Hôm 5-9, một học sinh lớp 10 tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, TP Thủ Đức, TP.HCM khi chơi thể thao trên sân đã chạy vào lấy nước uống tại máy lọc nước nóng - lạnh trong khu nội trú của trường. Khi rót nước vào ly, em bị điện giật tử vong.
Giải thích nguyên nhân khiến học sinh trên bị điện giật, thạc sĩ - giảng viên chính Huỳnh Văn Kiểm (khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng em học sinh có thể bị điện giật do điện từ máy nóng lạnh bị rò ra những chỗ có khả năng dẫn điện trên bình (như vỏ kim loại của bình).
Mặt khác, học sinh đang chơi thể thao, người ẩm ướt nên có khả năng trở thành nguồn dẫn điện cao hơn. Cũng có thể học sinh không đứng trên môi trường khô ráo.
Nhà trường nên làm gì để đảm bảo an toàn điện cho học sinh trong bối cảnh nhiều trường dùng máy lọc nước nóng lạnh, máy lọc nước ion kiềm như hiện nay? Thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm cho biết có hai phương pháp cơ bản nhà trường cần lưu ý:
Thứ nhất, để đảm bảo an toàn 100% cho học sinh khi sử dụng thiết bị điện, các trường (cơ sở công cộng sử dụng nhiều thiết bị điện) phải làm dây bảo vệ nối đất cho vỏ máy thiết bị sử dụng nguồn điện.
Đáng tiếc là do chi phí và chưa được chú ý nên các tòa nhà, công trình ở Việt Nam rất ít thực hiện điều này.
Nếu không có công trình dây chống giật nối đất, trường cần sử dụng biện pháp khác để chống giật điện cho học sinh là gắn CB chống giật. CB này cần nối ở các lớp học, khi có thiết bị rò điện thì CB sẽ tự ngắt kết nối dòng điện.
Tuy nhiên, CB này cũng không phải là biện pháp an toàn 100%. Vì tùy thuộc vào độ rò điện CB mới ngắt kết nối dòng điện trong lớp học.
Ngoài ra, trường cũng cần có sinh hoạt an toàn điện cho học sinh cũng như thông báo về các thiết bị điện trong trường để đảm bảo an toàn.
"Hiện nay, có rất nhiều loại nước uống sử dụng bình cắm điện. Nếu trường không có dây tiếp đất và thiết bị không được tiếp đất, để đảm bảo an toàn cho học sinh 100% trường không nên cho học sinh sử dụng những máy lọc nước có cắm điện trong phòng học. Thay vào đó nên để các bình nước tinh khiết dạng 20 lít cho các em dùng" - Thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm nói.
Ngoài ra, ông Kiểm cũng khuyên học sinh phải tự bảo vệ mình trước các tai nạn do rò điện. "Khi sử dụng các thiết bị điện hoặc lấy nước, thức ăn… từ các thiết bị điện các em phải đứng trên giày khô ráo.
Người phải khô ráo, tay chân khô ráo, không chạm vào kim loại, không nên dùng ly chén inox, kim loại để lấy nước từ các bình có cắm điện để lỡ thiết bị bị rò rỉ điện thì người cũng không bị điện giật. Cha mẹ học sinh cũng cần dạy cho các em về an toàn điện để tránh những tai nạn thương tâm" - Thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm khuyên.
Tạo môi trường an toàn về điện
Riêng những trường như tiểu học, mầm non… nơi học sinh chưa nhận thức đầy đủ về các thiết bị điện, trường cần thường xuyên nhắc nhở học sinh về an toàn điện cũng như tạo môi trường an toàn nhất cho các em, tránh những sự cố đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận