26/01/2022 08:54 GMT+7

Trường mầm non tư thục: Ngổn ngang ngày trở lại

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Sau 9 tháng đóng cửa vì dịch, các trường mầm non, tiểu học ở TP.HCM sẽ mở cửa đón học sinh trở lại từ ngày 14-2. Thiếu học sinh, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp là những khó khăn bủa vây các trường, nhất là các trường tư thục.

Trường mầm non tư thục: Ngổn ngang ngày trở lại - Ảnh 1.

Cô trò một trường mầm non ở quận Bình Tân, TP.HCM trước khi dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: NTCC

Ông Văn Phú Huệ, chủ nhóm lớp Rạng Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết nhận được tin cho phép trường mở cửa trở lại, ông vui nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất...

Hụt học sinh, thiếu giáo viên

Nhưng những điều đó với ông Văn Phú Huệ vẫn chưa là gì so với việc dự kiến "làm lại từ đầu, phải tuyển sinh 100% học sinh mới". "Đây là khó khăn đáng kể nhất và lo lắng nhất. Chúng tôi không biết có thể tuyển học sinh sau Tết hay không" - ông Huệ chia sẻ.

Tương tự, chủ trường mầm non K. có khoảng 200 học sinh tại TP Thủ Đức, cho biết được đón học sinh sau Tết là điều vui mừng, nhưng đang đau đầu với bài toán tìm giáo viên và tuyển sinh học sinh mới. Do nghỉ thời gian kéo dài nên 50% giáo viên của trường đã nghỉ. Những giáo viên này thì họ đã về quê và không có ý định quay lại TP làm việc. Cô chủ trường đang lo không thể tuyển đủ giáo viên và tìm được nguồn giáo viên giỏi.

Sau khi có thông tin mở cửa trở lại, nhà trường đã gọi điện đến các phụ huynh cũ nhưng nhiều phụ huynh thay đổi kế hoạch, gửi con về quê hoặc chuyển trường, dự tính trường mất hơn 50% số học sinh.

Cô Lê Ái Sơn Hà, hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Mặt trời nhỏ (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết trước khi đóng cửa một thời gian dài vì COVID-19 trường có 20 lớp với 700 học sinh và 90 cán bộ, công nhân viên. Nhưng nay sau 9 tháng số trẻ theo học đã giảm gần 50%, trong đó khoảng 100 học sinh đã rút hồ sơ để về quê học.

Tìm cách hỗ trợ

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết trong tuần này phòng sẽ khảo sát 3 buổi để nắm tình hình các trường mầm non, từ đó có những hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể. "Trước đây huyện Bình Chánh có 40 trường mầm non tư thục và trên 160 nhóm lớp, nay có 1 trường và 16 nhóm lớp giải thể. Chúng tôi đang rà soát lại còn bao nhiêu nhóm lớp. Nếu với con số này, sau Tết vẫn có khả năng còn đủ chỗ cho trẻ theo nhu cầu phụ huynh" - bà Châu nói.

Về việc thiếu giáo viên, bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định các quận, huyện sẽ phải tự cân đối. "Quan điểm chung là ngành có thể động viên các giáo viên đã nghỉ hưu hoặc ở những đơn vị đã giải thể làm việc cho những trường bị hao hụt giáo viên đang hoạt động. Ngành mầm non sẽ tạo điều kiện hết sức khi phụ huynh có nhu cầu thì phải có trường có lớp cho học sinh, không thể để trẻ em không có chỗ để học" - bà Điệp thông tin.

Để hỗ trợ cho các trường mầm non tư thục, ngoài những chính sách chung, Sở GD-ĐT TP.HCM đang chờ những chính sách riêng từ Bộ GD-ĐT. "Đây là khó khăn chung, ngành mong muốn các trường đều được hỗ trợ" - bà Điệp cho biết.

Đảm bảo trường lớp đón trẻ trở lại

Bà Lương Thị Hồng Điệp thông tin có khoảng 300 trường mầm non được trưng dụng làm khu cách ly y tế nhưng hiện nay các địa phương đã trả lại và cơ sở vật chất các trường này đã được tu bổ. Ngành giáo dục cam kết đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho trẻ trở lại trường.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trước khi đón trẻ tới trường, ngành mầm non phải tổ chức họp phụ huynh trực tuyến hoặc trực tiếp để thông tin tình hình nhà trường, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và trình bày các phương án phòng chống dịch.

Học sinh TP.HCM trở lại trường từ 14-2

UBND TP.HCM vừa có văn bản nêu rõ trẻ em thuộc khối mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chính thức trở lại trường học tập trực tiếp từ ngày 14-2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.

Lộ trình cụ thể như sau:

- Từ ngày 7-2, cơ sở giáo dục thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.

- Từ ngày 10 đến 13-2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường và tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch COVID-19 trong trường học.

- Từ ngày 14-2, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp.

Trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận cho học sinh lứa tuổi nói trên đến trường học tập trực tiếp, trẻ tiếp tục học tập trên môi trường Internet, trên truyền hình, giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.

Các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động tổ chức các lớp học đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chí an toàn trong bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. UBND giao Sở GD-ĐT chủ động phối hợp với Sở Y tế rà soát, tiếp tục tham mưu việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục khi cần thiết, tiếp tục triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp với từng cấp học, bậc học và linh hoạt theo từng cấp độ dịch.

Cả nước có lộ trình mở cửa trường học trước 14-2

Ngày 25-1, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường thực hiện ngay một số nội dung để đón học sinh trở lại trường học sau dịp nghỉ Tết.

Theo đó, các tỉnh thành căn cứ vào tình hình thực tế để có lộ trình cho học sinh trở lại trường trước ngày 14-2. Các tỉnh chỉ đạo ngành y tế, giáo dục - đào tạo có kịch bản phù hợp trong việc đón học sinh trở lại, xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình dạy học trực tiếp tại trường, tổ chức tuyên truyền, tạo sự đồng thuận với phụ huynh trong việc cho trẻ mầm non, học sinh đi học trực tiếp.

C19F5B6F-36CA-48E8-821C-F654E2005124 aaa 1(Read-Only)

Sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đến trường học trực tiếp các học phần thực hành từ tháng 11-2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Các địa phương cấp huyện, xã hỗ trợ nhà trường, phụ huynh học sinh để có phương án dạy học phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể. Chú ý tới nhóm học sinh có bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức ngay các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay lại trường.

Bộ chỉ đạo các trường vẫn bám sát nội dung giáo dục cốt lõi, phát huy ưu thế của dạy học trực tuyến như một kênh hỗ trợ khi học sinh quay lại trường học trực tiếp. Bộ cũng đề nghị các tỉnh thành yêu cầu các địa phương bàn giao cơ sở vật chất trường học đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly, điều trị để sửa chữa hư hại, vệ sinh, khử khuẩn chuẩn bị cho việc học sinh trở lại trường.

VĨNH HÀ

Bộ GD-ĐT: Các địa phương có lộ trình cho học sinh, sinh viên trở lại trường trước 14-2 Bộ GD-ĐT: Các địa phương có lộ trình cho học sinh, sinh viên trở lại trường trước 14-2

TTO - Ngày 25-1, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường thực hiện ngay một số nội dung để đón học sinh trở lại trường học sau dịp nghỉ Tết.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp