Trong một tiết học ứng dụng CNTT của Trường THPT Võ Thành Trinh - Ảnh: NVCC
Ông Hưng nói: "Trường THPT Võ Thành Trinh là trường loại 1 của huyện Chợ Mới, có 28 lớp học ở các khối. Sở GD-ĐT An Giang đã triển khai đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học.
Vì vậy, chúng tôi xây dựng và áp dụng CNTT vào việc giảng dạy, học tập và cũng không nghĩ sẽ đạt danh hiệu này. Sau đó, Microsoft tại Việt Nam đã rà soát lại, thấy chúng tôi đã đạt sáu tiêu chí của họ sau hơn hai năm thực hiện. Họ gửi thư công nhận trường đã hoàn thành sáu tiêu chí của Microsoft".
Ngay từ đầu khi ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho giáo viên và học sinh, tôi chỉ muốn chất lượng giáo dục dạy trực tuyến tốt hơn. Tôi không nghĩ sẽ nhận được danh hiệu "Trường học điển hình Microsoft".
Ông Trần Nguyễn Khái Hưng
* Từ đâu trường có ý tưởng xây dựng, chuyển đổi số trong giảng dạy?
- Thật ra tháng 8-2019, khi tôi biết thông tin cộng đồng giáo viên sáng tạo có buổi chia sẻ kinh nghiệm của các thầy cô tham gia diễn đàn thế giới của Microsoft tại TP.HCM, tôi đã thông báo tới toàn thể giáo viên trong trường.
Sau đó, tôi cùng 20 thầy cô tham gia lớp này, với mong muốn sẽ thay đổi ở toàn trường trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Sau khi trở về, với tri thức và quyết tâm, các giáo viên đã hào hứng áp dụng thực hành. Ngày hội đọc sách của nhà trường thời điểm đó cũng được áp dụng công nghệ, tạo cảm hứng lớn khi có một lớp học sinh đã tự tạo nhóm viết cảm nhận sách rồi chia sẻ trên mạng xã hội.
Giáo án, bảng biểu, sổ chủ nhiệm, kiểm tra bài học sinh lần lượt được các thầy cô ứng dụng công nghệ làm giảm bớt công sức ghi chép thủ công hoặc in ấn quá nhiều, các giờ học trở nên hứng thú hơn.
Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, chủ trương "dừng tới trường nhưng không ngưng việc học" ngay lập tức được triển khai bài bản, khoa học ở trường. Chúng tôi vượt qua áp lực khi có công cụ hỗ trợ.
Ban giám hiệu chúng tôi không bị căng thẳng và thầy cô thì thỏa sức sáng tạo trên nền kỹ thuật.
Với mong muốn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận với công nghiệp 4.0, nhà trường đã quyết tâm xây dựng kế hoạch và triển khai việc ứng dụng CNTT, thông qua sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Microsoft giáo dục Việt Nam.
Cụ thể là việc ứng dụng bộ công cụ Microsoft 365 trong công tác quản lý, giảng dạy và giáo dục.
Ông Trần Nguyễn Khái Hưng
* Giáo viên của "Trường học điển hình Microsoft" có gì khác biệt so với bình thường?
- Trước tiên, giáo viên tại trường phải đạt chứng chỉ cộng đồng sáng tạo của Microsoft. Tức là phải chia sẻ dữ liệu để giúp giáo dục ngày càng phát triển. Giáo viên đó hằng năm phải làm hồ sơ đề cử về Microsoft công nhận chuyên gia giáo dục sáng tạo (MIEE).
Đến nay, Việt Nam có 265 giáo viên đạt MIEE. Khu vực ĐBSCL có 32 người thì Trường THPT Võ Thành Trinh đã có 11 giáo viên là MIEE. Để đạt danh hiệu này, các giáo viên phải đạt danh hiệu giáo viên sáng tạo trước và rất khó khăn. Hiện nay, số giáo viên đạt tiêu chuẩn MIEE của trường đã vượt gấp đôi số giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Microsoft.
Các trường khác tôi không biết ra sao nhưng trường tôi có thể khẳng định việc học trực tuyến đối với trường tôi là rất thuận lợi. Không còn xảy ra tình trạng giáo viên lúng túng mà sẽ chuyển sang trạng thái giáo viên chủ động hoàn toàn. Học trò đã tự tin sử dụng công cụ trên Microsoft để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
* Việc đạt chứng nhận này thì cách giảng dạy của trường có gì khác?
- Hiện tại tập thể giáo viên và học sinh của nhà trường rất thuận lợi trong việc khai thác tối ưu các tính năng của bộ công cụ Microsoft 365 phục vụ cho hoạt động giảng dạy của giáo viên và có thể tổ chức tiết học một cách sinh động nhất.
Giáo viên sử dụng Microsoft Teams để dạy học trực tuyến tương tác trực tiếp cùng học sinh, đảm bảo giáo viên có thể quản lý việc học của học sinh ở ba giai đoạn: trước giờ học (hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung, chia sẻ tài liệu); trong giờ học (truyền đạt, thảo luận, hợp tác, nhận xét, phản hồi, hỗ trợ học sinh) và sau giờ học (củng cố, mở rộng kiến thức, giao bài tập, đánh giá).
Sử dụng Class Notebook để quản lý việc học cũng như hỗ trợ học sinh kịp thời khi tham gia học trực tuyến, sử dụng Microsoft Forms trong kiểm tra đánh giá, sử dụng Flipgrid tăng cường tiếng nói trong học sinh.
Học trò được trang bị kỹ năng tiên tiến đến thời điểm này như: khai thác nguồn tư liệu học tập, trình bày ý kiến, không còn dùng phấn trắng bảng đen nữa.
Các phần mềm học sinh học tập trực tuyến của Microsoft đều miễn phí (trên 20 công cụ học tập - PV). Song song đó, học sinh được trang bị những kỹ năng học tập thế kỷ 21 sẵn sàng cho tương lai: kỹ năng sống, kỹ năng học tập, kỹ năng sử dụng CNTT.
Giờ đây nhà trường còn có cơ hội tham gia vào cộng đồng "Trường học điển hình" trên toàn thế giới để học hỏi và nắm bắt tiếp những xu hướng chuyển đổi số mới nhất trong ngành giáo dục. Trường còn có thể truy cập vào tài nguyên và nghiên cứu được cung cấp và cập nhật bởi tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft.
6 tiêu chí của "Trường học điển hình Microsoft"
Ngày 26-9, Microsoft tổ chức lễ công bố 3 trường ở Việt Nam đạt chứng nhận "Trường học điển hình Microsoft" (Microsoft Showcase School) năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến. Các trường đạt chứng nhận bao gồm: Trường phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring (Hà Nội), THPT Võ Thành Trinh (An Giang), Tiểu học - THCS - THPT Sky-Line (Đà Nẵng).
Trong số 3 trường này, Trường THPT Võ Thành Trinh là trường công lập đạt danh hiệu này. Qua đó góp mặt vào danh sách hơn 400 tổ chức giáo dục "Microsoft Showcase School" toàn cầu.
6 tiêu chí của trường học điển hình Microsoft là: Cam kết chuyển đổi; Xây dựng văn hóa học và phát triển; Cá nhân hóa việc học cho mọi đối tượng; Trang bị cho học sinh những kỹ năng sẵn sàng cho tương lai; Các quyết định được dựa trên dữ liệu và Đạt hiệu quả tích cực từ việc ứng dụng các giải pháp của Microsoft.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận