Tiểu thương chèo thúng ra ngoài, đưa những chiếc rổ mua cá - Ảnh: TRẦN MAI
Dân tôi nghe theo hiệu lệnh của chú Sáu, chú hô là kéo, làng này chưa một lần bỏ tàu gặp nạn. Chính tàu của tôi nhờ đó mà cứu được.
Ngư dân VÕ VĂN TƯ
Với những đóng góp bảo vệ sự bình yên nơi xóm làng, cảng biển và tạo sự đoàn kết cho đội tàu đi biển cùng nhau phát triển, năm 2019 ông Nguyễn Xết được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen "Những tấm gương bình dị và cao quý" trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Lão ngư chờ tàu
"Đêm qua đánh được không con?" - ông Xết hỏi một ngư dân. Đáp lại là lời nói lễ phép: "Dạ cũng trúng mánh. Bác Sáu lấy mấy con cá ngừ về ăn với tụi con cho vui, tươi lắm". Ông Sáu Xết cười hiền lành từ chối.
Cảng Mỹ Á (phường Phổ Quang) đông nghịt người, những thương lái vội bê giỏ cá tươi rói vừa mua được, nổ máy rồ ga đi nhanh cho kịp buổi chợ.
Ông Sáu Xết thong thả dạo quanh chợ cá lúc bình minh, quan sát mọi chuyện. Ở Mỹ Á, hình bóng ông như một biểu tượng của đoàn kết và yêu thương nhau. Những tiểu thương thấy ông Sáu Xết cũng lễ phép chào hỏi.
Thấy ông đi qua đi lại lẩm nhẩm trong miệng, tôi hỏi: "Bác đếm gì vậy?", ông Sáu Xết bảo: "Còn chiếc tàu của thằng Vương, hôm qua đi sớm, đáng ra giờ đã về rồi mà chẳng thấy đâu". Nỗi lo khiến ánh mắt ông cứ hướng về phía cửa biển.
Trời sáng bảnh mắt, chẳng thấy tàu của anh Vương trở về, ông Sáu Xết lo thật sự. Nhấc điện thoại ông gọi cho con trai: "Con lấy icom dò ngoài biển thử sao thằng Vương chưa về, hỏi xem có anh em nào ở ngoải thấy nó không".
Dứt cuộc điện thoại, ông Sáu Xết đi nhanh về phía cửa biển, leo lên núi thắp hương khấn vái ở đền thờ thần Nam Hải, rồi đứng từ trên núi nhìn thẳng về phía biển khơi bao la.
"Thằng Vương đâu rồi cà?" - ông tự nói với mình. Mặt trời đỏ rực hiện lên nền biển, khoảnh khắc của ngày mới thật đẹp.
Dưới triền nước đỏ lừ ấy, một chiếc tàu cá xuất hiện, ông cố trân đôi mắt mờ đục vì tuổi tác nhìn cho rõ. Chiếc tàu dần vào bờ, đúng là tàu của Vương, ông Sáu Xết thở phào, không quên vào thắp nén nhang tại đền thờ thần Nam Hải.
Con tàu vượt qua kè chắn cát chầm chậm vào cảng, ông Sáu Xết đưa tay vẫy vẫy, rồi gọi lớn: "Sao giờ mới về?". Tiếng máy lớn quá, những trai tráng dưới thuyền không nghe rõ, mọi người đổ dồn về phía mũi tàu vẫy tay chào ông.
Tàu vào cảng, ông vội xuống bến hỏi dồn: "Có chuyện gì mà về muộn vậy, không ai biết mày đi đâu hết?". Anh Vương gãi gãi đầu trả lời: "Mải chạy theo luồng cá con quên icom về báo, đánh mẻ cuối đến hơn 3 tiếng mới xong nên về muộn bác Sáu".
Nghe Vương nói, ông Sáu Xết rầy la: "Lần sau phải báo nghen, mày làm bác và mọi người lo nãy giờ. Bác tính kêu mấy đứa chạy tàu ra biển tìm mày đó". Anh Vương bước lên cầu cảng khoác tay qua vai ông tỏ vẻ hối lỗi: "Con biết rồi bác Sáu, xin lỗi bác nghen".
Ở cảng Mỹ Á, người ta gọi ông Sáu Xết là "lão ngư chờ tàu" cũng vì cái tính hay lo cho cả làng của ông. 17 năm làm trưởng vạn chài Hải Tân, chừng ấy thời gian ông phải đếm đủ quân số mỗi ngày.
Cái nghiệp thay mặt làng bái tạ biển mẹ mỗi ngày đến từ khi ông còn là một ngư dân đánh bắt. Hồi tưởng quá khứ, ông kể: "17 năm trước tôi chưa được 50 tuổi đã làm trưởng vạn rồi. Cúng bái thì không bằng các cụ lớn tuổi, nhưng người làng tín nhiệm cũng bởi cái tính hay lo. Hồi tôi còn đi biển, tôi để icom nguyên chuyến, ai có chuyện gì trên biển cũng nghe ngóng được rồi gọi mọi người giúp nhau".
Câu chuyện làm trưởng vạn được tiếp nối bởi ông Lê Kiểm (85 tuổi): "Thằng Sáu giúp làng này nhiều lắm. Nó không làm trưởng vạn thì ai làm".
Thế rồi ông Kiểm kể một mạch, toàn những chuyện về ông Sáu Xết đầy nghĩa hiệp như: tàu nào gặp trục trặc có giữa bão cũng đi giúp; huy động mọi người góp tiền giúp tàu không may gặp nạn; dặn dò thanh niên bớt ăn nhậu, chí thú làm ăn; động viên chủ tàu giúp những người nghèo, sức khỏe yếu ở làng được góp vốn làm ăn...
"Bao nhiêu đời trưởng vạn ở xứ này, tôi chưa thấy ai làm tốt và được cả làng tín nhiệm như thằng Sáu" - ông Kiểm khẳng định.
Ông Sáu Xết (trái) trò chuyện với một người bạn già sau khi từ cảng cá về, ở đây ai cũng yêu quý ông - Ảnh: TRẦN MAI
Hiệp sĩ lừng danh
Ông Sáu Xết ở làng Hải Tân nhẩm tính lại đời mình chưa khi nào rời làng quá 10 ngày ngoài thuở còn bé phải tản cư, né những trận pháo kích chiến cuộc từ biển vào và từ không trung xuống. 15 tuổi, ông Sáu Xết theo cha dọc ngang biển khơi trên những chiếc thuyền mê (ghe đan bằng nan tre, gắn ván gỗ hai bên thân).
Biển khơi mênh mông, chiếc thuyền mê yếu ớt mỗi khi biển mẹ nổi giận. Thời ấy, để đứng vững giữa biển kiếm con cá mưu sinh, đoàn tàu Mỹ Á phải đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua hiểm nguy. Tinh thần nghĩa hiệp của ông được hun đúc từ con thuyền nhỏ bé ấy.
Hơn 20 tuổi, cũng là lúc người cha tích cóp làm một chiếc thuyền gỗ giao cho ông Sáu Xết làm thuyền trưởng đi biển.
Thời đó, chiếc tàu thuộc nhóm mạnh nhất làng chài. Và chính con thuyền đầu tiên ấy, ông Sáu và người làng chẳng thể nhớ đã cứu vớt bao nhiêu người trên biển. Chỉ có người làng Hải Tân là nhớ, họ vẫn kể cho con cháu nghe về người đàn ông như huyền thoại của làng chài.
"Áng chừng ổng ứng cứu cả trăm chiếc tàu chứ không ít" - ông Kiểm nói, rồi đọc một loạt cái tên từng mang ơn ông Sáu Xết.
Tình người như những con tàu gắn kết nhau nơi bến cảng, cùng sống nhờ chén cơm mang về từ khơi xa, người dân làng biển không dối gạt cảm xúc của mình. Một nhóm trai tráng, người già tụ tập lại khi nghe hỏi về ông Sáu Xết.
Họ kể về cảng biển Mỹ Á, bao nhiêu chiếc tàu tan tành khi xảy lái vì sóng lớn. Thế là ông Sáu Xết lại chạy khắp làng kêu gọi mọi người cùng ra cảng biển.
"Thời trước là vác cuốc, thuổng ra đào cát, rồi buộc dây thừng kéo tàu gặp nạn. Sau này tàu lớn máy lớn phải dùng nhiều chiếc tàu buộc dây thừng và kéo tàu gặp nạn ra.
Dân tôi nghe theo hiệu lệnh của chú Sáu, chú hô là kéo, làng này chưa một lần bỏ tàu gặp nạn. Chính tàu của tôi nhờ đó mà cứu được" - ngư dân Võ Văn Tư, chủ tàu cá QNg 98783 vừa được ông Sáu huy động cứu chiếc tàu bạc tỉ cách đây hai năm, kể.
Nhiệm vụ của trưởng vạn Hải Tân đâu chỉ có đoàn kết cứu tàu. Từ ngày lên vạn trưởng, ông lập ra "Quỹ hỗ trợ ngư dân", nguồn quỹ này cũng thật kỳ lạ khi chẳng có lấy một đồng, tiền vẫn ở nhà các ngư dân.
Khi tàu gặp nạn trở về, ông Sáu đi từng nhà kêu gọi và tùy lòng hảo tâm của từng chủ tàu mà hỗ trợ chủ tàu gặp nạn. Nhờ đó mà chẳng có tàu nào sau trận lênh đênh phải bỏ biển.
"Ở đây 120 tàu cá, người hỗ trợ 1 triệu đồng thôi cũng đủ sửa tàu, mua lưới đi biển rồi. Lúc hoạn nạn là cần tình làng nghĩa xóm, tôi nghĩ vậy mà lập quỹ" - ông Sáu Xết nói.
Nhiều chuyện để nhớ
Nhắc đến ông Sáu Xết, chẳng biết kể bao nhiêu chuyện cho hết. Quá nhiều chuyện để nhớ, như ông Huỳnh Xuân Bình - phó chủ tịch UBND phường Phổ Quang - kể chuyện ông Sáu lo thủ tục giấy tờ cho ngư dân đi biển, lo thủ tục vay vốn cho người khó khăn, lo cả thủ tục bảo hiểm khi tàu trong làng gặp nạn, dặn dò thanh niên không được ăn nhậu quá khuya mà mất sức...
Cảng Mỹ Á thanh bình ngày nắng lên, những chiếc tàu lưới vây, lưới rút về, tàu lưới ruốc bắt đầu ra biển. Trên bến cảng, một ông lão cứ dõi theo.
Lời căn dặn của ông với các chủ tàu khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng: "Gặp luồng ruốc lớn, nhớ icom cho anh em khác tới bắt nghen.
Nhớ giữ icom thường xuyên mà thông tin cho nhau". Trong đoàn tàu ra khơi tìm ruốc ấy có cả con trai ông, chiếc tàu bốn năm trước ông cầm lái, nay ông lùi về bến cảng với một sứ mệnh của đoàn kết, chung lòng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận