Ông Trần Đình Sơn, chủ tàu BĐ 99245 TS, cầm mẫu vỏ thép tàu được tổ thẩm định độc lập lấy để kiểm nghiệm - Ảnh: Thái Thịnh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-6, ông Nhiên nói: “Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định nóng ruột, chỉ đạo công an điều tra xử lý vụ việc này (18 tàu vỏ thép hư hỏng). Nếu lãnh đạo tỉnh không chỉ đạo thì với trách nhiệm của ngành công an, chúng tôi cũng vào cuộc điều tra, xử lý”.
Làm hết trách nhiệm
“Tôi mới ký văn bản chính thức yêu cầu Công an tỉnh Bình Định vào cuộc quyết liệt vụ việc này” - ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói với Tuổi Trẻ sáng 13-6.
Trước đó, tại hội nghị về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo nghị định 67 do Bộ NN&PTNT tổ chức ở tỉnh Bình Định hôm 9-6, ông Châu cho hay đã chỉ đạo Công an Bình Định báo cáo Bộ Công an để điều tra, xử lý việc 18 tàu vỏ thép của ngư dân mới đóng bị hỏng máy, gỉ sét vỏ và nhiều bộ phận khác.
Theo ông Nhiên, những ngày qua lực lượng của Công an tỉnh Bình Định đã nắm tình hình vụ việc để báo cáo đầy đủ cho Bộ Công an và thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
“Tôi vừa chỉ đạo các phòng chuyên môn xem xét hồ sơ, hợp đồng đóng tàu, trang bị thiết bị cho tàu và những vấn đề khác, tổng hợp báo cáo Bộ Công an để chỉ đạo điều tra, xử lý. Theo tôi biết, Bộ NN&PTNT cũng có báo cáo cho Thủ tướng. Sáng 13-6, bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời chất vấn của Quốc hội nói sẽ truy trách nhiệm vụ này đến cùng. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì công an điều tra ngay” - ông Nhiên cho hay.
Trả lời câu hỏi của dư luận băn khoăn về việc công an tỉnh xác minh Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu thuộc Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật Bộ Công an (một trong hai nhà máy đóng tàu vỏ thép có hư hỏng), ông Nhiên nói: “Không! Bất cứ ai sai cũng xử lý, công ty của bộ càng xử lý nghiêm. Công an tỉnh Bình Định sẽ làm hết trách nhiệm theo quy định pháp luật và theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”.
Cùng ngày, tổ thẩm định độc lập của UBND tỉnh Bình Định tiếp tục lấy đủ mẫu vỏ thép của tất cả 17 tàu được thẩm định để gởi đi kiểm định tại TP.HCM.
Ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - cho biết: “Mấy ngày trước có sáu ngư dân không đồng ý cho lấy mẫu vỏ thép của tàu để kiểm định, nhưng ngày 13-6 họ đều đồng ý. Việc kiểm định thép được thực hiện để đánh giá được chất lượng, độ dày thép đóng tàu. Chúng tôi cũng đôn đốc tổ thẩm định độc lập đẩy nhanh công việc, cố gắng cuối tuần này có báo cáo kết quả chính thức về 17 chiếc tàu vỏ thép bị hư hỏng”.
Giải pháp nào cho tàu bị gỉ sét?
Liên quan đến việc xử lý các tàu vỏ thép hư hỏng, quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và Bộ NN&PTNT là nếu máy tàu cũ, lỗi, không đúng chủng loại thì thay mới; nếu nhà máy đóng tàu sử dụng thép không đúng chủng loại, không đảm bảo chất lượng như hợp đồng cũng phải thay thép mới, đúng chủng loại cho chủ tàu.
Đến nay, Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát, đơn vị cung cấp động cơ cho Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu lắp cho tàu vỏ thép ở Bình Định, cam kết sẽ lắp lại máy thủy mới nguyên chiếc hiệu Mitsubishi cho chín tàu được phát hiện là lắp máy cải hoán.
Tuy nhiên, việc yêu cầu thay lại thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản cho thép Trung Quốc do Công ty TNHH một thành viên Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng cho năm chiếc tàu của Bình Định thì không đơn giản.
Ông Võ Tuân, chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, nói ông và một số ngư dân đóng tàu ở công ty này yêu cầu nhà máy sơn sửa lại vỏ, thân tàu bị gỉ sét đúng quy trình, chất lượng, sau đó giảm giá tàu do sử dụng thép Trung Quốc.
“Công ty Đại Nguyên Dương còn phải trả cho chúng tôi những khoản thiệt hại khác vì tàu hư hỏng, không đi biển được như mất nguồn thu, mất bạn hàng, nợ ngân hàng không trả đúng kỳ” - ngư dân Nguyễn Văn Lý, chủ tàu vỏ thép BĐ 99004 TS, yêu cầu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu nói: “Tất cả những con tàu có vấn đề đều phải được lấy mẫu thép đi kiểm nghiệm để xác định thép đó có đủ tiêu chuẩn làm tàu đi biển hay là thép bình thường, xuất xứ từ đâu, hàm lượng thế nào... Có kết quả ấy mới chỉ đạo hướng khắc phục đúng đắn được”.
Theo lãnh đạo một công ty đóng tàu biển tại tỉnh Khánh Hòa, thép Trung Quốc mác A vẫn được các công ty đóng tàu ở VN và thế giới sử dụng để đóng tàu biển, nhưng giá bán của thép Trung Quốc rẻ hơn so với thép Hàn Quốc và Nhật Bản khoảng 3.000 đồng/kg.
“Mỗi con tàu làm khoảng 100 tấn thép, do đó phần tiền chênh lệch giá của thép phải trả lại cho ngư dân. Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo làm sạch bề mặt thép và sơn con tàu đúng quy trình, nếu nhà máy không tuân thủ thì dù thép tốt cỡ nào đi nữa khi con tàu xuống biển cũng bị gỉ sét, ăn mòn nhanh chóng” - vị này nói.
Nếu máy bị lỗi, nhà máy phải thay máy mới Về việc Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) không chấp nhận đề nghị của Công ty Nam Triệu là thay máy mới cho chiếc máy hiện tại bị hư hỏng nặng, gãy cốt máy, sửa nhiều lần trên tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), ông Trần Châu nói: “Nếu xác định máy ấy bị hỏng do lỗi sản xuất, lắp ráp, không đúng chủng loại như trong hợp đồng... thì Công ty Nam Triệu có trách nhiệm thay máy mới cho ông Sơn. Việc lãnh đạo Công ty Nam Triệu nói Doosan không đồng ý thay máy mới là việc riêng của hai doanh nghiệp, họ tự giải quyết. Ngư dân ký kết hợp đồng đóng tàu trọn gói với nhà máy thì nhà máy phải có trách nhiệm”. Ngày 13-6, chúng tôi liên lạc nhiều lần với ông Đặng Ngọc Oanh - giám đốc Công ty Nam Triệu - nhưng ông cáo bận họp, không trả lời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận