26/06/2020 10:37 GMT+7

Trường y phân trần về học phí

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Sáng 25-6, hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe các trường đại học trên địa bàn TP.HCM đã họp bàn nhiều nội dung, trong đó có vấn đề học phí.

Trường y phân trần về học phí - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học phí của trường hiện nay chỉ khoảng 500 USD/năm trong khi đầu tư một phòng mô phỏng chi phí đã hơn 200 tỉ đồng, chưa kể xây dựng và các trang thiết bị khác. Với mức học phí hiện tại, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là bất khả thi.

PGS.TS Ngô Minh Xuân

Là trường trọng điểm về đào tạo y khoa, đội ngũ giảng viên của trường khá hùng hậu. Nếu đối đãi và chính sách thu nhập không đủ tốt sẽ khó giữ chân được họ cũng như giữ vị thế và nâng tầm chất lượng.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn

Thành phần họp gồm các trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y dược TP.HCM, Quốc tế Hồng Bàng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Công nghệ TP.HCM và đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM. 

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng chi phí đào tạo y dược gấp 5 lần những ngành đào tạo khác nên học phí cũng phải tương ứng để đảm bảo chất lượng, giữ chân giảng viên.

Nhiều người "sốc"

Đánh giá về dự kiến học phí của Trường ĐH Y dược TP.HCM, PGS.TS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng từ mức học phí được bao cấp tăng lên 70 triệu đồng có thể khiến nhiều người bị sốc. 

Do đó, việc tăng học phí nên có lộ trình. Tuy nhiên, ông Xuân cũng rất chia sẻ vấn đề này bởi học phí hiện nay quá thấp khiến trường gặp nhiều khó khăn, cần phải có mức học phí hợp lý hơn.

"Trường được giao tự chủ nhưng mức thu hiện chỉ là 13 triệu đồng/sinh viên/năm. Trong khi ngân sách bị cắt hơn 80 tỉ đồng/năm. Trường phải chắt bóp và tăng một số hoạt động khác để giữ chân giảng viên. 

Hiện có nhiều nơi lôi kéo người của trường, kể cả ban giám hiệu với mức lương gấp mười lần của trường. Không giữ được giảng viên giỏi sẽ mất chất lượng, mất mã ngành đào tạo" - ông Xuân nói.

Đồng tình với việc tăng học phí, đại diện một trường ĐH ngoài công lập cho biết ông thử tính toán chi phí đào tạo một sinh viên y khoa ở trường công và đưa ra mức phí 88 triệu đồng/năm nếu tuyển 100 sinh viên. Đây là chi phí, chưa phải học phí. 

Tuy nhiên, ông này cho rằng học phí cao phải đảm bảo theo đó là chất lượng đào tạo cũng như dịch vụ phải tương xứng.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Thanh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho rằng dạy nhóm nhỏ chất lượng tăng. Nhưng tăng như thế nào, cần có minh chứng tăng bao nhiêu lần để có cơ sở tính toán mức tăng học phí.

Vẫn phải bù lỗ

Trong khi đó, với mức học phí ngành cao nhất lên đến 70 triệu đồng/năm, PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết trường có đủ các điều kiện về tự chủ để tự xác định học phí. Mức học phí này trường vẫn còn bù lỗ, chưa tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Ông Tuấn nói thời gian qua trường đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, phòng học, thư viện, trung tâm mô phỏng, tài liệu, phối hợp cùng Trường y Harvard (Mỹ) xây dựng chương trình đào tạo. 

Việc tăng học phí nhắm đến mục tiêu cốt lõi chất lượng và trải nghiệm của sinh viên. Trường tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm môi trường giáo dục chất lượng hơn.

"Trước đây một môn có thể chỉ giảng dạy một lớp. Nhưng hiện nay chia 4, 5 lớp, thậm chí có giảng viên phải dạy đến 48 lần cho một môn học với các nhóm nhỏ khác nhau. Dạy nhiều mà thu nhập không tăng thì làm sao giữ được giảng viên. 

Là trường trọng điểm về đào tạo y khoa, đội ngũ giảng viên của trường khá hùng hậu. Nếu đối đãi và chính sách thu nhập không đủ tốt sẽ khó giữ chân được họ cũng như vị thế và nâng tầm chất lượng" - ông Tuấn nói thêm.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, hiện nay sinh viên một số trường y tại Việt Nam có thể thi bằng tương đương để hành nghề y khoa tại Mỹ. 

Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2024, nếu trường ĐH không được kiểm định chất lượng và được công nhận bởi Liên đoàn Đào tạo y khoa thế giới, sinh viên sẽ không được tham gia kỳ thi này. 

"Học phí thấp khiến các trường khó thực hiện việc này và đó là bước lùi đối với đào tạo y khoa của Việt Nam" - ông Tuấn nói thêm.

Bệnh viện tăng giá nhận sinh viên thực tập

Trao đổi tại hội nghị, ông Xuân cho biết với nhiều trường nước ngoài, nguồn thu chủ yếu đến từ nghiên cứu và chuyển giao, học phí chỉ chiếm khoảng 40% tổng thu. Các trường Việt Nam nói chung và y dược nói riêng, nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí.

Trong khi đó, khoản chi rất nhiều và các trường công lập thực sự gặp nhiều khó khăn. Học phí thấp khiến các trường công còn gặp khó khăn trong việc đưa sinh viên đi học và thực tập tại bệnh viện.

"Trường có 62 bệnh viện và trung tâm y tế thực hành để đưa sinh viên đến học và thực tập.

Hiện nay, nhiều bệnh viện đã tăng giá nhận sinh viên lên 5 - 10 lần, có nơi hàng chục lần. Tôi phải năn nỉ họ giảm giá bởi trường công không có nhiều kinh phí cho việc này. Hơn nữa họ tham gia đào tạo để sau này sử dụng chính nguồn nhân lực ấy.

Thu tượng trưng như thế cũng khó khăn cho họ vì họ phải chi tiền để mua thiết bị cho sinh viên thực tập trong khi các trường tư lại chi nhiều hơn" - ông Xuân nói.

Học phí thấp, chất lượng đào tạo y khoa sẽ thụt lùi Học phí thấp, chất lượng đào tạo y khoa sẽ thụt lùi

TTO - Đây là ý kiến các trường đào tạo y dược nêu ra tại TP.HCM trong hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe diễn ra sáng 25-6.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp