Đỉnh điểm mâu thuẫn nội bộ tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM là việc tranh giành quyền kiểm soát trường vào cuối năm 2013 - Ảnh: M.Giảng |
Điều này nhằm hạn chế tình trạng đấu đá lộn xộn như thời gian qua.
Đây là kiến nghị của các đại biểu tham gia tọa đàm “Hướng phát triển cho các trường ĐH ngoài công lập” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 8-10.
Nhiều đại biểu cho rằng sau hơn 20 năm phát triển, hệ thống ĐH ngoài công lập đã có nhiều đóng góp trong chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng như đào tạo nhân lực cho xã hội.
Tuy nhiên, đến nay số lượng trường ngoài công lập còn ít và tỉ lệ sinh viên theo học cũng còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Theo TS Phạm Thị Ly - Viện đào tạo quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2014 tỉ lệ sinh viên đang theo học tại các trường ngoài công lập ở VN chiếm khoảng 14%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Hàn Quốc 80%, Nhật 77%, Indonesia 71%, Philippines 65%).
Người ta nói ĐH ở VN mọc như nấm thì các trường ĐH công lập là siêu nấm. Cứ một trường ĐH ngoài công lập ra đời thì có đến chín trường ĐH công lập được thành lập mới dẫn đến tỉ lệ sinh viên trường công luôn chiếm số lượng rất lớn |
TS Lê Trường Tùng |
Lượng ít, chất yếu
TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết cả nước hiện có 450 trường ĐH, CĐ, trong đó loại hình ngoài công lập có 60 trường ĐH và 30 trường CĐ. Giai đoạn số lượng trường tăng nhanh nhất là trong năm năm từ 2005-2010.
Giai đoạn này có 76 trường CĐ và 48 trường ĐH cả công lập và ngoài công lập ra đời, tức trung bình một tháng có thêm hai trường ĐH, CĐ được thành lập.
Bình quân mỗi năm trong giai đoạn này, số trường tăng 8,3%, sinh viên tăng 9,7% và giảng viên tăng 10%. Trong đó, trường ngoài công lập tăng mạnh hơn khối công lập với số trường tăng trung bình 18% (công lập là 6,6%), số sinh viên tăng 16% (công lập 8,7%) nhưng số giảng viên chỉ tăng 9,6% (công lập 10%).
Tuy vậy, theo TS Nghĩa, do tình hình tuyển sinh các trường ngoài công lập rất khó khăn nên số lượng sinh viên theo học các trường ngoài công lập chiếm chưa đến 15% tổng số sinh viên, vì vậy sẽ khó đạt mức 40% vào năm 2020 như mục tiêu mà chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 đề ra.
Đánh giá về hệ thống giáo dục ĐH VN nói chung và giáo dục ĐH ngoài công lập nói riêng, ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - cho rằng hiện nay số lượng sinh viên ngoài công lập tại VN chiếm khoảng 12% tổng số sinh viên, thấp hơn tỉ lệ khoảng 20% ở các nước châu Âu và châu Phi.
Tỉ lệ này năm 2002 là 13% và đến năm 2012, tỉ lệ này cũng không có gì thay đổi nhiều dù số trường ngoài công lập tăng trong khi lượng trường công lập thành lập mới cũng rất nhiều.
Sự chậm phát triển về số lượng của hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập nói chung và chất lượng nói riêng được các đại biểu cho rằng do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập cũng như sự thiếu công bằng của Nhà nước đối với hai loại hình trường công và tư.
TS Nguyễn Thị Anh Đào - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) - cho rằng phân biệt trong đầu tư của Nhà nước vào hai loại hình trường công và tư dẫn đến sự bất công cho người học và chất lượng đào tạo các trường ngoài công lập chậm tăng.
Đầu tư dàn trải Theo ông Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông TP.HCM, hiện nay đầu tư của Nhà nước vào các trường công rất lớn và quá dàn trải. Nhà nước chỉ nên đầu tư vào ĐHQG và các đại học vùng, còn lại cho xã hội hóa. Sinh viên học tại các trường ĐH được Nhà nước đầu tư không phải đóng học phí và được nhận học bổng. |
“Ở trường ngoài công lập, tất cả khoản đầu tư đều dựa vào học phí trong khi trường công được Nhà nước đầu tư từ đất đai, cơ sở vật chất đến con người... mà vẫn thu học phí của người học nên nguồn kinh phí đầu tư cho chất lượng đào tạo rất thuận lợi. Trường ngoài công lập vừa phải đầu tư mua đất, xây dựng, trang thiết bị, đội ngũ... nên việc đầu tư chậm dẫn đến chất lượng chậm tăng” - bà Đào nói thêm.
Pháp lý chỏi nhau
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đóng góp nhất, đó là những bất cập của chính sách, quy định pháp quy cũng như đề xuất giải pháp cho các vấn đề này, nhất là vấn đề bất bình đẳng công - tư.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng - cho rằng chất lượng đào tạo các trường ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, công tác kiểm định còn mang tính hình thức...
Điều này có nhiều nguyên nhân từ cơ chế chính sách, sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật điều chỉnh các trường ĐH ngoài công lập.
“Hiện nay hoạt động của hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập chịu sự điều chỉnh của Luật giáo dục ĐH, quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ĐH tư thục (quy chế 61), điều lệ trường ĐH. Trong đó Luật giáo dục ĐH không đề cập đến Luật doanh nghiệp trong khi quy định 61 có viện dẫn luật này và hoạt động của trường ĐH ngoài công lập chịu sự điều chỉnh của luật này. Hai văn bản pháp lý này cũng vênh nhau về các quy định đối với việc công nhận hội đồng quản trị, bổ nhiệm hiệu trưởng. Các quy định về phân chia thu nhập trong hai văn bản này cũng vênh nhau” - ông Hưng trình bày.
Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng cho rằng khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta cam kết mở cửa giáo dục. Nếu xem giáo dục là dịch vụ thì phải chấp nhận cạnh tranh. Các văn bản pháp luật hiện nay vi phạm nghiêm trọng Luật cạnh tranh khi 90% các trường ĐH công lập cung cấp dịch vụ dưới giá thành.
Quy định thành lập ĐH mới phải có vốn tối thiểu 250 tỉ đồng trong khi không nói gì đến nhà đầu tư cũ - trường ĐH cũ. Do đó, thực tế có không ít trường có vốn dưới 250 tỉ đồng nên chất lượng là vấn đề nói cho vui! Điều đó cản trở các nhà đầu tư mới đầu tư vào giáo dục.
Ở khía cạnh quản trị, GS Vũ Đức Vượng cho rằng điều quan trọng nhất để một trường ĐH tư phát triển đó là tự trị, nhưng hiện nay chưa có điều này.
Cơ quan quản lý còn bắt làm cái này, không cho làm cái kia. Điều này làm các trường không thể đào tạo chất lượng và phát triển được, dẫn đến sự tụt hậu của giáo dục ĐH VN so với các nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận