Trường tiểu học Quang Trung ở tổ dân phố 3A (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) có tổng diện tích khoảng 15.000m², gồm 18 phòng học, 4 phòng bộ môn, khu hiệu bộ, nhà đa năng... với tổng số 580 học sinh trong năm học 2024 - 2025, đang học trong hồi hộp vì nỗi lo sạt lở.
Sự an toàn của ngôi trường này đang bị ảnh hưởng bởi quả đồi dốc đứng, độ cao từ 40 - 70m so với vị trí xây dựng các phòng học.
Ông Nguyễn Thanh Lịch - hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung - cho biết 2 năm trở lại đây, ngọn đồi sạt lở, bùn đất trôi xuống tràn vào gây ngập úng trong khuôn viên nhà trường.
Giữa mùa mưa kéo dài ở Lâm Đồng, tình trạng mất an toàn sạt trượt, lở đất càng lộ rõ.
Ông Lịch nói: “Hiện nay, mỗi khi trời mưa to, gió lớn, nhà trường rất lo lắng, bất an vì không biết được ngọn đồi có bị sạt lở hay không, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra với hậu quả khó lường".
Mới đây, một vụ sạt lở đã xảy ra tại khu vực đồi đất sau Trường tiểu học Quang Trung. UBND thị trấn Đạ Tẻh đã triển khai các giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tác động từ sạt lở đồi đất đến nhà trường.
Cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành múc đất, tạo thành một hồ chứa lắng, xây dựng một bờ kè cao khoảng 1m để ngăn bùn đất chảy trực tiếp vào trường. Đồng thời, nhà trường cũng đã xây dựng hàng rào, cắm biển cảnh báo để giáo viên và học sinh không di chuyển đến khu vực này.
“Thực tế việc này chỉ hạn chế đất lỏng, nước tràn vào khuôn viên trường. Về lâu dài nhà trường rất cần một công trình kè chống sạt, lở kiên cố”, ông Nguyễn Thanh Lịch nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh - nói rằng Trường tiểu học Quang Trung nằm dưới chân đồi, có độ dốc lớn, đã có hiện tượng bùn đất theo nước từ quả đồi phía sau trường tràn vào khu vực học tập của học sinh.
Qua kiểm tra, huyện ghi nhận quả đồi có độ dốc lớn nên có nguy cơ sạt, trượt đất rất cao, đe dọa đến an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường.
UBND huyện Đạ Tẻh đã có văn bản trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khu vực Trường tiểu học Quang Trung với kinh phí dự kiến 8 tỉ đồng.
Nếu đầu tư theo quy trình thông thường thì tối thiểu phải sau 5 tháng nữa mới triển khai.
“Nếu kéo dài như thế thì sự an toàn của học sinh sẽ bị ảnh thưởng. Sạt lở đất có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến tính mạng của học sinh và giáo viên.
Do đó, UBND huyện chờ UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có thể vận dụng cơ chế đầu tư đặc biệt, bảo vệ an toàn của ngôi trường”, ông Nguyễn Hoàng Minh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận