấn định giá bán bất hợp lý, bóc lột người tiêu dùng thì vẫn bị xử phạt”, ông Sơn nói.

Một luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cạnh tranh cho rằng nếu các quy định pháp luật tồn tại nhiều sơ hở khiến giá bị thả nổi thì cần phải sửa các quy định cũ, bổ sung những điểm mới cho phù hợp với thực tế thị trường. Theo chuyên gia Ngô Trí Long, các nước như Trung Quốc, Mỹ... đều dùng luật chống độc quyền để kiểm soát hành vi của những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

Giá nhập giảm, giá trong nước tăng

Một trong những điểm bất hợp lý của giá sữa là giá bán lẻ cứ tăng và người tiêu dùng hầu như không nắm được mức tăng có hợp lý hay không.

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ có được, giá nhập khẩu sản phẩm đang được nhiều người tiêu dùng chọn mua và bán phổ biến trên thị trường là sữa bột Nan Pro trong sáu tháng đầu năm nay không tăng mà còn giảm nhẹ.

Cụ thể tháng 2-2013, Công ty TNHH Nestle VN nhập khẩu một lô hàng gồm 9.600 hộp sữa Nan Pro số 1, loại 800g/hộp, dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, giá nhập khẩu là 46,64 USD/thùng.

Đến tháng 3-2013, một lô hàng tiếp theo được nhập khẩu với số lượng lên đến 19.128 hộp cùng loại trên, giá nhập cũng ở mức 46,64 USD/thùng.

Tuy nhiên, lô hàng mở tờ khai nhập khẩu vào cuối tháng 5-2013, đơn giá giảm nhẹ còn 46,58 USD/thùng. Trong khi đó, theo Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công thương), các sản phẩm sữa của Hãng Nestle đã thực hiện tăng giá bán lẻ với mức 8-15% vào đầu tháng 4-2013.

Tương tự, sữa Physiolac do Công ty cổ phần Dược phẩm VN nhập khẩu cũng tăng giá vào đầu tháng 4-2013 với mức tăng lên đến 15%.

Một số đại lý sữa ở TP.HCM cho biết một hộp sữa Physiolac số 1 dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, loại 900g/hộp trước khi tăng giá chỉ bán khoảng 412.000 đồng/hộp.

Tuy nhiên, sau khi tăng, giá bán lên đến trên 470.000 đồng/hộp. Trong khi đó, giá nhập khẩu sữa Physiolac lại không biến động lớn từ đầu năm đến nay. Đơn cử, Physiolac số 1, hộp 900g có giá nhập tăng từ 7,17 USD lên 7,34 USD/hộp, tương ứng với tỉ lệ tăng giá 2,37%.

Việc giá sữa nhập khẩu không tăng nhưng nhà nhập khẩu vẫn tăng giá bán lẻ, hoặc giá bán lẻ tăng vượt mức giá nhập khẩu không phải đến nay mới diễn ra.

Vào giữa tháng 10-2012, một nhãn hiệu sữa nhập khẩu khá phổ biến trên thị trường thông báo tăng giá bán lẻ hàng loạt sản phẩm với mức tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, khảo sát các lô hàng nhập khẩu về khu vực TP.HCM trong suốt năm 2012 cho thấy giá nhập của các lô hàng hầu hết đứng ở mức 9,4 USD/hộp.

sx1Ri5f7.jpgPhóng to

Thêm nhiều nhãn sữa “nhập một bán sáu”

Trong bài “Giá sữa ngoại: nhập một bán sáu” mới đây, báo Tuổi Trẻ đã đề cập hàng loạt mặt hàng sữa được người bán hàng giới thiệu là hàng xách tay cao cấp nhưng thực chất là hàng nhập khẩu chính ngạch, có giá nhập khẩu chỉ 4-5 USD/hộp. Tiếp tục tìm hiểu về giá sữa nhập khẩu, phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện còn hàng loạt sản phẩm sữa cũng có giá nhập khẩu cực thấp so với giá bán lẻ.

Sản phẩm đang được bày bán phổ biến trên thị trường là sữa Dumex do Công ty TNHH Danone VN nhập khẩu. Tại siêu thị Maximark Cộng Hòa, sữa Dumex Gold bước 3 có giá bán 412.000 đồng/hộp 800g. Tuy nhiên, trong một lô hàng nhập khẩu vào ngày 14-1-2013, doanh nghiệp nhập 1.883 thùng sữa Dumex Gold bước 3 loại 800g/hộp, đơn giá là 63,76 USD/thùng, tức chỉ có 5,31 USD/hộp. Tiếp đó, hàng loạt lô hàng khác được nhập về vào tháng 2, tháng 4, tháng 5 và mới đây là tháng 6-2013 đều giữ mức trên.

Một sản phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng VN là sữa Enfamil A+ do Công ty TNHH Mead Johnson VN nhập khẩu. Giá nhập khẩu mặt hàng này sau khi đã tính thuế nhập khẩu là 207.400 đồng/hộp 900g, với sản phẩm Enfamil A+ số 2. Trong khi đó, giá bán lẻ tại siêu thị là 494.000 đồng/hộp.

Một loại sữa non đang có giá bán cao chót vót nhưng giá nhập khẩu lại rất bình dân. Đó là sữa non Pro Care, xuất xứ New Zealand do Công ty TNHH Xuân An nhập khẩu. Tại một siêu thị ở TP.HCM, sữa non Pro Care hộp 450g bán giá 731.500 đồng/hộp. Trong khi đó, giá nhập khẩu (chưa thuế) của sản phẩm này chỉ 173.000 đồng/hộp.

Trả lời báo Tuổi Trẻ vì sao giá bán lẻ lại lên quá cao so với giá nhập khẩu, ông Enda Ryan - tổng giám đốc Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition VN - chỉ nói chung chung giá bán sản phẩm của Mead Johnson phản ánh các khoản đầu tư đáng kể tại địa phương, khu vực và toàn cầu về chất lượng.

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp