Thủy triều xuống, mọi người ra bãi bùn trượt ván mong bắt hải sản - Ảnh: MINH TÂM
Để dễ dàng di chuyển trên bãi bùn rộng lớn, ngư dân đã sáng tạo ra ngư cụ độc đáo: chiếc mong bằng ván. Nhờ nó, cuộc mưu sinh của bà con miệt biển bớt phần nhọc nhằn...
Chiếc mong thường làm bằng ván còng, chừng một năm phải thay mới. Bà con mua gỗ về tự đóng. Hai thành gỗ được đóng xuôi theo mong làm nơi chứa hải sản đánh bắt được và nước uống mang theo.
Ông Tăng Thái Quân
Tấm ván chở nặng mưu sinh
Tôi theo nhóm anh Trần Cò xuống bãi lầy ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng), bùn lún đến gần đầu gối, mỗi lần nhấc chân nặng trịch bởi lớp bùn nhão ôm chặt. Nhưng khi anh Cò một chân tì gối lên mong - tấm ván trượt, một chân anh đạp xuống bùn thì lướt nhẹ băng băng. Mỗi cú anh đạp đẩy, chiếc mong lao lên phía trước đến 3m.
Hai tay nắm thanh ngang, anh lượn những vòng lả lướt như nghệ sĩ trượt băng. Những con cá bống sao nhảy trên mặt bùn, nhưng khi chiếc mong của anh vừa trờ tới, chúng chúi nhanh xuống bùn mất tăm.
Anh Cò chỉ những lỗ nhỏ cỡ đầu hai ngón tay khắp mặt bùn: "Hang cái của cá bống sao đó, ngoài ra chúng còn đào thêm hang ách phòng thoát hiểm. Khôn dữ thần". Một tay anh thụt vào hang cái, tay kia thụt vào hang ách.
Do hang sâu nên anh nằm mọp xuống bùn, dồn hết lực đẩy hai tay vào hang, mỗi tay túm được một con bống sao lôi lên khỏi hang. Gần đó, anh Vạc cũng đang thụt tay bắt cá, có con đã bị lôi lên khỏi hang nhưng vùng thoát trườn đi. Anh Vạc phải nhoài người theo chụp lại, khắp người bê bết bùn.
Phía xa xa, ông Tăng Thái Quân đang trượt mong băng băng ra biển để bắt sò huyết. Trượt được khoảng 2km, ông bắt gặp dấu chân cua để lại hai hàng trên bãi bùn liền đạp mong theo dấu, được khoảng vài chục mét thì cua mất dạng. Nhưng đúng lúc đó, ông lại thấy bong bóng nước nổi lên và bắt được mấy con sò cỡ hai đầu ngón tay.
"Mỗi con có dấu hiệu nhận dạng riêng, như nhìn bóng nước nổi trên bùn là biết chỗ đó có sò do nó mở miệng thở" - ông Quân cho biết thêm cỡ 15 năm trở về trước, cua biển, cá bống sao, sò bắt được cả chục kilôgam mỗi buổi nhưng giờ giỏi lắm chỉ được 3-4kg. Ngày xưa, mình ông đi trượt ván nuôi cả gia đình bốn người sống khỏe, còn giờ chỉ hai vợ chồng mà sống rất chật vật.
Vui vẻ bên nhau để quên vất vả tay lấm chân bùn - Ảnh: TRẦN HÀ
Gần ông Quân, bà Binh (66 tuổi) cũng đang bắt sò huyết. Hai tay bà sục sạo trong bùn một khoảng rộng mới bắt được một con sò giống bằng đầu ngón tay. Rồi cứ thế bà bắt lần về phía trước, bắt đến đâu bà kéo chiếc mong theo đến đó. Tôi hỏi sao bà không nhìn theo dấu hiệu bong bóng nước để bắt, chứ bắt vầy mất sức nhưng hiệu quả không cao. "Mắt dì hơi kém nên nhiều khi không nhìn thấy rõ sò sủi tăm. Thôi, cứ mò bắt đại" - bà trả lời.
Sau khi quần nát bãi bùn quanh mình, bà lại lên tấm ván mong trượt đến chỗ khác để cặm cụi bắt tiếp. Sau một tiếng "cày" mải miết trên bãi bồi, bà nghỉ tay, kể chuyện: "Đứa con trai của dì đi Bình Dương làm công nhân, hoàn cảnh vợ chồng nó cũng rất khó khăn nên dì phải tự lo cho mình". Nghỉ tầm 15 phút, bà lại cần mẫn mò bắt từng con sò, mặc kệ trời đổ mưa. "Kiếm chén cơm bằng nghề này, trời nắng đổ lửa hoặc mưa cũng phải làm, trừ dông bão thôi" - bà tâm sự.
Cứ vậy, mấy tiếng đồng hồ với chiếc ván mong lướt trên bãi lầy, bà Binh bắt được gần 2kg sò giống và sò thịt. Bà thổ lộ: "Bấy nhiêu cũng được 70.000 đồng, vậy là được rồi. Cũng nhờ chiếc mong này, chứ sình bùn vầy sức già lội bộ không nổi!".
16h, thủy triều bắt đầu lên, mọi người lục tục trượt ván mong vô bờ. Có người hồ hởi vì bắt được vài kilôgam cá bống sao hoặc sò huyết hay giăng lưới trúng luồng cá đối... Nhưng cũng có người lặng lẽ buồn thiu vì bắt được quá ít.
Quần áo ai cũng bê bết bùn khiến khuôn mặt nhuộm màu nắng gió như sạm thêm. Đôi bàn chân, bàn tay nhăn nheo do ngâm trong bùn quá lâu. Phía sau bóng họ là đường láng bằng phẳng của chiếc ván trượt và những vết chân đẩy tới của cuộc mưu sinh nghèo khó trên bãi bùn.
Anh Cò đang thụt bắt cá bống sao - Ảnh: MINH TÂM
Vất vả nhưng không dễ bỏ nghề
"13 tuổi tôi đã theo cha và ông nội trượt ván mong. Tôi nghe ông nội kể từ thời ông cố đã có mong làm phương tiện bắt sản vật thiên nhiên nuôi sống gia đình. Bởi do không thể đi bộ hàng chục cây số trong bùn nên các cụ đã chế ra tấm ván trượt trên bùn" - cụ Lâm Hà, 77 tuổi, cho biết.
Ông Đặng Văn Khải, trưởng ấp Mỏ Ó, kể thêm: "Những hộ làm nghề trượt ván mong đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, không vốn liếng sắm tàu thuyền đánh bắt, nên bà con quanh quẩn nương vào bãi cạn kiếm sống.
Khoảng mười mấy năm về trước, ấp có gần 200 hộ đi ván mong. Nhưng rồi sự đánh bắt bừa bãi, nạn ô nhiễm môi trường đã khiến nguồn lợi hải sản bãi bờ ngày càng ít, nên nhiều người rời quê lên phố làm công nhân".
Mỗi tháng, bà con chỉ trượt ván mong được khoảng 10-12 ngày theo thủy triều. Có hôm được vài trăm ngàn đồng nhưng nhiều khi chỉ được vài chục ngàn, vì vậy họ phải kiếm việc làm thêm như nhổ cỏ thuê, làm mướn cho các trại tôm. Cuộc sống rất túng khó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng rời được cái nghề lấm lem bùn đất này. Anh Trần Cò tâm sự: "Ông cha đã để lại cho mình chiếc ván mong nên cứ giữ lấy mà sống. Giờ dẫu có khó khăn nhưng chịu khó ăn uống tiện tặn, cực thêm chút. Bù lại, mỗi lần cưỡi ván trượt bãi biển cũng có chút niềm vui, chứ không phải xa xứ đi làm công nhân".
Buổi chiều, lúc chào tôi, anh Cò và nhóm bạn đang nhóm lửa nướng vài con cá bống sao để vui bên nhau mà quên đi nỗi nhọc nhằn tay lấm chân bùn...
Bà Binh vất vả kiếm sống trên bãi bùn - Ảnh: MINH TÂM
Nghề trượt ván mong cũng có nhiều rủi ro do một chân trần phải đạp bùn đẩy tới nên dễ đạp trúng vật sắc nhọn hay ngạnh cá mặt quỷ, cá ngát... Anh Lâm Lương nói: “Các loài cá này đâm nhức phát sốt. Có lần tôi đạp trúng cá mặt quỷ, ăn luồng thành mạch lươn ở chân đau nhức đến 8 tháng mới lành”. Còn anh Cò kể mỗi lần bị đâm, anh ngâm chân vào nước đá cho bớt đau, ráng chịu đựng một vài ngày rồi lại tiếp tục xuống biển kiếm sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận