17/09/2006 06:07 GMT+7

Trương Quế Chi và... tiếng thở dài không nhẹ nhõm

VIỆT HOÀI thực hiện
VIỆT HOÀI thực hiện

TT - Bé xíu và xinh xắn, Trương Quế Chi trẻ hơn cái tuổi 19 của mình, càng trẻ hơn so với những gì cô đã viết và đã in.

J765PYSh.jpgPhóng to
Trương Quế Chi - Ảnh: VIỆT DŨNG
TT - Bé xíu và xinh xắn, Trương Quế Chi trẻ hơn cái tuổi 19 của mình, càng trẻ hơn so với những gì cô đã viết và đã in.

Về nghỉ hè sau một năm học chuyên ngành truyền thông văn hóa của ĐH Avignon (Pháp), Trương Quế Chi chia sẻ những cảm nhận và suy nghĩ của mình về chuyện học hành, về cuộc sống và về thơ.

Nỗi cô độc mọc dại ngút ngàn đường chạyKhông hiểu tại sao lại khóc nhiều đến thế?Không hiểu tại sao lại buồn nhiều đến thế?

* Nhà thơ - thiếu nữ đã viết như thế khi còn là học sinh phổ thông? Làm sao mà đã kịp buồn nhiều đến thế, trong khi 19 tuổi lại trẻ trung, xinh đẹp và yêu đời thế này?

- Vâng, ai cũng bảo thơ tôi già trước tuổi, suy tư nhiều quá, buồn nhiều quá, tóm lại là “bà cụ non” quá, trong khi cuộc sống của tôi có thể nói là tràn đầy hạnh phúc: bố mẹ nuôi nấng đầy đủ, gia đình hạnh phúc, đi học thì có nhiều bạn bè, làm thơ thì được đăng và có lời khen. Rồi đi du học...

Tóm lại là “không buồn vào đâu được”. Nhưng thật ra không phải như vậy, tôi nhìn cuộc sống với những lát cắt khác nhau, tôi chọn lấy những lát cắt nào đó, đẩy nó đến tận cùng với bản tính quyết liệt của mình, nuôi dưỡng cảm xúc trong suốt quá trình “đẩy” đó, và đến một lúc thấy nó đã thật sự “tận cùng” thì tôi viết ra. Đó là thơ của tôi. Chính vì thế mà trong thơ tôi có rất nhiều tự vấn: Mình là ai? Sống là gì? Sống để làm gì? Tình yêu là gì?

Nhưng đến khi tôi vào ĐH, sống trong một môi trường giáo dục hoàn toàn khác, nơi mà sự tự học, sự chủ động trong cuộc sống, sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống được đặt lên hàng đầu và không chỉ bằng những câu hỏi siêu hình mà bằng những việc làm rất cụ thể hằng ngày thì tôi hiểu ra rằng mình... không còn thời gian để buồn và hình như còn không có cả cái quyền buồn nữa kia.

* Sao lại thế? Quế Chi có thể nói rõ hơn được không?

- Đơn giản thế này nhé: một tuần chúng tôi chỉ phải lên lớp có 2-3 buổi, mà cũng chỉ học có 3-4 tiếng mỗi buổi. Còn lại là tự đọc sách, tự đi xem phim, tự đi xem kịch, tự đi bảo tàng, tự làm các hoạt động trình diễn, triển lãm, thuyết trình với nhau.

Tất cả những việc đó đều cần... tiền. Mà xung quanh tôi không có ai xin tiền cha mẹ cả (học phí đã đủ nặng rồi). Chúng tôi phải tự lao động để kiếm tiền. Chuyện rất bình thường mà, ai đi học ở bên này đều hiểu. Tôi đã đi làm bồi bàn, đi dạy tiếng Việt, đi trông trẻ, chăm sóc người già. Có những thời gian tôi làm một ngày cả chục tiếng, lúc về đến nhà mệt đến nỗi không kịp cả tắm giặt, đặt lưng xuống là ngủ.

Đôi lúc tôi cũng tự hỏi: tại sao mình phải lao động vất vả thế này? Nhưng rồi lại nghĩ ngay: mình còn trẻ, còn khỏe thế này mà chỉ có việc hơi nặng nhọc một tí đã nản thì liệu sau này còn có thể làm gì được nữa? Vậy là sáng ra lại vùng dậy, tiếp tục công việc. Thật ra việc tiếp xúc với những vị khách trong quán ăn, những người già cô đơn cần chăm sóc đã cho tôi rất nhiều.

Có những người già cần chăm sóc bằng cách tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đẩy xe đi lại, nhưng cũng có những người chỉ cần được trò chuyện. Tôi ban đầu là phục vụ họ, nhưng dần dần tôi thấy giữa mình và họ có sự giao cảm, có cái gì hơn cả tình bạn.

Khi nhận tiền công, thường là 10 euro một giờ, bao giờ tôi cũng chỉ lấy 8 euro và gửi lại 2 euro, số tiền ấy với nhiều người không có ý nghĩa gì cả, nhưng tôi muốn nói với những ông bà cụ ấy rằng: họ đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi có thể mang lại cho họ.

Và sau những công việc đó, quay lại với trường ĐH của mình, chúng tôi xem hai phim mới mỗi tuần, đi bảo tàng bất cứ lúc nào có thể (có nghĩa là vào ngày giảm giá vé, ngày miễn phí), chúng tôi diễn kịch trên đường phố, chúng tôi tập chụp ảnh (tôi thích chụp đen trắng và thậm chí đã rủ được hai cô bạn gái làm người mẫu... nude), chúng tôi hội thảo bằng tiếng Anh về những gì mới xem, mới làm hôm qua...

Thật sự là tôi không còn lúc nào mà buồn, tôi cũng quên mất vì sao mình đã buồn, tôi cũng không còn đặt cho mình những câu hỏi cắc cớ đại loại như: “Mình là ai?” hay “Hạnh phúc là gì?” nữa.

* Nhưng liệu hết buồn và hết hỏi cắc cớ thì có hết cảm xúc để làm thơ nữa không?

- Đúng là tôi ít viết hơn, vì bận quá, cũng có thể vì tôi hơi khắt khe với cảm xúc của mình. Tôi hầu như không bao giờ viết ngay khi có cái gọi là xúc cảm ban đầu. Nó chỉ là một cái gì đó gợi cho tôi một mạch liên tưởng, một sự bắt đầu của một chuỗi hình ảnh hay ý tưởng mà tôi sẽ lần theo để đi đến bài thơ của mình.

Tôi nuôi nó rất lâu và viết ra không dễ dàng gì. Nhưng tôi vẫn viết đấy chứ. Và vẫn có những... nỗi buồn khác, nỗi buồn... con gái chẳng hạn. Ai cũng trêu tôi là lớn thế này rồi mà mãi chả có ai yêu. Bạn bè cùng lớp tôi ở nhà cũng như ở bên đó ai cũng có đôi, nên nhiều lúc tôi thú thật là cũng lại thấy... buồn buồn.

Ngạc nhiên

Cô gái 16 tuổiCó thói quen xưng tội hằng ngàyNgạc nhiên vì lỗi lầm không bao giờ hết.

Cô gái 16 tuổiTự viết cho mình câu chuyện cổ tíchNgạc nhiên vì không sao tìm nổi chút phép mầu.

Cô gái 16 tuổiThích giống một người đàn bà mặc áo đen tự sựNgạc nhiên vì phát hiện mình không thể lớn nổi nhờ một bộ quần áo.

Cô gái 16 tuổiĐi tìm tình yêu vĩnh cửu bằng cuộn len hồngNgạc nhiên vì bị chàng trai đầu tiên cô gặp phản bội.

Cô gái 16 tuổiNgạc nhiên nhiều đến mức chẳng thể ngạc nhiên được nữa.

Cô gái 17 tuổi...

Phản ứng

Một đứa trẻNgồi khócChờ dỗ dànhNgười đưa cho nó cuốn truyệnNó không đọcVì nó biết “truyện cổ tích nào kết thúc chẳng giống nhau”Người đưa cho nó túi kẹoNó không ănVì sợ mắc chứng béo phì “nhìn rất xấu”Người đưa cho nó cây súng chơiNó không nhậnVì nó sợ lỡ tay giết người “Súng đồ chơi toàn đạn thật”

Một đứa trẻNgồi khócChờ dỗ dành

Những người lớn Ngồi khócHoang mangVì không biết phải mang tới những gì cho đứa trẻ thôi khóc?

TRƯƠNG QUẾ CHI

Trăng mười sáu tròn rằm...

iq6XsjEP.jpgPhóng to
Trăng đến rằm trăng tròn, dân gian Việt bảo thế. Nhưng cũng chính dân gian lại biết trăng mười sáu sau rằm mới thật là tròn trăng.

Đọc tập thơ đầu tay Tôi đang lớn của Trương Quế Chi, dẫu biết chẳng nên đếm tuổi của thi sĩ quá trẻ này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi vầng trăng mười sáu, đúng tuổi 16 Chi bắt đầu tập thơ này, và cuối tập thơ đã... 18 tuổi. Tôi đã thật sự bị ám bởi những vần thơ “tự thức” của một thiếu nữ biết mình đang lớn, đang trưởng thành trong thế giới. Mà thế giới bao quanh cô, kể cả thế giới nội tâm của cô, thảy đều đẹp đẽ, thân thuộc, bao dung, hồn nhiên, nhưng sao cũng đầy hiểm trở, bất trắc, phức tạp và khó lường.

Vì thế, chẳng hề ngẫu nhiên thơ Trương Quế Chi khởi nguyên từ vầng trăng mười sáu “tròn rằm”, và tôi đồ rằng cái tròn rằm ở đây đã mang ngay trong lòng nó một vẻ đẹp tự thân nguyên tươi, lai láng thơ, đậm đặc thơ. Lần đầu nhìn thế giới bằng con mắt thơ đã thấy ngay những câu hỏi không dễ trả lời, thấy ngay điều phải vỡ lẽ nhất, bất ngờ nhất lại chính là tâm hồn mình và của những người mình thương yêu, thân mến nhất.

Cũng không hề ngẫu nhiên tập thơ mang tên Tôi đang lớn, như thể người viết đang chia động từ ở thì hiện tại: tôi đang (cũng có nghĩa là tôi đã lớn, và tôi sẽ lớn). Đây là thông báo thơ hệ trọng và tinh tế, sâu sắc tính triết học mà thi sĩ trẻ này đã trữ tình hồn nhiên trong tập thơ đầu tay. Và đây cũng là phẩm chất thơ hiếm quí mà một thi sĩ đã đạt đến, không phải do tuổi trẻ sinh học tự nhiên, cái mà những người cầm bút hơn tuổi thường hay vỗ vai khen ngợi, mà là bởi một ý thức triết học hồn nhiên trong ngôn ngữ thơ của mình, cái mà theo tôi, hiện đang thiếu vắng trong thơ trẻ đương đại...

Vì thế, có thể cảm nhận ngay rằng cả tập thơ của Chi là một tiếng thở dài không nhẹ nhõm dành cho sự thức nhận về thế giới, đã vốn rộng rinh, lại còn không ngừng xòa nở trước mắt trăng mười sáu.

VIỆT HOÀI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp