Thầy Trần Tuấn Anh và học sinh lớp 7P2 Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) trong tiết GDCD - Ảnh: N.HÙNG
Đó là ý kiến của thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên đã có thâm niên giảng dạy môn GDCD 12 năm, hiện là giáo viên Trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM), khi đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức - lối sống cho học sinh trong thời đại hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ đã khẳng định: năm học mới, ngành giáo dục sẽ ưu tiên việc "dạy người". Hôm nay, ngày khai giảng năm học mới, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm sự hưởng ứng từ các địa phương và những góc nhìn về chủ trương này.
Thầy Tuấn Anh chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất vui khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã quan tâm và chỉ đạo ngành GD-ĐT chú trọng đến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận thực trạng là một bộ phận không nhỏ học sinh sống vô cảm, đạo đức xuống cấp, các vụ bạo lực học đường thì ngày càng tăng lên...
Riêng cá nhân tôi vẫn cho rằng vai trò của người giáo viên trong việc giáo dục đạo đức - lối sống học sinh là cực kỳ quan trọng".
* Đó có phải là mấu chốt khiến thực trạng đạo đức học sinh đang có nhiều vấn đề? Và môn GDCD cũng đang bị xem là "chuyện phụ"...
- Đúng là như vậy! Từ lâu nay xã hội vẫn xem GDCD là môn phụ, phụ huynh, học sinh coi thường. Nhưng tôi lại nghĩ chính bản thân giáo viên GDCD phải xem trọng môn học mà mình đang giảng dạy trước đã.
Năm 2007, tôi tốt nghiệp trường sư phạm và chính thức trở thành giáo viên. Lương khởi điểm của tôi lúc ấy chỉ có 750.000 đồng/tháng. Xin nói thêm là trước đó, khi đi thực tập, tôi đã đạt được điểm số rất cao do giảng dạy bằng những phương pháp trực quan sinh động và được học sinh yêu thích.
Thế nhưng, thời điểm năm 2007 thì giá một tô phở là 20.000 đồng, lương tháng của tôi không đủ để mua hai tô phở mỗi ngày. Do đó, những file hình tôi đã sưu tầm đầy đủ cho bài giảng của mình nằm sẵn trong máy tính ở nhà nhưng... không có tiền để in ra.
May sao có một chị đồng nghiệp cũng cùng tư tưởng "phải yêu môn của mình trước", chị và tôi cùng chia đôi số tiền in tranh ảnh phục vụ cho giảng dạy. Tôi và chị dạy khác trường nhưng cùng quận. Cứ buổi sáng chị dùng tranh thì buổi trưa chạy qua trường tôi đưa cho tôi số tranh đó để tôi lên lớp dạy vào buổi chiều và ngược lại.
Chị đồng nghiệp ấy sau này là giáo viên giỏi cấp thành phố, được rất nhiều học sinh yêu quý, phụ huynh mến mộ.
Kể ra điều này để chứng tỏ một điều: khi giáo viên yêu thương môn học mà mình giảng dạy, dành tâm huyết cho nó thì dần dần học sinh cũng sẽ thấy đó là môn học thú vị và yêu nó, thương nó như thầy giáo của mình.
* Nhưng có ý kiến cho rằng nội dung môn GDCD trên lớp là lý thuyết và xa rời cuộc sống vì khác xa thực tế ngoài xã hội?
- Đây chính là thách thức lớn nhất đối với giáo viên GDCD. Trên lớp giáo viên dạy học sinh toàn những điều tốt đẹp như yêu thương, trung thực, giản dị, trách nhiệm, vị tha... nhưng khi ra ngoài xã hội thì các em lại thấy những điều ngược lại.
Đây là một thực tế không thể phủ nhận nhưng tôi vẫn tha thiết mơ ước rằng: mỗi trường học hãy là" thánh đường của sự lương thiện". Ở đó, từ ban giám hiệu nhà trường đến giáo viên đều hành xử mọi việc theo phương châm "công bằng và khách quan", học sinh không bị chèn ép đến mức phải đi học thêm, giáo viên chấm bài kiểm tra và cho điểm theo đúng năng lực của học trò, đèn - quạt trong lớp nếu hư sẽ được sửa chữa ngay, học sinh bán trú được ăn ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng, giá bán tại các căngtin trường học không cao hơn bên ngoài...
Một gia đình êm ấm nhờ vào công lao của những người làm cha, làm mẹ. Một nhà trường tốt đẹp - trong đó giáo viên và học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui - nhờ vào công sức và tấm lòng của ban giám hiệu nhà trường. Để nhà trường trở thành "thánh đường của sự lương thiện" phụ thuộc vào nỗ lực của ban giám hiệu các trường.
Nếu được như thế thì việc giáo dục đạo đức - lối sống cho học sinh sẽ thuyết phục hơn rất nhiều. Các em sẽ có niềm tin vào cuộc sống và giáo viên chúng tôi cũng dễ dàng giảng dạy. Tôi vẫn thường nói với học trò của mình rằng: xã hội luôn có mặt trái của nó, nhưng nếu mình sống tốt thì mình gặp được những điều tốt lành.
* Thầy hi vọng gì ở chương trình - SGK môn GDCD trong chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Tôi đề xuất nên đưa nội dung về luật nhân quả vào chương trình môn GDCD bậc trung học. Nội dung này hiện đã làm rất tốt ở bậc mầm non và tiểu học với các câu chuyện như: Thạch Sanh - Lý Thông, Cây tre trăm đốt...
Lên bậc trung học, chương trình cần nâng cao hơn với những câu chuyện từ thực tế cuộc sống để học sinh hiểu được chân lý ở hiền thì gặp lành, gieo gió thì gặt bão... Có thể lấy ngay những câu chuyện thực tế để làm ví dụ cho học trò hiểu như vụ thuốc ung thư giả, vụ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018...
Tôi mong muốn ngoài những kiến thức về tin học, tiếng Anh, toán, lý, hóa... thì học sinh có một niềm tin về luật nhân quả. Từ niềm tin đó, sau này ra đời các em sẽ kiếm những đồng tiền sạch, không làm hàng gian, hàng giả, không đi bán thực phẩm bẩn, không tham nhũng...
* Quay trở lại vấn đề môn chính - môn phụ, thầy nghĩ sao khi Bộ GD-ĐT đưa GDCD vào danh sách các môn thi THPT quốc gia?
- Nếu mục đích của việc đưa môn GDCD vào danh sách môn thi là để "vực dậy" môn học này thì đó là sai lầm. Môn sử cũng được đưa vào danh sách môn thi THPT quốc gia nhưng học sinh có yêu sử đâu. Có năm Bộ GD-ĐT ra quyết định không thi môn sử, báo chí đã đăng học sinh xé đề cương môn sử đấy thôi.
Nếu muốn vực dậy môn GDCD, tôi nghĩ cần giải pháp cụ thể để tăng hiệu quả tiết dạy GDCD, đề cao vai trò của người giáo viên và tạo "đất" cho giáo viên sáng tạo, đổi mới. "Đất" ở đây chính là nâng cao chất lượng đầu vào của trường sư phạm, lương giáo viên đủ sống, cơ sở vật chất - trang thiết bị giảng dạy đầy đủ...
Đưa môn GDCD vào danh sách các môn thi chỉ khiến sự việc trầm trọng thêm: học sinh đi học vì điểm số, học để đi thi chứ không phải học để sống tốt hơn, tử tế hơn. Rồi giáo viên cũng sẽ phải dạy nhồi nhét, dạy cho học sinh đi thi đạt điểm cao.
Và thay vì có những tiết dạy cho học sinh trải nghiệm, đi thực tế thì người ta sẽ cắt hết đi, thay vào đó là dò bài, ôn bài để học sinh đi thi. Và rất có thể có học sinh làm bài môn GDCD được 10 điểm nhưng vẫn xả rác, nói tục, chửi thề... Chúng ta học đâu phải chỉ lấy điểm, học để hơn bản thân mình của ngày hôm qua cả về kiến thức - kỹ năng và đạo đức.
Đầu năm học 2019-2020, khi gặp học sinh trong buổi dạy đầu tiên, tôi đã hỏi các em: "Em mong muốn gì ở môn GDCD?". Nhiều em đã trả lời: "Em mong được điểm cao môn GDCD để "kéo" những môn khác lên", có em lại mong "không phải thi lại môn GDCD". Tôi nghe mà gợn buồn, môn GDCD tràn đầy tình yêu thương mà học sinh chỉ nghĩ đến điểm, chẳng có em nào mong môn GDCD sẽ giúp lớp mình yêu thương, đoàn kết với nhau hơn, ngoan hơn, sống tốt hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận