Năm nay, hàng loạt trường đại học khối kinh tế như Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Kinh tế - Tài chính TP.HCM mở các ngành mới liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Trong khi đó, nhiều trường đại học khối kỹ thuật lại tuyển sinh các ngành khối kinh tế, xã hội.
Theo các chuyên gia, việc đại học đào tạo đa ngành là xu hướng chung của thế giới, phù hợp với xu thế đào tạo liên ngành. Tuy nhiên, nếu vội vàng, chạy theo trào lưu mà không có sự chuẩn bị tốt về nhân sự, cơ sở vật chất sẽ rất nguy hiểm.
Xu hướng tích cực
"Tôi không ngạc nhiên khi các trường kinh tế đào tạo kỹ thuật hay các trường kỹ thuật đào tạo các ngành xã hội. Đó là xu hướng phát triển chung của đại học thế giới" - TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu quan điểm.
Giải thích rõ hơn, ông Chính cho biết giáo dục đại học phương Tây và Mỹ phát triển theo hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo mọi thứ.
Trong khi đó, khối Đông Âu thì đào tạo chuyên sâu. Trong một thời gian dài đại học Việt Nam bị ảnh hưởng của cả hai xu hướng này. Thực tế cho thấy các trường đào tạo chuyên sâu sẽ khó phát triển hơn các trường đào tạo đa lĩnh vực.
Do đó, việc các trường đại học mở rộng lĩnh vực đào tạo không phải là vấn đề đáng lo ngại. Điều này giúp tạo ra môi trường học tập đa dạng, bổ trợ cho nhau, tạo ra cách tiếp cận nghề nghiệp liên ngành.
Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Đình Đức - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng phát triển của giáo dục đại học.
Tuy nhiên có vấn đề cần phải làm rõ đó là sự khác nhau trong chương trình đào tạo của các trường. Chẳng hạn ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo khối ngành kinh tế hay chính sách công, quản lý xây dựng nhưng rõ ràng trường tận dụng thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đưa vào chương trình đào tạo.
Nó sẽ khác với chương trình đào tạo kinh tế thông thường. Như vậy, trường đào tạo kinh tế kết hợp công nghệ, kỹ thuật là phù hợp, mạnh hơn trường kinh tế thông thường.
Đúng như ý kiến của các chuyên gia về xu hướng phát triển đại học đa ngành, ở nhiều nước, các đại học cũng đào tạo đa ngành. PGS.TS Vũ Tiến Hồng - ĐH Kansas, Mỹ - cho biết ở Mỹ nhiều trường đại học kỹ thuật đã mở ngành xã hội và ngược lại. "Xu hướng chung của giáo dục đại học là tạo ra những góc nhìn liên ngành, kết hợp kiến thức nhiều lĩnh vực.
Chẳng hạn lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ngoài các yếu tố kỹ thuật, công nghệ quan trọng còn cần nhiều nhìn nhận ở góc độ xã hội như đạo đức, pháp luật. Nhiều kiến thức tập trung trong một vấn đề chứ không chỉ có kỹ thuật công nghệ" - ông Hồng phân tích thêm.
Tránh mở ngành theo trào lưu
Liên quan các trường đại học đào tạo đa ngành, đào tạo những ngành vốn không phải thế mạnh, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - bày tỏ quan điểm ủng hộ phát triển các trường đại học có truyền thống đơn ngành, đơn lĩnh vực của Việt Nam thành các đại học đa ngành phổ biến của thế giới.
Việc này càng quan trọng khi cơ cấu đào tạo của ta đang rất bất cập, tỉ lệ đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật đang còn thấp. Giải pháp là phải phát triển các chương trình đào tạo, các khoa, viện mới, nhưng phải có bước chuẩn bị vững chắc để đảm bảo điều kiện bảo đảm chất lượng, không nên vội vàng.
Cũng không nên quá câu nệ về tên trường mà hạn chế trường phát triển ngành khi toán học, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang xâm nhập nhanh vào tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng cũng cần lưu ý hiện nay đang có xu thế phát triển trường thành các đại học đang nóng nên có thể có một số cơ sở cũng phát triển nóng các ngành nghề mới.
GS.TS Nguyễn Đình Đức cũng có quan điểm tương tự. Dù cho rằng đại học đa ngành là xu hướng phát triển đại học, nhưng ông cảnh báo rằng sự nóng vội, chạy theo trào lưu sẽ rất nguy hiểm.
"Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở ngành kỹ thuật công nghệ để đa dạng lĩnh vực đào tạo về lâu dài là xu hướng đúng đắn. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn vì các ngành này là lĩnh vực lớn và liệu trường có kết hợp và phát huy thế mạnh của mình trong đào tạo hay không, có đảm bảo chất lượng không.
Nếu trường xây dựng bộ môn toán, công nghệ thông tin rồi phát triển đủ mạnh, sau đó mở ngành kỹ thuật công nghệ, định hướng theo thế mạnh vào các lĩnh vực công nghệ tài chính, an ninh ngân hàng, logistics thì sẽ tốt hơn" - ông Đức phân tích.
Ông Đức cũng cho rằng việc mở ngành mới ở lĩnh vực khác cần phải có sự chuẩn bị và phát huy thế mạnh của trường. Điều này trái ngược với việc đua mở ngành theo phong trào, xu hướng sẽ rất nguy hiểm.
Thực tế các ngành kỹ thuật ở nhiều trường khó tuyển sinh trong bối cảnh tự chủ. Và để sống được, các trường mở các ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau, những ngành đang được thí sinh lựa chọn nhiều. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, làm mất cân đối cơ cấu ngành nghề, nhân lực.
Đại học đơn ngành "xưa lắm rồi"
GS Nguyễn Văn Tuấn - ĐH New South Wales, Úc - cho rằng tên trường chỉ là... cái tên. Đại học kiểu đơn ngành như Việt Nam đã "xưa lắm rồi". Đại học ở hầu hết các nước thường là đa ngành. Ở Úc cũng vậy, chẳng hạn như ĐH Công nghệ Queensland tuy mang tên là "công nghệ" nhưng đào tạo các ngành luật, kinh tế, y tế, sư phạm...
Muốn làm thiết kế vi mạch không cần phải học đúng ngành
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn phát triển đòi hỏi nhiều nhân sự. Việt Nam chưa cung cấp đủ nhân lực chất lượng cho ngành này. Năm 2023 một số trường đại học mở ngành thiết kế vi mạch. Vậy nhân sự làm ngành thiết kế vi mạch của nước ta ở đâu ra?
Ông Chính cho rằng để làm việc trong lĩnh vực vi mạch - bán dẫn không nhất thiết phải học ngành này. Thực tế nhân sự Việt Nam làm ngành này hiện nay chủ yếu học các ngành công nghệ thông tin, vật lý, điện tử. Đây là các ngành nền tảng để làm được trong lĩnh vực này, cần thiết có thể học thêm một vài modul chuyên sâu. Hiện nay, các trường có thể điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành nói trên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ
TS Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh việc mở ngành theo trào lưu, đặt tên ngành theo "trend" thực chất là hình thức quảng bá và thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ.
Có những trường mở ngành mới, tên mới, chẳng hạn thiết kế vi mạch, nhưng chương trình đào tạo không khác mấy so với ngành đã có. Đó chỉ là sự thay đổi tên gọi, thêm vào tên gọi vài chữ nên nó mang tính hình thức nhiều hơn, không thay đổi bản chất.
Điều này khác hoàn toàn với việc mở ngành mới với chương trình đào tạo được thiết kế mới. Do đó thí sinh cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo của các trường để chọn ngành đúng với nguyện vọng.
Phó hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM cho rằng việc đào tạo đa ngành là tất yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng khi mở ngành mới là đánh giá đúng nhu cầu và tiềm năng thị trường. Nếu chạy theo số đông mà cung cấp thừa nhân lực sẽ rất lãng phí. Đại học Việt Nam đã có nhiều bài học về việc này, chẳng hạn ngành tài chính ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận