Diễn viên tốt nghiệp Trường Sân khấu - điện ảnh trong vở kịch Chờ người của sân khấu 5B - Ảnh: N.Lộc |
Chuyện có vẻ đáng ngạc nhiên với một ngôi trường tưởng như đầy sức hút với nhiều bạn trẻ muốn đặt chân vào thế giới nghệ thuật.
Ông Nguyễn Xuân Dũng - chủ tịch hội đồng tuyển sinh, phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Theo quy định mới đây, năm nay Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM sẽ chỉ tổ chức phần thi năng khiếu tại trường, còn điểm thi môn văn các em sẽ phải tự đăng ký từ cuộc thi chung vào tháng 7 này và đem điểm về trường.
Nhiều thí sinh tốt nghiệp các năm trước do chủ quan, không cập nhật thông tin mới nên khi đến nộp hồ sơ không đủ điều kiện đành phải cầm về. Thấy lượng hồ sơ giảm sút nên trường đã điện ra bộ, sau khi tính toán bộ đã quyết định gia hạn thời gian đăng ký thi môn văn cho các em đến ngày 10-6 (thay vì hạn chót là ngày 30-4) và riêng trường chúng tôi cũng được lùi thời gian chốt nhận hồ sơ từ ngày 10-6 sang ngày 20-6. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng hồ sơ nộp về trường cũng chỉ được trên 700 cho tất cả các ngành, khá yếu so với khoảng 1.500 hồ sơ của mọi năm”.
Khó khăn đầu vào
Theo ông Lê Nguyên Đạt - trưởng khoa kịch hát dân tộc, trường đào tạo nghệ thuật có những đặc thù riêng nên việc xét tuyển cũng cần có những ưu tiên riêng, đặc biệt là khoa kịch hát dân tộc. Tuyển thí sinh trình độ tốt nghiệp lớp 12 đã khó rồi, giờ thí sinh còn phải chạy đi đăng ký thi bổ sung lấy điểm môn văn thì sẽ có tâm lý e ngại.
Mà các em đáp ứng đủ hết điều kiện đó cũng chưa chắc là có năng khiếu, tố chất để vào trường nghệ thuật. Số lượng thí sinh hạn chế thì trường buộc phải hạ tiêu chuẩn xuống để tuyển đủ chỉ tiêu, như vậy đầu vào sẽ có những em không đủ chất lượng.
Trong cuộc tọa đàm hồi cuối năm ngoái tại Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM về vấn đề đào tạo diễn viên, đạo diễn, NSƯT Đoàn Bá cũng từng đề cập đến chất lượng đầu vào kém. Nêu lên những bất cập trong phần thi năng khiếu, ông cho rằng hiện phần thi tiểu phẩm đang áp dụng không mang đến sự nhận biết gì về năng khiếu của thí sinh.
“Chúng ta nên thay vào đó bằng cách đưa ra các tình huống để các em xử lý ngay tại chỗ. Tăng cường đối thoại giữa giám khảo và thí sinh để tạo cớ cho các em bộc lộ một cách tự nhiên những phẩm chất bên trong” - ông Đoàn Bá nói.
Tiếp thu đóng góp của đạo diễn Đoàn Bá, ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết: “Kể từ năm nay, trường sẽ bỏ thi tiểu phẩm tự chuẩn bị tại nhà trong phần thi năng khiếu. Thay vào đó, thí sinh sẽ bốc thăm các tình huống do ban giám khảo đưa ra, các em được chuẩn bị 10 phút, sau đó thể hiện lại, ban giám khảo sẽ xem và đặt câu hỏi giao lưu xoay quanh tình huống.
Chúng tôi hi vọng với cách thi này sẽ có thể thấy được rõ tố chất của các em, tìm được đúng những em có triển vọng để tuyển vào trường!”.
Ông Nguyên Đạt cho biết tính tới thời điểm này, khoa kịch hát dân tộc nhận được gần 20 hồ sơ dự thi (so với năm ngoái khoảng 100 hồ sơ). Với số lượng như vậy, việc tuyển sinh cũng rất khó khăn. Cứ mỗi năm số lượng càng ít, mà ba năm liên tục không tuyển sinh được thì “khả năng dẹp luôn khoa kịch hát dân tộc là có thể!” - ông Đạt nói.
Lúng túng đầu ra
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi chia sẻ khóa của chị ngày xưa tốt nghiệp mấy chục học viên nhưng cuối cùng chỉ có chị và đạo diễn Nhâm Minh Hiền là còn theo nghề.
Còn nghệ sĩ Cát Tường cho biết khóa của chị khoảng 20 người cũng chỉ có chị và Trung Dũng trụ lại được. Nhiều nghệ sĩ cho rằng đào tạo không có đầu ra ở trường là vấn đề rất lớn mà hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Có những sinh viên giỏi nhưng ra trường do không có mối quan hệ, không có cơ hội cũng đành phải bỏ nghề.
Như trường hợp được một số đạo diễn nhắc tới là cô diễn viên trong giới hay gọi là Thảo "khàn", khi ra trường được đánh giá cao, là đào chánh trong vở Yêu thầy của đạo diễn Công Ninh nhưng vì không có cơ hội làm nghề nên phải nghỉ bảy năm nay, lấy chồng sinh con, giờ nhớ nghề quay lại diễn một vai nhỏ trong vở Không phải vừa đâu trên sân khấu Sen Việt.
Không hiếm trường hợp sinh viên tốt nghiệp khoa kịch hát dân tộc nhưng vẫn tiếp tục học khóa trung cấp đào tạo diễn viên cải lương chuyên nghiệp do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mở, họ chấp nhận học lại những kiến thức đã học vì biết ở đây họ có cơ hội.
Trong khi đó, có một bộ phận sinh viên bây giờ mang tâm lý vào trường để lấy “mác”, sau đó “kết thân” với đạo diễn để được đóng phim, có chút tên tuổi là sẵn sàng bảo lưu điểm hoặc bỏ học để lao vào chạy sô.
Nghệ sĩ Cát Tường đặt vấn đề: “Tại sao các bạn không chịu học? Có phải thầy cô dạy không hấp dẫn?”. Ông Nguyên Đạt nhìn nhận: “Có lẽ chúng ta nên xem lại cách đào tạo, giáo trình giáo án còn nặng về lý thuyết, kém hấp dẫn, còn thiếu kết hợp với thực tiễn đời sống hiện tại của sân khấu, phim ảnh. Chương trình học kéo dài cũng khiến các bạn nản và tìm đến các lò đào tạo với thời gian học được rút ngắn mà cơ hội làm nghề có vẻ được bảo đảm hơn!
Thật ra nhà trường cũng đang rất trăn trở với công tác đào tạo hiện nay, nhưng trong tình hình chung và xu hướng xã hội tác động, các đơn vị đào tạo nghệ thuật vẫn đang phải nỗ lực tìm cách tháo gỡ và có những giải pháp tốt nhất trong khả năng mình có thể làm được!”.
Đạo diễn - NSƯT Công Ninh, trưởng khoa đạo diễn của trường, nhìn nhận: “Việc tuyển sinh năm nay sẽ cực kỳ khó khăn. Theo dự đoán sẽ chỉ có khoảng 70% học sinh đậu được kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sắp tới. Những em đậu phần lớn sẽ là khá giỏi, khả năng vào được đại học rất cao. Mà các em đã giỏi rồi thì rất ít em muốn vào trường chúng tôi. Bởi vào học cực khổ mà đầu ra lại rất phiêu lưu, không biết cơ hội hoạt động nghề nghiệp sẽ như thế nào...”. |
_______________
Kỳ 2: Các lò đào tạo hút học viên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận