Sinh viên khoa y dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thực hành tại phòng thí nghiệm - Ảnh: B.A.
Trường phát triển, dĩ nhiên có nhiều nhà đầu tư đến đặt vấn đề mua bán. Điều đó diễn ra nhiều lần rồi nhưng tôi từ chối hết. Trường đang phát triển, hoạt động tốt, không nợ nần gì, vì sao tôi lại bán? Không có chuyện tôi bán trường đâu.
PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÙNG
Rất nhiều hoài nghi về kết quả này khi đó là một trường non trẻ, thậm chí có ý kiến cho rằng trường bỏ tiền "mua" bài báo khoa học. Hiệu trưởng nhà trường nói gì?
Con số thống kê được các tổ chức uy tín minh định rõ ràng, hẳn không thể là giả. Nhưng làm thế nào để một trường ĐH có tuổi đời 21 năm kể từ khi thành lập, trong đó mới có 9 năm lên ĐH như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, có được kết quả ấy?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết với 481 bài báo quốc tế năm 2019, trường xếp thứ 7 trong danh sách công bố quốc tế của các trường ĐH Việt Nam. Kết quả này đến từ sự chuẩn bị và đầu tư lớn của trường trong một thời gian dài.
"Chúng tôi không mua"!
* "Sự chuẩn bị và đầu tư lớn" - ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÙNG: Có ba yếu tố tạo nên sự đột biến, đó là chiến lược, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho nghiên cứu khoa học.
Trường có 8 viện nghiên cứu mạnh cho từng lĩnh vực, thu hút được nhiều nhân sự học từ nước ngoài về làm việc. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học từ 2% những năm đầu nay đã tăng lên 7% tổng thu của trường hằng năm.
Bên cạnh đó, trường có quan hệ chặt chẽ với các địa phương để kịp thời hợp tác nghiên cứu khoa học, giải quyết những vấn đề cụ thể cho từng địa phương, gắn khoa học với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội nên số lượng và chất lượng công trình tăng lên đáng kể.
* Sự thăng hạng bất ngờ như vậy khiến dư luận đặt vấn đề trường mua bài báo khoa học?
- Nghiên cứu khoa học không chỉ là công trình công bố, mà còn là tiến trình thu hút nguồn chất xám trong và ngoài nước.
Ngoài các công trình công bố quốc tế, năm 2019 các nhà khoa học, cán bộ giảng viên của trường đã và đang chủ trì, tham gia thực hiện một đề tài trọng điểm quốc gia, 30 đề tài cấp nhà nước, 30 đề tài cấp bộ, cấp tỉnh.
Trong số này có nhiều công trình phải đấu thầu, không phải được giao. Nếu không có thực lực, không có đội ngũ đủ mạnh sẽ không thể thắng được những đơn vị khác. Do đó, ý kiến cho rằng chúng tôi mua bài báo khoa học là không đúng.
Không chỉ nghiên cứu, năm 2019 trường đăng ký 4 chương trình chuyển giao công nghệ trong nước, trong đó 1 đã bàn giao, 2 đã qua phản biện. 2 chương trình chuyển giao khác cũng được thực hiện tại Hoa Kỳ.
Để tiếp cận được thêm nguồn đề tài, chúng tôi mất 2 năm để xin gia nhập Câu lạc bộ các trường kỹ thuật Việt Nam. Từ câu lạc bộ này, chúng tôi đã chia sẻ ý tưởng, tham gia thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước cùng các trường khác.
Có những thí nghiệm trường này không có thiết bị thực hiện hoặc trong nước không làm được. Việc kết nối với các đơn vị trong và ngoài nước để cùng làm là điều cần thiết trong khoa học. Vì thế, một số kết quả nghiên cứu chung được công bố trên các tạp chí quốc gia và quốc tế uy tín. Có lẽ vì vậy mà người ta nghĩ chúng tôi mua bài.
Sinh viên học tập và tra cứu thông tin tại thư viện ĐH Nguyễn Tất Thành - Ảnh: B.A.
Vẫn còn định kiến công - tư
* Tự đầu tư tất cả, bên cạnh thành quả, đâu là trở ngại, thưa ông?
- Khó khăn nội tại chúng tôi có thể tìm cách vượt qua, tuy nhiên một trong những rào cản lớn là định kiến phân biệt trường công, trường tư còn rất nặng nề. Hơn nữa, thực tế không có trường ĐH nào cả công lẫn tư có đủ tất cả thiết bị, máy móc để thực hiện các thí nghiệm phục vụ nghiên cứu. Nhiều mẫu phải thực hiện ở nước ngoài.
Những phòng thí nghiệm trọng điểm không bao giờ vào trường ngoài công lập. Chúng tôi cho rằng nó nên được đặt ở nơi trung lập để trường công hay tư đều có thể sử dụng bởi nghiên cứu khoa học nào cũng phục vụ xã hội.
* Trường có tốc độ phát triển rất nhanh, cả về quy mô đào tạo, ngành nghề cũng như cơ sở vật chất sau khi được nâng cấp thành ĐH. Liệu việc phát triển nóng về quy mô như vậy có tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo?
- Chúng tôi có nhiều giải pháp để cân bằng giữa phát triển và chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó có việc thay đổi phương pháp đào tạo, giảm lý thuyết tăng thực hành, xây dựng mô hình các ngành học nhằm giúp sinh viên thực hành, làm quen với môi trường thực tế.
Hiện nay, trường có các mô hình doanh nghiệp thu nhỏ trong trường học giúp sinh viên tiếp cận cụ thể hơn về ngành học của mình, đồng thời thực hành nhuần nhuyễn các bước, cách thức giải quyết công việc trong thực tế.
50% giảng viên của trường là doanh nhân, chuyên viên cao cấp đã được chuẩn hóa đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với tư cách là nhà tuyển dụng, họ biết mình cần gì ở sinh viên và sinh viên cần phải học những gì mới có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài đứng lớp, các giảng viên doanh nhân này còn tham gia cố vấn, góp ý chương trình đào tạo cho nhà trường và quan trọng hơn cả là họ đã truyền thụ cho sinh viên ý thức để tự khẳng định mình trong một doanh nghiệp với rất nhiều cạnh tranh.
* Hiện nay các trường có xu hướng phát triển thành hệ thống giáo dục từ mầm non tới ĐH và sau ĐH. Ông thấy mô hình này thế nào, liệu trường có theo xu thế này?
- Tại Việt Nam, các tập đoàn giáo dục cũng đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục, tôi thấy xu hướng này mang lại lợi ích cho phụ huynh trong việc lựa chọn trường học, tránh phải chạy trường chạy lớp. Mục tiêu của ĐH Nguyễn Tất Thành là xây dựng một ngôi trường Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế, tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài ở mọi lứa tuổi.
Trường đại học hạnh phúc
* Cạnh tranh lành mạnh là giải pháp phát triển, có lợi cho trường và cả người học. Đâu là thế mạnh để trường cạnh tranh với những trường ĐH khác?
- Tôn chỉ và sứ mệnh của trường chính là cung cấp kiến thức cho người học phát triển toàn diện cũng như đào tạo theo nhu cầu xã hội, tức là đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì mình có. Tôi cho rằng đó là thế mạnh của trường. Sau 21 năm kể từ ngày thành lập, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có hơn 20.000 sinh viên theo học.
Nhà trường không ngừng gia tăng các chương trình đào tạo cùng các cấp bậc đào tạo với 46 chương trình đào tạo bậc ĐH và 6 chương trình ở bậc sau ĐH. Nếu ở những năm đầu tiên nhà trường chỉ có vài trăm giảng viên thì đến nay con số này đã lên đến hơn 1.000 người, trong đó có 11 giáo sư, 31 phó giáo sư, 175 tiến sĩ và hơn 700 thạc sĩ, tăng gấp nhiều lần so với những năm đầu tiên.
Đặc biệt, nhiều cán bộ giảng viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp từ các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Úc... Chúng tôi đang đặt mục tiêu về việc xây dựng một trường ĐH hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận