Cho đến nay hộ kinh doanh vẫn được nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ ưa chuộng vì phù hợp với khả năng quản lý. Trong ảnh: tiểu thương kinh doanh tại chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: A.H. |
“Mấy năm trước, sau khi lên DN theo lời vận động của cơ quan thuế, nhiều người đã xin giải thể DN để về hộ kinh doanh cá thể, do bị cơ quan thuế loại ra hàng loạt hóa đơn và truy thu thuế vì chứng từ không khớp, mà kinh doanh nhiều mặt hàng rất khó tránh khỏi điều này |
Bà PHƯƠNG (tiểu thương tại một chợ đầu mối) |
Trong khi nhiều hộ kinh doanh cho biết không muốn lên DN do ngại thủ tục và chi phí phát sinh, cơ quan thuế khẳng định việc khuyến khích đăng ký thành lập DN chỉ nhắm đến các hộ kinh doanh quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, có doanh số và mức thuế khoán cao...
Lo lắng vì hiểu chưa đúng
Đó là thực trạng chung của các hộ kinh doanh trước thông tin hộ kinh doanh chuyển lên DN.
Anh Hoàng Quốc Minh, chủ cửa hàng kinh doanh băng đĩa nhạc trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM), cho biết cửa hàng đã hoạt động hơn 5 năm theo hình thức thuế khoán, với hai người thay nhau đứng bán, hôm nào có việc có thể đóng cửa tạm nghỉ bởi thuế khoán cũng không nhiều.
“Nếu bị buộc chuyển đổi lên DN, tui phải thực hiện chế độ kê khai, phải có nhân sự kế toán, phải tổ chức sổ sách kế toán, phải nộp thuế theo hình thức kê khai rất phức tạp, trong khi quy mô cửa hàng của tui rất nhỏ” - anh Minh nói.
Tương tự, ông N.K.H., chủ cơ sở sửa chữa thiết bị điện tử khu vực chợ Nhật Tảo (Q.10), cho rằng cửa hàng chỉ có ông và thêm hai nhân viên, nếu đăng ký lên DN, “tui trở thành ông giám đốc và hai người phụ việc là phó giám đốc thì... kỳ cục lắm!”.
Theo ông H., hầu hết khách đến tiệm sửa đồ không cần có hóa đơn đỏ, nơi bán linh kiện để thay cho khách cũng không xuất hóa đơn, chẳng biết lên DN để làm gì.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có nhiều lý do khác khiến hộ kinh doanh “ngại” lên DN. Chẳng hạn như chuyện trùng tên. Khi hoạt động ở hình thức hộ kinh doanh, tên hiệu chỉ rà soát trong phạm vi quận nên ít có chuyện trùng tên.
Ngược lại, nếu lên DN, nguy cơ trùng tên là điều khó tránh khỏi do đăng ký trên cả nước. Hộ kinh doanh hoạt động lâu năm với thương hiệu đã đăng ký, nay nếu bị trùng tên, phải đổi sang tên hiệu khác sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, theo hướng dẫn của Sở KH&ĐT, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh để thực hiện thủ tục chuyển đổi lên DN.
Tuy nhiên, cơ quan thuế không chấp thuận thủ tục này mà yêu cầu hộ phải giải thể, ngưng kinh doanh mới được xác nhận.
Chưa kể hộ kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trong phạm vi quận, nếu chuyển đổi lên DN buộc phải chuyển đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện do cấp sở ngành TP cấp, thủ tục khó khăn hơn và mất thời gian đi lại.
Khuyến khích, không nên bắt buộc
Cuối năm 2016, cơ quan thuế TP đề xuất phương án gắn máy tính tiền để quản lý doanh thu đối với hộ kinh doanh, dự kiến thí điểm đối với 1.200 hộ kinh doanh tại Q.5.
Đây là những hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, hộ kinh doanh ăn uống có treo bảng hiệu; hộ chuyên kinh doanh đồ đá, trang sức, đồ mỹ nghệ, đông y; các hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn quyển...
Theo đề án, mỗi hộ sẽ được trang bị một máy tính tiền, được kết nối mạng với cơ quan thuế. Khi đó, cán bộ thuế ngồi tại cơ quan có thể theo dõi doanh thu của hộ kinh doanh.
Một lãnh đạo ngành thuế cho rằng với giải pháp này, việc kiểm soát doanh thu tốt hơn và thu thuế hiệu quả hơn, không tốn nhiều nhân lực và từng bước hướng hộ kinh doanh lên DN. Đề xuất này đã được Tổng cục Thuế đồng ý về mặt chủ trương nhưng chưa thể triển khai do vướng về pháp lý.
Ngoài ra, ngành thuế cũng tổ chức vận động lên DN với những hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện như có 10 lao động trở lên, hộ có số khoán thuế hơn 20 triệu đồng/tháng hay doanh thu hơn 1 tỉ đồng/năm, các hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà hàng, khách sạn...
Lãnh đạo TP cũng vừa yêu cầu ngành thuế phải vận động, khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể đăng ký thành lập DN, đồng thời cần rà soát lại quy định sử dụng hóa đơn, xem xét lại công tác khoán thu thuế để có cơ chế phù hợp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thay vì áp dụng các giải pháp “cứng”, nên có biện pháp phù hợp để vận động hộ kinh doanh lên DN.
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN, cho rằng hộ kinh doanh có muốn “lên” DN hay không phụ thuộc vào nhu cầu và động cơ kinh tế của họ.
“Nếu do phong trào, hoặc dự thảo nghị định có ý hướng tới để đạt được một mục đích phong trào nào đó, càng chứng minh thủ tục hành chính của VN vẫn còn rất nặng nề ở nhiều lĩnh vực” - ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, không những gây cản trở hoạt động của loại hình kinh doanh vốn được pháp luật thừa nhận, việc buộc các hộ kinh doanh phải đăng ký DN còn gây thêm khó khăn, tăng chi phí hoạt động không cần thiết cho đối tượng này.
“Khi nào hộ kinh doanh có nhu cầu mở rộng và phát triển quy mô, cơ quan thuế khuyến khích và hỗ trợ họ lên DN. Nếu họ chỉ muốn là hộ kinh doanh, cũng cần phải cho họ được cái quyền lựa chọn. Đừng nên thúc ép họ để đạt được chỉ tiêu mỗi quận, huyện có bao nhiêu DN được thành lập” - ông Tuấn nói.
Ông TRẦN NGỌC TÂM (cục trưởng Cục Thuế TP.HCM): Nhắm đến hộ kinh doanh lớn, doanh số cao Trước mắt cơ quan thuế vận động những hộ kinh doanh lớn, doanh số và mức khoán thuế cao đăng ký thành lập DN. Ngoài các lợi ích khi lên DN, cơ quan thuế cũng có các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục thuế. Về kê khai thuế, nếu các hộ kinh doanh không thể tự mình thực hiện sổ sách kế toán có thể thông qua các đại lý thuế. Theo tôi, nên tạo ra hai sân chơi rõ ràng. Với những hộ kinh doanh có doanh số lớn, thường xuyên sử dụng hóa đơn phải được khuyến khích, thậm chí là bắt buộc lên DN. Với những hộ kinh doanh nhỏ, chỉ cần quản lý ở dạng hộ cá thể là phù hợp. Tuy nhiên, dù Luật DN quy định hộ cá thể sử dụng từ 10 lao động trở lên phải thành lập DN nhưng đến nay vẫn chưa biết cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nếu hộ kinh doanh đủ điều kiện nhưng không thành lập DN. |
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Không nên “xóa” mô hình hộ kinh doanh Việc Ngân hàng Nhà nước có quy định chỉ có pháp nhân hoặc cá nhân mới được vay vốn ngân hàng là nhằm nắn dòng vốn đến với các pháp nhân cụ thể, rõ ràng, cùng thông tin minh bạch. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để “xóa” đi một mô hình kinh doanh, vốn rất phù hợp với đặc điểm kinh doanh của xã hội VN, là các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ. Khi bước ra làm ăn, tùy theo nhu cầu, mỗi cá nhân sẽ hướng tới mục tiêu kinh doanh của mình. Nên một cơ chế khuyến khích phù hợp để hỗ trợ, phát triển mô hình kinh doanh mà người dân đã lựa chọn là điều cần được hướng tới hơn là ngăn cản hoặc triệt tiêu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận