10/04/2021 06:34 GMT+7

Trường hợp nào bị xóa đăng ký hộ khẩu?

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

TTO - Dự kiến, từ ngày 1-7, công dân vắng mặt tại nơi đăng ký thường trú (ĐKTT) trên 12 tháng liên tục nhưng không khai báo tạm vắng hoặc đăng ký tạm trú ở nơi khác sẽ bị xóa thông tin về ĐKTT trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.

Trường hợp nào bị xóa đăng ký hộ khẩu? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hộ tịch tại UBND phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là một trong những đề xuất tại dự thảo quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cư trú đang được Bộ Công an lấy ý kiến góp ý trong hai tháng và dự kiến có hiệu lực từ 1-7-2021. Đây là quy định để người dân phải có trách nhiệm về việc khai báo tạm trú, tạm vắng.

Có thể đăng ký cư trú qua mạng

Ngoài thông tin về việc thu hồi sổ hộ khẩu, dự thảo này có nhiều quy định sát sườn với người dân về những thủ tục về cư trú. Người dân có thể thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú, qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Việc trả kết quả đăng ký cũng có thể thực hiện tương tự. 

Khi có nhu cầu cấp giấy xác nhận thông tin cư trú, người dân có thể đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước xin giấy này chứ không cần về đúng nơi cư trú. Khi làm thủ tục người dân chỉ cần xuất trình một trong các giấy tờ thể hiện thông tin số định danh cá nhân.

Một quy định mới được nhiều người quan tâm là công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng nhưng không đăng ký ở chỗ mới, không khai báo tạm trú tạm vắng (trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài) thì sẽ bị xóa ĐKTT trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.

Người dân cũng bị xóa ĐKTT trong các trường hợp: chết, có quyết định của tòa án tuyên bố mất tích; ra nước ngoài để định cư; đã bị cho thôi quốc tịch Việt Nam. Người ĐKTT tại địa chỉ nhà thuê, mượn nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn sau 12 tháng vẫn chưa ĐKTT tại chỗ ở mới; ĐKTT ở nơi đã bị phá dỡ, tịch thu...

Thủ tục đơn giản

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V03), Bộ Công an cho biết quy định về xóa ĐKTT không phải là xóa hộ khẩu hay toàn bộ thông tin về cư trú của người dân như nhiều người đang hiểu. Khi người dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú sẽ ghi họ bị xóa thường trú tại địa chỉ này chứ không phải xóa hết thông tin của họ. 

"Đây là quy định để người dân phải có trách nhiệm về việc tạm trú tạm vắng theo đúng quy định Luật cư trú. Nếu người dân không thực hiện dẫn đến bị xóa ĐKTT thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi đi làm thủ tục, giao dịch cần có thông tin về thường trú. 

Ai đi khỏi địa phương phải có trách nhiệm khai báo tạm vắng, khi đến sinh sống tại nơi khác trên 30 ngày phải đăng ký tạm trú, dưới 30 ngày phải thông báo về lưu trú. 

Những thông tin thay đổi tạm trú cũng sẽ thể hiện trên phần thông tin của họ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú thì cơ quan quản lý sẽ biết được họ đang cư trú tại đâu", đại diện V03 phân tích.

Người dân sau khi bị xóa ĐKTT vẫn được đăng ký lại khi đủ điều kiện theo quy định. "Việc đăng ký lại không phức tạp, người dân quay trở về địa phương, đến cơ quan chính quyền khai báo lại. 

Thủ tục đăng ký lại cũng rất đơn giản, chỉ cần chứng minh về nhân thân, có chỗ ở hợp pháp. Ví dụ người đang ở nhà này và đi, khi quay về, nếu nhà cũ vẫn thuộc sở hữu của họ sẽ đăng ký bình thường, không còn quyền sở hữu nhà nữa thì phải có những điều kiện khác sẽ có quy định", lãnh đạo V03 thông tin.

Không mất quyền cư trú nhưng…

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), quy định về xóa ĐKTT cũng có quy định trong Luật cư trú 2007. Việc xóa ĐKTT không có nghĩa là công dân mất quyền cư trú.

Theo Luật cư trú, cư trú sẽ bao gồm thường trú và tạm trú. Trong trường hợp bị xóa ĐKTT, công dân tạm trú liên tục ở một địa điểm đủ thời gian luật định cũng có thể được ĐKTT ở nơi đó. Người bị xóa ĐKTT có thể đăng ký lại ở nơi ở mới hoặc quay trở lại nơi ĐKTT trước đây khi đủ điều kiện theo quy định của Luật cư trú.

Luật sư Mai Thị Thảo, phó giám đốc Công ty Luật TAT Law firm có ý kiến: "Việc xóa ĐKTT không ảnh hưởng đến quyền sinh sống của công dân. Tuy nhiên, việc xóa ĐKTT có những ảnh hưởng không nhỏ liên quan đến các thủ tục hành chính có gắn liền với nơi cư trú.

Ví dụ như trường hợp vợ chồng có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng chuyển vào TP.HCM sinh sống liên tục 12 tháng, không đăng ký tạm trú, không khai báo tạm vắng, nếu bị xóa ĐKTT thì khi sinh con không biết sẽ phải khai sinh ở đâu bởi nơi thường trú đã bị xóa đăng ký, nơi sinh sống thực tế thì không có đăng ký tạm trú. Cơ quan nhà nước không có cơ sở căn cứ để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh trong trường hợp này", luật sư Thảo phân tích.

Phí làm căn cước công dân bao nhiêu?

Mấy ngày qua, nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ thắc mắc về việc cơ quan chức năng một số nơi thu thêm các khoản phí khi công dân đi làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Theo thông tư số 112/2020 của Bộ Tài chính, lệ phí cấp CCCD sẽ được giảm 50% từ ngày 1-1 đến hết 30-6-2021. Cụ thể, công dân chuyển từ CMND 9 số, 12 số hay CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip, mức thu lệ phí từ 30.000 đồng/thẻ căn cước giảm còn 15.000 đồng.

Người dân đổi giấy tờ tùy thân bị hư hỏng, có nhu cầu đổi CCCD mới, mức lệ phí từ 50.000 đồng/thẻ CCCD giảm còn 25.000 đồng. Trường hợp cấp lại CCCD khi bị mất, mức lệ phí 70.000 đồng/thẻ CCCD giảm còn 35.000 đồng.

D.TRỌNG

TP.HCM: Từ ngày 29-3, chỉ nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip tại công an quận, huyện và TP Thủ Đức TP.HCM: Từ ngày 29-3, chỉ nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip tại công an quận, huyện và TP Thủ Đức

TTO - Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM (PC06) sẽ tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD tại trụ sở từ ngày 29-3 để tăng cường nguồn lực cho Công an TP Thủ Đức và quận, huyện.

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp