Trường tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những điểm nóng về sĩ số - Ảnh: NAM TRẦN
Bước vào năm học mới, với con số trên 130.000 học sinh (HS) vào lớp 1, tăng hơn 38.000 HS so với năm học trước, rất nhiều trường tiểu học tại Hà Nội chịu cảnh trên 60 HS/lớp, trong đó có nhiều lớp chạm đến con số gần 70 HS.
Theo điều lệ trường tiểu học được Bộ GD-ĐT ban hành thì sĩ số HS tiểu học tối đa chỉ 35 HS/lớp. Như thế, nhiều trường sĩ số đã vượt lên gần gấp đôi.
Hà Nội: Sĩ số tăng gần gấp đôi quy định
Trường tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân có 9 lớp 1 thì 7 lớp có sĩ số 69 HS/lớp, 2 lớp 68 HS.
Cũng ở quận này, Trường tiểu học Phan Đình Giót cũng có sĩ số từ 67-69 HS/lớp. Trường đã phải tận dụng phòng để tăng thêm 3 lớp 1 so với dự kiến, đưa số lớp 1 năm nay lên 11 lớp.
Ở quận Cầu Giấy, không chỉ các trường "điểm" vốn bị áp lực nặng nề mà một số trường khác cũng chung tình trạng bị đội sĩ số HS lớp 1.
Ông Phạm Ngọc Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết từ trước khi vào năm học, sau khi điều tra số HS trong độ tuổi, ngành GD-ĐT đã biết tình trạng tăng dân số cơ học có thể khiến các trường bị quá tải lớp đầu cấp.
"Chúng tôi phải chỉ đạo các trường tận dụng diện tích phòng có thể sử dụng được để mở rộng quy mô lớp học. Toàn quận đã tăng 33 lớp 1 so với năm trước. Nhưng sĩ số trung bình trên toàn quận vẫn cao 55 HS/lớp, có trường có lớp 1 trên 60 HS/lớp" - ông Anh cho biết. Giải pháp của quận là bố trí giáo viên có
kinh nghiệm quản lý các lớp 1, đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp đối với các lớp 1 và 4-5 giáo viên/lớp mầm non có sĩ số đông để có thể đảm nhiệm việc chăm sóc, dạy dỗ.
Ông Phạm Gia Hữu, trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, cũng cho biết toàn quận này năm nay tăng 1.200 HS vào lớp 1.
Ông Hữu cho biết theo sắp xếp tạm thời thì ở một số lớp 1 sĩ số lên đến 68-69 HS/lớp. Phòng GD-ĐT đang yêu cầu các trường cân đối, điều chỉnh để giảm sĩ số nhưng cũng sẽ không giảm được nhiều do dân số tăng đột biến, không thể xoay xở kịp.
78 tòa chung cư và giải pháp "nghỉ luân phiên"
Một trong những địa bàn "nóng" nhất về áp lực tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội là quận Hoàng Mai. Theo ông Nguyễn Thế Hùng - chủ tịch HĐND phường Hoàng Liệt, toàn phường có đến 78 tòa chung cư, trong đó có những tòa có đến 1.000 hộ dân.
Hiện tại còn một số công trình xây dựng trên địa bàn này đang hoàn thiện và số dân cư có thể tiếp tục tăng đột biến khi các tòa nhà đi vào sử dụng. Tuy vậy, cả phường chỉ có hai trường tiểu học là Hoàng Liệt và Chu Văn An.
Chỉ tính riêng Trường tiểu học Chu Văn An trên địa bàn phường, năm nay đón 1.149 HS lớp 1, bố trí đến 23 lớp 1 và là ngôi trường "đông HS nhất Hà Nội". Mặc dù co kéo hết diện tích có thể nhưng các trường này vẫn phải áp dụng giải pháp HS nghỉ luân phiên thì mới đủ phòng học.
Theo đó, HS các trường tiểu học này phải luân phiên nghỉ và học bù vào cả ngày thứ bảy. HS bị quá tải nên trường không tổ chức đủ thời lượng dạy 10 buổi/tuần cho HS. "Thực trạng này kéo dài nhiều năm rồi và năm nay còn căng hơn nữa" - ông Hùng cho biết.
TP.HCM: , các trường choáng váng
Năm học 2018-2019, TP.HCM tăng hơn 67.000 HS, trong đó bậc tiểu học tăng nhiều nhất với hơn 26.000 HS khiến các trường lao đao...
Theo hiệu trưởng các trường tiểu học, số HS lớp 1 tăng nhiều nhất ở TP.HCM so với những năm qua một phần do số dân nhập cư tăng cao, một phần vì các em 6 tuổi là lứa tuổi mà nhiều phụ huynh xem là "rồng vàng".
"Năm nay quận chúng tôi tăng đến 2.300 HS lớp 1 khiến tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày giảm xuống. Sĩ số bình quân HS trên lớp của toàn quận là 50 HS.
Đó là chúng tôi đã phân tuyến theo cách phường này san sẻ sang phường kia để những trường ở khu vực đông dân nhập cư không bị đẩy lên sĩ số quá cao" - ông Tạ Tân, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết.
Trừ các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, những trường tiểu học còn lại của quận này đều tăng số HS lớp 1 so với năm trước. Ví dụ Trường tiểu học Phan Chu Trinh năm ngoái chỉ có 14 lớp 1 thì năm nay tăng lên 18 lớp, trong đó có lớp 54 HS.
Tương tự, quận Bình Tân năm nay tăng 5.170 HS ở bậc tiểu học. "Không chỉ khối 1 mà các khối 2, 3, 4, 5 cũng tăng HS vì số dân nhập cư tăng cao. Năm học 2018-2019 quận chúng tôi có thêm 11 phòng học mới nhưng số HS tăng thì phải có đến 2,5 trường tiểu học mới đủ.
Giải pháp của Bình Tân là phải chuyển đổi công năng các phòng học chức năng như phòng âm nhạc, phòng học tiếng Anh, hội trường... sang làm phòng học" - một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Bình Tân chia sẻ.
Không những thế, ở quận Tân Bình nhiều trường tiểu học không thể mở lớp học 2 buổi/ngày mà chuyển 100% HS lớp 1 học 1 buổi/ngày để đảm bảo nhận hết HS trên địa bàn.
Theo Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, phường 15 có 2 trường tiểu học là Tân Trụ và Nguyễn Văn Kịp nhưng đều không thể mở được lớp 1 bán trú. Chỉ tính riêng phường 15 năm nay đã tăng hơn 1.000 HS lớp 1.
Xây trường không kịp
Theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tình trạng sĩ số HS lớp 1 trên 60 HS/lớp diễn ra ở một số quận, một phần do tăng dân số cơ học vì nhiều người muốn sinh con "năm đẹp", nhưng một phần cũng do tốc độ đô thị hóa nhanh ở một số nơi.
UBND TP Hà Nội trong các văn bản chỉ đạo đối với ngành GD-ĐT cũng yêu cầu có giải pháp nhằm chống quá tải nhưng các giải pháp này chưa giải quyết được vấn đề trước mắt trong năm học 2018-2019.
Cụ thể, với 19.000 tỉ đồng đầu tư xây dựng trường, lớp mới từ năm học 2017-2018, chiếm 25,5% chi ngân sách, trong năm 2018, Hà Nội đã bổ sung 70 trường học các cấp, cải tạo, sửa chữa gần 400 trường học.
Quận Cầu Giấy đã triển khai mở rộng quy mô 2 trường, xây thêm 1 trường mới nữa nhưng phải năm học sau mới sử dụng được.
Cùng với Hoàng Mai, quận Cầu Giấy cũng xuất hiện nhiều "siêu phường" khi toàn quận có trên 300.000 nhân khẩu, tăng cơ học khoảng 10% mỗi năm. Nhiều người đã chuyển nhà đi nhưng vẫn không cắt khẩu để cho con đăng ký học khiến số HS đúng tuyến ở nhiều trường tăng vọt.
Ở quận Hà Đông, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng - trưởng Phòng GD-ĐT, đã đầu tư xây mới 17 trường trong năm 2018, nhưng việc tăng dân số cơ học ở quận này vẫn quá nhanh. Năm học này quận có 88.000 HS, tăng trên 7.000 HS, riêng trường công lập tăng trên 5.000 HS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận