Đó là trích đoạn trong thông báo tuyển sinh thạc sĩ trên Fanpage Trường trung cấp Tổng hợp Sài Gòn. Thông báo còn ghi rõ: "Thời gian học linh hoạt vào cuối tuần, kết hợp học trực tuyến và trực tiếp. Được đội quản lý nhiều kinh nghiệm hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình học".
"Gom đủ số lượng là thi"
Chúng tôi vào trang tuyển sinh của Trường trung cấp Tổng hợp Sài Gòn và nhận thấy có rất nhiều thông tin tuyển sinh thạc sĩ 2023, danh sách trúng tuyển cao học 2022 của Trường ĐH Luật (ĐH Huế).
Trong thông báo tuyển sinh cao học ngành luật của Trường ĐH Luật, Trường trung cấp Tổng hợp Sài Gòn là một trong 18 cộng tác viên tư vấn tuyển sinh và nhận hồ sơ từ Quảng Bình đến An Giang.
Mặc dù thông báo của Trường ĐH Luật chỉ là cộng tác viên nhận hồ sơ, nhưng khi phóng viên liên hệ với Trường trung cấp Tổng hợp Sài Gòn, nhân viên tư vấn tên Phượng cho biết lớp thạc sĩ luật đang nhận hồ sơ, địa điểm học tại Trường trung cấp Tổng hợp Sài Gòn theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Trên trang web Trường trung cấp Tổng hợp Sài Gòn, ở phần nổi bật, ngoài thông tin kỷ niệm thành lập trường, ba mục còn lại đều là tuyển sinh đại học từ xa, vừa làm vừa học.
Trong khi đó, trang tuyển sinh của trường này chẳng khác nào trang tuyển sinh của một trường đại học khi toàn bộ thông tin là tuyển sinh đại học từ xa trực tuyến, liên thông, văn bằng 2 và thạc sĩ. Hầu như không có hoặc rất ít thông tin về tuyển sinh trung cấp.
Nhiều trường trung cấp khác cũng công khai tuyển sinh thạc sĩ đủ các ngành học. Đáng chú ý trong số này là Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Trường này tuyển sinh không khác nào một trường đại học khi có cả bậc đại học và thạc sĩ.
Riêng bậc thạc sĩ, trường này tuyển sinh ngành tài chính ngân hàng (phối hợp cùng Trường ĐH Cửu Long) và luật, quản lý kinh tế (ĐH Huế). Tuy chỉ là trường trung cấp nhưng hiệu trưởng trường này ra hẳn thông báo tuyển sinh thạc sĩ, có đóng mộc đỏ của trường.
Trong vai người có nhu cầu học, phóng viên liên hệ với nhân viên tên Hiền (trong danh sách cộng tác viên tuyển sinh của Trường ĐH Luật) và được ông này cho biết đang chiêu sinh thạc sĩ luật kinh tế, học phí 15 triệu đồng/học kỳ.
"Học trực tuyến kết hợp với tập trung thảo luận tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt. Bạn cần có chứng chỉ B1 trước khi xét tuyển. Nếu cần hỗ trợ B1, B2 thì báo mình. Nếu gom đủ số lượng thì bên mình tổ chức thi luôn" - ông Hiền tư vấn.
Trường trung cấp Công nghiệp Bình Dương cũng rầm rộ tuyển sinh liên thông đại học, thạc sĩ. Dù là trường trung cấp nhưng năm 2022 trường này cũng tự ra thông báo tuyển sinh thạc sĩ quản lý giáo dục và giáo dục học của ĐH Huế.
Chúng tôi liên hệ nhân viên tên Quý theo số điện thoại trong thông báo để hỏi về việc tuyển sinh ngành quản lý giáo dục. Người này cho biết khóa trước đã học rồi, khóa mới đang nhận hồ sơ, ĐH Huế cấp bằng.
"Theo quy định của ĐH Huế, từ 10 học viên trở lên sẽ học trực tiếp tại Trường trung cấp Công nghiệp Bình Dương. Khóa trước có năm người nên đang ghép lớp học trực tuyến. Đa số đào tạo thạc sĩ hiện nay đều dạy trực tuyến" - người này nói. Trường trung cấp này cũng nằm trong danh sách nhận hồ sơ cao học của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế).
Trong khi đó, Trường trung cấp Miền Nam tuyển sinh thạc sĩ quản lý kinh tế. Theo nhân viên tư vấn của trường, bằng do Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cấp. Việc học diễn ra tại Trường trung cấp Miền Nam (Đồng Xoài, Bình Phước). Điều đáng nói là việc thi đầu vào cũng được tổ chức tại Đồng Xoài.
Cách xoay xở "làm thêm" của trường trung cấp
Ông Trần Văn Tuấn - hiệu trưởng Trường trung cấp Tổng hợp Sài Gòn - cho biết những năm qua bậc trung cấp hầu như không tuyển sinh được. Trường xoay xở bằng cách truyền thông, tuyển sinh cho các đơn vị khác hưởng hoa hồng.
Trong khi nhân viên tư vấn khẳng định lớp học đặt tại trường, nhưng ông Tuấn khẳng định trường chỉ tuyển sinh và bàn giao cho Trường ĐH Luật đào tạo, trường không liên quan đến việc mở lớp.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Phương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Huế) - cho biết các điểm này chỉ nhận hồ sơ tuyển sinh, còn việc đào tạo và đánh giá diễn ra tại Trường ĐH Luật.
Chỉ có một số học phần trường tổ chức đào tạo ngoài trường. "Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin của đơn vị cộng tác viên" - ông Phương nói.
Trong khi đó, giải thích thêm về việc tuyển sinh thạc sĩ, ông Lê Ngọc Nam - trưởng phòng đào tạo Trường trung cấp Công nghiệp Bình Dương - cho rằng trường là điểm tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh thạc sĩ.
"Nếu có từ 10 học viên trở lên, trường sẽ xin được tổ chức lớp học tại trường. Khóa trước chỉ có bốn người nên trường đã bàn giao cho đơn vị khác để ghép lớp đào tạo" - ông Nam cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Vinh - phó trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - cũng phủ nhận việc đào tạo ngoài trường.
"Các đơn vị này chỉ nhận hồ sơ và đưa về cơ sở chính để đào tạo. Họ tư vấn như vậy có thể là cách để có nhiều hồ sơ. Đó là họ cố tình làm loạn lên, ảnh hưởng uy tín của Trường ĐH Sư phạm" - ông Vinh khẳng định.
Tương tự, ông Lương Minh Cừ - hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long - cho biết có hợp tác cùng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt nhận hồ sơ tuyển sinh.
"Sau khi nhận phản ánh của phóng viên, chúng tôi đã kiểm tra với trường và chưa có hồ sơ nào. Chúng tôi quyết định ngừng hợp tác với Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt" - ông Cừ khẳng định.
Nhiều trường cao đẳng cũng tuyển thạc sĩ
Trong danh sách các cộng tác viên tư vấn nhận hồ sơ tuyển sinh cao học của một số trường thành viên ĐH Huế có rất nhiều trường cao đẳng ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Chẳng hạn Trường CĐ Kinh tế Kế hoạch (Đà Nẵng) phối hợp với nhiều trường đại học khác nhau tuyển sinh đại học và năm ngành thạc sĩ.
Trường CĐ Thống kê (Bắc Ninh) ra thông báo tuyển sinh đại học (học tại trường) và các ngành thạc sĩ phối hợp cùng Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Trường CĐ Kiên Giang phối hợp tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển trình độ thạc sĩ với năm trường đại học, tuyển sinh 30 ngành.
Trái quy định
Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (có hiệu lực từ 15-10-2021), địa điểm đào tạo thạc sĩ là trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo. Các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế được tổ chức ở ngoài cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 20% khối lượng chương trình đào tạo.
Về hình thức đào tạo trực tuyến, quy chế này nêu rõ: cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không quá 30% tổng khối lượng chương trình đào tạo. Như vậy, theo tư vấn của các trường trung cấp, việc tổ chức đào tạo tại các trường này theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp (có lớp trực tuyến chiếm phần lớn thời lượng) như vậy là trái quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận