07/08/2021 10:31 GMT+7

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử: Kỳ 4: Sự thật dấu ấn Eiffel

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Từ bao năm nay người Huế và rất nhiều sách báo, từ điển đều viết rằng Eiffel là tác giả cây cầu Trường Tiền nổi tiếng. Vì sao?

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử: Kỳ 4: Sự thật dấu ấn Eiffel - Ảnh 1.

Bộ hồ sơ đại trùng tu cầu Trường Tiền của Hãng Eiffel vào năm 1937 - 1939 - Ảnh: TS Trần Đình Hằng cung cấp

Những tư liệu mà chúng tôi đã đưa ra trong ba kỳ trước đã cho thấy rõ ràng Hãng Eiffel lừng lẫy của nước Pháp không phải là nhà thầu thiết kế, thi công cầu Trường Tiền ở Huế. 

Cuộc trở lại Huế của Eiffel

"Không trúng thầu xây dựng nhưng dấu ấn của Tập đoàn Eiffel lại rất đậm nét trong quá trình tu sửa cầu Trường Tiền" - TS Trần Đình Hằng, phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại Huế, cho biết. Đó là cuộc tu sửa với quy mô lớn, gọi là "đại trùng tu" kéo dài trong hai năm 1937 - 1939 vào thời vua Bảo Đại. Lúc này cầu Thành Thái đã đổi thành cầu Clémenceau, tên của Thủ tướng Pháp.

Công ty Gustave Eiffel et Cie được kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel thành lập năm 1863 tại Pháp. Chín năm sau (1872), công ty này đã mở văn phòng tại Nam Kỳ để tham gia xây dựng hạ tầng phục vụ cho cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Một trong những công trình ở Nam Kỳ do Công ty Eiffel xây dựng vẫn còn đến ngày nay là cầu Mống ở Sài Gòn vào năm 1882.

Năm 1890, Công ty Établissements Eiffel được thành lập, trong đó Gustave Eiffel kiểm soát hơn 50% vốn đầu tư. Sau một sự cố nghề nghiệp, Eiffel từ chức hội đồng quản trị của Công ty Etablissements Eiffel vào năm 1893. Công ty này cũng đổi tên thành Société de Constructions de Levallois-Perret (SCLP). Đây chính là nhà thầu đã tham gia cuộc đấu thầu (vào năm 1897) xây dựng cầu Trường Tiền và bị loại. 

Đến năm 1937, Công ty SCLP lại đổi tên thành Société des Anciens Établissements Eiffel (SAEE). Cũng vào năm đó, 1937, SAEE đã được mời khảo sát để tiến hành trùng tu cầu Clémenceau ở Huế. Những thông tin này được ghi rõ trong bài "L’Entreprise Eiffel et la mise en valeur de l’Indochine, 1889 - 1965", (Công ty Eiffel và sự phát triển của Đông Dương, 1889 - 1965) của tác giả Laurent Weill.

Cuộc đại trùng tu 1937 - 1939

"Vài năm về trước đây, chánh phủ đã nhận thấy rằng có vài bộ phận, nhất là những cái sườn bằng sắt ở phía dưới cầu đã bị sét ăn nhiều. Chính phủ bèn thương lượng với Hãng Eiffel (nguyên trước là Hội Kiến trúc Levallois-Perret) để tìm phương án tu bổ cầu ấy, với một món tiền chi phí tối thiểu, mà lại phải cải tạo nó cho thích hợp với sự cần dùng về việc giao thông và sức chở nặng trong lúc này". 

Báo Tràng An (xuất bản tại Huế) số 433 ra ngày 4-7-1939 đã đăng như thế trong bài "Điều tra... chung quanh việc mở rộng cầu Trường - Tiền". Bài báo này cho biết "đại công tác" này khởi công từ ngày 20-6-1937, vừa tu bổ cho cầu thêm chắc chắn, vừa mở rộng cầu, và trau dồi thêm về mặt mỹ thuật cho đẹp hơn.

Trước đó, bề rộng giữa hai vòng cầu bao gồm đường cho xe chạy, hai bên dành hai lối cho người đi bộ. Lần này, các nhà chuyên môn của Eiffel đã dành hết bề rộng giữa hai vòng cầu là 5,6m cho xe cộ, hai bên chỉ chừa 0,3m rồi đúc một cái gờ cao lên để bánh xe khỏi đụng các cây sắt vòng cầu. Phần đường cho người đi bộ được chuyển ra ngoài các vòng cầu, rộng đến 1,95m, ở mỗi chỗ trụ cầu nới rộng ra 0,6m làm chỗ tránh nhau và là chỗ để ngắm cảnh. 

Đó chính là hình hài chiếc cầu Trường Tiền mà ta đang nhìn thấy hiện nay.

Để nước sơn chịu được lâu, nhà thầu Eiffel đã cho sơn lót hai lớp sơn đỏ để trừ sét, rồi phủ lên hai lớp sơn xanh hoặc đen ở phần nằm dưới mặt cầu, còn phần nằm trên mặt cầu thì phủ hai lớp sơn bạc. Những đà sắt ở dưới cầu còn được phủ thêm một lớp "ximăng nhựa" để trừ sét gỉ. Hình dáng của vài cầu cũng được nắn chỉnh lại cho thon thả hơn. Nguyên trước hai vài ở hai đầu dốc cầu cao đến 1,5m, bây giờ bề cao ấy lại chia đều ra các vài, thành ra các vài cầu đều có khúc cong như nhau.

Cuộc đại trùng tu này kéo dài trong 29 tháng, đến ngày 29-11-1939 thì hoàn tất, với tổng chi phí khoảng 433.000đ (đồng tiền franc của Pháp). So với giá xây mới chiếc cầu này vào thời điểm đó, khoảng 700.000đ, thì mới thấy cuộc đại trùng tu này quy mô thế nào. Báo Tràng An ra ngày 3-11-1939 bình luận: nếu đem số tiền ấy mà đổi ra tiền đồng hay tiền kẽm thì sắp đầy cái cầu ấy mấy vòng. Vậy nên, gọi là cầu "Trường Tiền" thật là "xứng danh kỳ thực"!

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử: Kỳ 4: Sự thật dấu ấn Eiffel - Ảnh 2.

Sau cuộc “đại trùng tu” vào năm 1937 do Hãng Eiffel thực hiện, cầu Trường Tiền được làm đẹp và rộng rãi hơn nhờ mở thêm hành lang cho người đi bộ hai bên cầu - Ảnh: AAVH

Cuộc tái thiết 1953 - 1954

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh là người nặng tình với cầu Trường Tiền. Ông đã bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về cây cầu lịch sử này. Ông Vĩnh cho hay chiếc cầu Trường Tiền sau cuộc đại trùng tu năm 1937 với sự xuất hiện của hai hành lang cho người đi bộ, xe đạp và những bao lơn ngắm cảnh tồn tại được 10 năm. Thực dân Pháp tái chiếm và chiếc cầu đã bị đánh sập vào đêm 19 rạng sáng 20-12-1946.

Năm 1948, người Pháp đã làm lại một đoạn cầu tạm ở chỗ ba vài cầu phía bắc đã sụp đổ để nối lại giao thông hai bờ sông Hương. Trong trang của Hội những người bạn của Huế xưa (AAVH) vẫn còn lưu trữ những hình ảnh chụp đoạn cầu tạm này, cho thấy cầu làm bằng các dầm sắt gác lên các trụ, sau đó lát gỗ lên mặt cầu. Nhưng ba cặp vài cầu hình chiếc lược thì vẫn chưa phục hồi được. Cho đến năm 1953, Hãng Eiffel được mời trở lại để tái thiết chiếc cầu.

Đơn vị thực hiện cuộc tu sửa lần này là hậu thân của Hãng Eiffel năm xưa, đó là Công ty Anciens Etablissements Eiffel tại miền Trung Việt Nam, văn phòng đặt tại số 14 đường Rheinard (nay là đường Ngô Quyền, Huế). 

Trong một lần đi tìm tư liệu về cầu Trường Tiền vào năm 1991, ông Vĩnh gặp được ông cụ tên Lê Thúc Nguyện, cư trú ở xã Thủy Dương (huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), là thợ lắp ráp được Công ty Anciens Etablissements Eiffel tuyển vào thi công sửa chữa cầu Clémenceau. Các giấy tờ chấm công, lương bổng của Hãng Anciens Etablissements Eiffel trả cho ông Nguyện đã cho thấy rõ hơn dấu ấn của Eiffel lần thứ hai in đậm trên chiếc cầu này.

Ông Vĩnh cho biết chỉ huy công trường là các kỹ sư người Pháp, nhưng thợ thi công thì đều là người Việt, tuyển dụng từ trong cả nước về Huế. Trong đó, có thân sinh ông Vĩnh là ông Hồ Quýnh. Ông Quýnh làm thợ trên công trường tu sửa cầu cho đến năm 1954 thì hoàn thành công trình. 

Ông Quýnh xin mấy tấm ván dùng làm cốppha đúc cầu về làm bộ phảng để nằm. Bộ phảng vẫn còn giữ gìn cho đến tận hôm nay. Ông Vĩnh nói lúc nhỏ vẫn nằm ngủ trên bộ phảng đó cùng cha, nghe cha kể về chuyện sửa cầu và phục hồi ba nhịp cầu phía bắc của Trường Tiền. Câu chuyện chiếc cầu truân chuyên đã thấm sâu vào trí óc và tình cảm của ông từ đó.

Năm Mậu Thân 1968, cậu thanh niên Hồ Vĩnh đã vịn vào chiếc vài cầu bị đắm dưới sông để lội qua bờ nam. Năm 1991, khi chiếc vài cầu bị sụp đổ trong Tết Mậu Thân được Công ty cầu Thăng Long khởi công phục hồi, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đã gắn bó với công trường đó trong suốt năm năm, với một lần bị tai nạn và vết thương kỷ niệm vẫn còn lưu dấu cho đến hôm nay.

TS Trần Đình Hằng cho biết hồ sơ thiết kế cầu Thành Thái của nhà thầu Schneider et Cie et Letellier cho đến nay vẫn chưa ai thấy, có thể vẫn đang lưu trữ ở Pháp. Những hình ảnh chụp các trang thiết kế cầu Trường Tiền đang lưu hành trên mạng Internet là của Công ty Constructions de Levallois-Perret (hậu thân của Hãng Eiffel), và hồ sơ này đã bị loại trong lần đấu thầu đầu tiên.

Nhiều người cứ tưởng đây là bản thiết kế ban đầu của cầu, kỳ thực là không phải. Nhưng bộ hồ sơ cải tạo cầu của Anciennes Etablissement Eiffel (sau năm 1945, hãng có văn phòng ở đường Pellerin, Sài Gòn) năm 1937 - 1939 hiện đang ở Việt Nam, do một nhà sưu tập tư nhân mua được. Mong một ngày bộ hồ sơ quý giá đó được trưng bày tại Huế, cho người cố đô và du khách được xem tận mắt phôi thai của chiếc cầu Trường Tiền 6 nhịp 12 vài, 2 hành lang và 10 bao lơn ngắm cảnh.

Ai đến Huế những năm sau 1975 mà không xót xa khi nhìn cầu Trường Tiền tiều tụy chỉ còn năm vài sét gỉ với nhiều thương tích. Vì vậy, cuộc "đại trùng tu" cầu Trường Tiền lần thứ tư của Bộ Giao thông vận tải là sự kiện lịch sử của Huế.

Kỳ tới: Trả “chiếc lược ngà” cho dòng Hương

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 3: Chiếc cầu truân chuyên Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 3: Chiếc cầu truân chuyên

TTO - Tháng 10 năm Giáp Tý (11-1900), vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer dự lễ khánh thành chiếc cầu sắt qua sông Hương. Người Pháp lấy niên hiệu của vua để đặt tên là cầu Thành Thái.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp