31/07/2011 04:17 GMT+7

Trường hợp khẩn cấp

Truyện 1.136 chữ của TRẦN THỊ HỒNG HẠNH
Truyện 1.136 chữ của TRẦN THỊ HỒNG HẠNH

TT - Chị tần ngần đặt viết xuống rồi lại cầm viết lên. Tay vẽ vẽ những vòng tròn vào khoảng không. Chẳng biết điền tên và số điện thoại của ai vào cái dòng này: Trường hợp khẩn cấp xin gọi...

qJ459tNV.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Cái khoảng trống này ám ảnh chị từ trưa đến giờ. Chẳng là, sáng nay, chị đến công ty PT mua ít đồ chơi giải trí giáo dục Fun IQ cho con trai bốn tuổi rưỡi của mình. Chị giám đốc vốn thân tình, biết được hôm nay là sinh nhật chị nên cho cô bé Nhã, nhân viên của chị ấy và cũng là bạn chị, tặng cho cuốn sổ tay có bìa màu đỏ để “lấy hên”. Thời laptop, iPad, chị cũng ít khi dùng sổ tay nhưng vẫn thích sổ tay hơn là mấy cái máy tính vì lâu lâu, lục lại sổ tay nhìn nét chữ bữa họp đó cũng biết mình vui hay buồn...

Chị nhận sổ, trả tiền đồ chơi cho con, về lại công ty. Lật sổ cũ ra, thấy cũng gần hết. Thôi, thay mới luôn. Tuổi mới, sổ mới. Để laptop qua một bên, chị hí hoáy viết bằng cây viết mực nước màu tím của cô học trò là em gái cô bạn đồng nghiệp (lâu lắm, mực sắp cạn, phải lắc lắc mới có mực, có lẽ bây giờ màu mực tím lãng mạn thành xa xỉ và cổ lỗ sĩ lắm rồi). Viết từng dòng.

Họ và tênNăm sinhEmailĐịa chỉ cơ quanĐịa chỉ nhàBác sĩNhóm máu

Đến “Trường hợp khẩn cấp xin vui lòng gọi đến...” chị đắn đo, ngừng viết, nhìn quanh, rồi tập trung nghĩ ngợi.

Ai bây giờ?

Chồng? Anh ít nghe điện thoại. Anh ghét điện thoại lắm. Cái điện thoại của anh thường hết pin.

Nhà mình: nhà chỉ có hai vợ chồng, anh cũng ít nghe điện thoại bàn... Thói quen ghét nghe điện thoại mà. Chị nhớ có lần điện thoại bàn bị gác chênh, chị gọi về không được, tưởng hư hóa ra là không phải. Mà không chỉ một lần.

Mẹ ruột? Mẹ già rồi, gần tám mươi. Khẩn cấp mà gọi mẹ thì chắc chị chưa được cứu mẹ đã phải đi rồi... Mẹ bị tim nữa. Cha cũng không. Cha đã tám mươi hai.

Con đã bị loại ngay từ đầu, con mới bốn tuổi rưỡi và dĩ nhiên là không có số điện thoại riêng.

Bác sĩ Thanh? Đã để ở mục bác sĩ rồi. Vả lại, Thanh cũng chưa đủ thân để có thể nhận những cuộc gọi sau 10 giờ tối.

Chị gái? Ở xa chị đến 300km, có gọi cũng có được gì đâu?

Anh trai? Cũng vậy, ở xa tít mù.

T.? Một trong những người bạn thân nhất của chị suốt bảy năm bươn chải ở Sài thành? Không, T. ốm yếu, nhỏ con, hay đau yếu, chị là điểm tựa của em ấy chứ làm sao em ấy là điểm tựa của chị?

Chị cứ ngồi thừ ra như vậy. Thở dài.

Cô bé đồng nghiệp lén lén liếc nhìn chị. Chị giả vờ không chú ý đến. Cô bé quay đi. Có chuyện gì mà chị băn khoăn vậy? Hình như cô bé nghĩ vậy.

Chị lén liếc nhìn lại cô bé. Hai mươi bốn tuổi, quê Phú Thọ, vào Sài Gòn từ khi hết lớp 12, làm công nhân, rồi học trung cấp kế toán, rồi đi làm, bây giờ buổi tối học cao đẳng kế toán và ban ngày làm văn thư ở công ty chị. Em ấy sẽ gọi ai khi khẩn cấp?

Chị buột miệng hỏi thành lời. Cô bé nhìn chị:

- Em gọi chủ nhà trọ.

Chị tròn mắt.

- Tại vì chủ nhà trọ còn thiếu em ba tháng tiền cọc nhà. Em có gì thì chị ấy gửi ba tháng tiền cọc nhà đó cho bố mẹ em.

Phòng làm việc ồn ào hẳn lên. Các đồng nghiệp bắt đầu suy nghĩ, cân nhắc xem nên chọn ai để vào “trường hợp khẩn cấp” cần gọi. Mặt đứa nào đứa ấy đăm chiêu, trông già đi hàng chục tuổi. Chốc lát, có đứa reo lên: gọi bồ. Có đứa thủng thẳng: gọi chồng đi, cho nó lo chứ ai lo giờ.

Một em thở dài:

- Trời, giờ em mới thấy em ế thiệt... Tủi thân quá à... Mà ế tình thương chứ không chỉ ế chồng nữa...

Có tiếng thì thầm: Để tên Lan Dẹo vô nhá. Ừ, ừ, được đó, Lan Dẹo, Lan Dẹo muôn năm!

Một tiếng hét đinh tai vang lên:

- Sao vậy trời? Sao tụi mày gọi tao? Rồi tao gọi ai?

Đứa vừa hét toáng lên là Lan - bị cả phòng đặt là Lan Dẹo bán vải từ sau khi xem vở kịch tình cảm lãng mạn của đạo diễn Ái Như. Lan chu đáo và chăm sóc mọi người, ai cần cũng xởi lởi có mặt giúp đỡ tận tình nên mấy cô em chưa chồng lẫn mấy bà chị ế chồng ở công ty đều để tên Lan vô danh sách: trường hợp khẩn cấp.

...

Câu chuyện “trường hợp khẩn cấp” khép lại sau bữa cơm trưa ở công ty với biểu quyết 100% bình chọn Lan Dẹo là người số 1 cần gọi và được phép gọi. Còn Lan Dẹo thì có thể chọn bất kỳ ai trong công ty để gọi khi cần. Và người được Lan chọn chính là chị. Lan Dẹo nói tưng tửng:

- Em biết chị hổng thường rảnh nhưng mà nếu trường hợp đặc biệt thì chị cũng rảnh à!

Chị cười xòa, cố giấu sự xúc động. Ngoài Lan, không ai biết, chị từng nửa đêm chạy lên bệnh viện khi nghe một người bạn gọi điện báo là vừa bị đụng xe. Chị đã chạm mặt Lan ở trong bệnh viện hôm đó...

Phòng làm việc lại chìm vào thinh lặng, chỉ có tiếng bàn phím lách cách, lách cách.

Chiếc laptop của chị vẫn chưa được mở ra.

Chị vẫn ngồi trước trang giấy còn dòng trắng chưa được điền vào.

Hít một hơi thở sâu, chị điền vào: Trường hợp khẩn cấp xin vui lòng gọi cô giáo Yến và báo làm ơn giữ bé Bill thêm một lúc, vỗ về cho cháu an tâm và sẽ có người đến đón cháu.

Hít thêm một hơi thở sâu nữa, chị viết thêm một dòng: “Nếu tôi qua đời xin hãy gọi số khẩn cấp của trung tâm hiến xác ở thẻ hiến xác trên người tôi, nếu chỉ là tai nạn xin gọi các số... và..., xin hãy kiên nhẫn chờ máy, sẽ có người nghe, dù rất lâu”.

Truyện 1.136 chữ của TRẦN THỊ HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp