Trường Sa ngày cuối năm. Chỉ còn vài giờ trước khi rời đảo, thượng tá Trần Quang Phú lái xe tải chở tôi đi một vòng quanh đảo. Anh muốn nói lời tạm biệt nơi mình từng gắn bó và chỉ ít giờ nữa trở thành ký ức khó quên trong đời binh nghiệp.
Phủ màu xanh cho đảo
Thượng tá Phú kể năm 2017 có một trận bão nhằm vào Trường Sa, quật đổ đến 70% cây xanh trên đảo, trong đó có nhiều cây lớn. Nhìn cây cối đổ rạp, ai cũng xót xa.
Việc phủ xanh Trường Sa được chỉ huy đảo phát động đến từng chiến sĩ. Mỗi người được giao chỉ tiêu ươm mầm 30 - 50 cây giống. Hằng ngày, ngoài giờ nhiệm vụ, chiến sĩ đi nhặt hạt bàng, hạt mù u, tra là những cây đặc trưng ở đảo để ươm mầm.
Nhưng từ vườn ươm để cây sống được và lớn lên ở nơi chỉ có cát và san hô không hề dễ dàng. Mùa hạ thì khô hạn, mùa mưa lại phải chống chọi với gió, sóng mặn đánh vào đảo vài chục mét.
"Để cây bám rễ, chúng tôi phải băm vụn san hô trộn với cát. Thiếu phân bón thì dùng lá cây có sẵn làm phân xanh. Những cây dễ thích nghi như phong ba, bão táp thì trồng vòng ngoài như lớp giáp che chắn. Rồi đến cây tra, mù u, bàng vuông. Đảo Trường Sa giờ có cả cây ăn quả như chuối, đu đủ, hồng xiêm (lồng mứt), chà là…", thượng tá Phú vui vẻ chia sẻ.
Từ năm 2022, Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân phát động chương trình xanh hóa Trường Sa và gửi thư ngỏ với nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước. Nhiều chuyến tàu mang cây giống, đất và phân bón ra Trường Sa. Việc phủ xanh đảo thuận lợi hơn với việc hỗ trợ hàng triệu cây giống, hàng ngàn mét vuông đất màu và hàng trăm tấn phân bón không chỉ cho đảo Trường Sa Lớn mà nhiều đảo khác ở quần đảo Trường Sa.
Anh Phú dẫn tôi đi thăm những khu vườn ươm mang tên Đoàn thanh niên. Vườn do các cụm chiến đấu phụ trách. Anh kể nhiều chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ và rời đảo, một trong những điều họ quyến luyến không nỡ rời lại chính là những hàng cây, những vạt vườn ươm mà họ chăm chút, nâng niu như một góc lưu giữ ký ức.
Những vườn ươm do Đoàn thanh niên hay chiến sĩ các cụm chiến đấu lập lên. Bốn vườn ươm ở đảo Trường Sa thường xuyên có khoảng 1.500 cây giống, có thời kỳ còn nhiều hơn. Chỉ tính từ năm 2022 đã ươm trồng trên 4.000 cây xanh trên đảo. Việc phủ xanh lan tỏa cả đến các hộ dân ở đảo. Cây giống mang "thương hiệu Trường Sa" cũng được chuyển đi nhiều đảo khác.
Ký ức không quên
Từ Trường Sa Lớn, nhiều đảo như Đá Đông, Đá Tây, Sơn Ca, Tiên Nữ, Thuyền Chài, Nam Yết… đều đã và đang được phủ xanh thêm. Màu xanh tạo bóng mát làm giảm bớt sự khắc nghiệt của mùa nóng nắng, che sóng, che gió và cây trở thành nhân chứng lưu giữ nhiều kỷ niệm người lính.
Trên chuyến tàu đầu năm 2025, có những chiến sĩ còn rất trẻ. Khi hỏi chuyện cây, có bạn kể nhớ cây tra. Lính đảo ví quả tra là nho biển, có thể hái ăn trực tiếp ngay ở bàn đá dưới gốc cây vào giờ nghỉ. Nếu trái nhiều, có thể ngâm làm xi rô uống vào những ngày nóng nắng. "Về đất liền chắc sẽ có nhiều thứ để thưởng thức, nhưng tôi sẽ không quên mùi vị của nho biển. Vì nó gắn với ký ức về Trường Sa bên đồng đội", một người lính tâm sự.
Một số chiến sĩ trẻ thổ lộ có người yêu ở đất liền. Ngày trở về, ba lô của các bạn có những trái bàng vuông đã phơi khô. Các chiến sĩ cho biết khi những trái bàng già rụng xuống, họ nhặt phơi để lấy hạt cho vườn ươm, nhưng không quên cất đi vài trái. Những trái bàng Trường Sa trở thành món quà đặc biệt vì nó không chỉ đặc trưng cho loài cây của đảo mà còn mang nặng tình cảm và ký ức người lính.
Người và cây: ý chí và niềm tin
"Những cây lao kia, tôi trồng năm 2022 đó" - thượng tá Phú chỉ những gốc lao mới cao hơn hai mét nằm ở vòng ngoài sát đê biển. Đây là những cây không còn phải bao quanh bằng lưới vì đã đủ sức đương đầu với sóng gió biển mặn chát trong mùa biển động này. Nhưng ở nhiều vạt đất sát biển còn có hàng trăm gốc lao khác đang được che chắn bằng bao bố, vải bạt, lưới và cả những mảnh ghép tre, gỗ tận dụng được.
Anh Phú kể có những chỗ phải trồng đi trồng lại 3-4 lần cây mới sống được, nhất là khu vực sát biển trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sóng gió. Con người thi gan với sự khắc nghiệt của thời tiết. Những mầm cây lớn lên và cứng cáp không chỉ là thành quả của công sức chăm sóc mà còn là ý chí, sự nhẫn nại và niềm tin của người lính đảo.
Trung úy Đặng Tiến Thọ (quê Nghi Sơn, Thanh Hóa), ở đảo Trường Sa Lớn, cho biết: "Mùa gió bão, sóng đánh vào làm cây non bị nhiễm mặn. May mắn có mưa rào thì cây lá sẽ được rửa mặn, còn không chỉ khi nắng lên là lá cháy rụi hết. Vì thế có những khi giữa trời mưa gió, cán bộ chiến sĩ phải chia nhau đi che chắn để cứu cây".
Trường Sa Lớn không thiếu nước như nhiều đảo khác, nhưng nước ngọt vẫn là một trong những thứ phải tiết kiệm hàng đầu. Để tiếp sức cho cây, nhất là ngày khô hạn, cán bộ chiến sĩ phải tiết kiệm nước thải sinh hoạt, chứa trong tất cả những thứ có thể đựng được. Hằng ngày, các anh chia nhau xách nước đi khắp đảo để tưới cây.
Nhiều chiến sĩ xuất thân là con nhà nông đã trở thành "chuyên gia" chia sẻ kinh nghiệm với đồng đội trong việc trồng cây, trồng rau. Trần Hữu Quý, sĩ quan ở phân đội 1, cụm chiến đấu 2 đảo Trường Sa Lớn, cho biết: "Tôi là con nhà nông, ở nhà phải giúp bố mẹ. Việc trồng cây, tăng gia sản xuất cũng là cách giúp chúng tôi vơi nỗi nhớ nhà".
Và cũng giống như nhiệm vụ trực chiến, trồng cây cũng cần tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và cần rất nhiều sự nhẫn nại. Đó là những phẩm chất mà người lính ở tuyến đầu rất cần.
Có một chuyện vui của chiến sĩ đảo Đá Đông A nghe mà thương. Đá Đông A không có cây trồng được xuống san hô. Vì thế, khi nhận được một chậu hoa giấy ở đất liền gửi, chiến sĩ chia nhau chăm sóc.
Mùa biển động, cây phải để trong nhà để ngăn sóng gió làm cháy lá. Chỉ tranh thủ những lúc trời yên biển lặng, chiến sĩ mới bê cây ra ngoài để nó được hít thở khí trời, rồi lại nhanh chóng đưa vào trong. Một số người đã nghĩ cây sống được ở nơi này đã khó, nói gì tới hoa. Nhưng với sự nhẫn nại và rất nhiều nâng niu, cây đã nở hoa rực rỡ.
Nếu những người lính trẻ trưởng thành và rắn rỏi hơn trong môi trường gian nan khắc nghiệt thì cây cối ở Trường Sa cũng như vậy. Không chỉ những loài cây biểu trưng cho sức sống bền bỉ của đảo là phong ba hay bão táp, mà nhiều loài cây khác, theo anh Phú, khi đã thích nghi được và bám rễ vào đất là sống rất mạnh mẽ.
"Hồi tháng 10 năm trước, bão vào khiến cây bồ đề trồng trước cửa chùa Trường Sa bị đổ. Chúng tôi dựng lại cây và nhân thể chiết thêm một cây mới. Giờ hai cây bồ đề đều đang đâm chồi xanh" - anh Phú kể và cho rằng nếu không phải những cây thích nghi được điều kiện khắc nghiệt thì khó có thể chiết cành ra cây mới được. Cũng vì thế nhiều người lính ở đảo nhìn cây để vững tâm, có thêm niềm tin vượt lên gian khổ.
Những vườn rau chiến sĩ
Ở đảo Trường Sa Lớn hay các đảo khác đều có những vườn rau của chiến sĩ tăng gia. Ở Trường Sa Lớn và Đá Tây A có thể cải tạo đất trồng cây ăn quả, trồng rau thì ở các đảo Đá Đông A, B, C hay đảo Đá Tây B, C rau chỉ có thể trồng trong bồn, chậu tự tạo với đất màu mang từ đất liền ra được trộn với mùn cưa. Để giữ rau sống được trong điều kiện khắc nghiệt, các chiến sĩ phải làm các nhà bạt che kín.
Ở Đá Đông A, các chiến sĩ cho biết mùa nắng hạn, việc tiết kiệm nước thải sinh hoạt là yêu cầu bắt buộc để dùng làm nước tưới cho rau. Tại các điểm đảo ở Đá Tây và Đá Đông, các cán bộ chiến sĩ đã trồng được mồng tơi, rau muống, rau cải, bí, mướp, rau mùi tàu (ngò gai)… "Từ chỗ rau chỉ đủ để nấu canh, giờ chúng tôi có đủ cả rau để luộc", một chiến sĩ vui vẻ cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận