Học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng đối thoại cùng nhà trường và các đoàn thể - Ảnh: H.P.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến ba tiêu chí: yêu thương, an toàn, tôn trọng.
Tại buổi đối thoại học đường "Vì một môi trường học đường hạnh phúc" ở Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) vừa được tổ chức, đại diện ban cán sự, BCH chi đoàn 42 lớp nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình. Em Trương Bá Chu Uyên - học sinh lớp 10A7 - tâm sự rằng qua buổi đối thoại, học sinh đã có dịp nói lên những tâm tư, nguyện vọng, ý nghĩ của bản thân cũng như tập thể đến với thầy cô giáo và cảm ơn nhà trường đã tổ chức buổi đối thoại rất có ý nghĩa này.
Vậy, cần giải pháp cụ thể nào để có trường học hạnh phúc?
1. Ngay từ đầu năm học mới, nhà trường cần tổ chức đối thoại với học sinh, tạo diễn đàn để các em giao tiếp, mạnh dạn trao đổi những tâm tư, nguyện vọng, nói lên những đề xuất, kiến nghị của mình. Tất nhiên, không phải chỉ dừng lại ở việc lắng nghe học sinh nói, kiến nghị hay đề xuất, mà quan trọng là lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo cùng các ban, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như: ban giám thị, ban tư vấn, Đoàn thanh niên, các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm... phải hành động để đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh.
Từ cán bộ quản lý đến mỗi giáo viên cần tận tụy, nói đi đôi với làm, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của học sinh, đồng thời giải trình để các em hiểu những ý kiến, đề xuất nào không đáp ứng được, lý do tại sao, bởi các em có quyền "được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội", các em chính là đối tượng trung tâm và là chủ nhân của "trường học hạnh phúc".
2. Nhà trường phải thường xuyên tổ chức các buổi tiếp học sinh, phụ huynh học sinh để kịp thời nắm bắt về hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của các em nhằm phối hợp với gia đình trong giáo dục học sinh. Đặc biệt là hoạt động của phòng tư vấn tâm lý học sinh phải đi vào chiều sâu, giáo viên làm công tác tư vấn không chỉ nhiệt tình, tâm huyết, yêu thương học trò mà còn phải hiểu biết nhiều lĩnh vực kiến thức, được tập huấn kỹ năng tư vấn... để có thể giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc, định hướng thái độ, hành vi cho các em trong việc xử lý những tình huống trong thực tiễn. Trên thực tế, không phải học sinh nào khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống cũng mạnh dạn, dám đối diện với giáo viên tư vấn để trao đổi, chia sẻ.
3. Đoàn thanh niên cần thành lập các CLB, đội, nhóm như: CLB văn nghệ, CLB cán bộ Đoàn, CLB âm nhạc, phát thanh, báo bảng, nhiếp ảnh, đội tự quản..., đồng thời đa dạng hóa các hình thức hoạt động để tạo những sân chơi bổ ích, lý thú giúp các em thể hiện được khả năng của bản thân, hình thành những kỹ năng mềm quan trọng, hữu ích.
4. Giáo viên chủ nhiệm phải yêu thương và có trách nhiệm cao với học sinh, biết gắn kết và xây dựng tập thể lớp chủ nhiệm đoàn kết, biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau..., để mỗi ngày các em đến lớp học với niềm vui, yêu bạn bè, thầy cô, mái trường.
5. Nhà trường cần khuyến khích học sinh trồng và chăm sóc cây xanh, tạo thêm những không gian xanh trong lớp học, trường học, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; xây dựng ngôi trường không có khói thuốc lá; căngtin nhà trường phải luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhà trường phải thắt chặt an ninh, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương trong việc bảo đảm trật tự an toàn trường học, không để cho ma túy và tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.
6. Thư viện nhà trường luôn cập nhật những cuốn sách, tài liệu, "cẩm nang" liên quan đến tuổi trẻ học đường, luôn mở rộng cửa chào đón các em, giúp các em có thêm sự hiểu biết để phát triển một cách tự nhiên và ươm mầm cho ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ.
7. Ngoài ra, nhà trường cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề về đạo đức nhà giáo, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động: "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng nhà trường văn hóa - nhà giáo kiểu mẫu - học sinh thanh lịch"...
Ths Nguyễn Thúy Uyên Phương (người sáng lập và điều hành FAROS Education & Consulting):
UNESCO đã đưa ra một mô hình "trường học hạnh phúc" xoay quanh 3 chữ P
Ths Nguyễn Thúy Uyên Phương
Chữ P đầu tiên là People (Con người): để có một trường học hạnh phúc thì cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người với người. Cụ thể là giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với ban giám hiệu nhà trường, giữa giáo viên với phụ huynh.
Chữ P thứ hai là Process (Hệ thống): tức các quy trình, chính sách, hoạt động... được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy có hợp lý hay không. Thật khó để học trò hạnh phúc khi mà ngày ngày các em phải đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ, thời gian chơi đùa gần như chẳng có. Cũng như thật khó để giáo viên kiến tạo lớp học hạnh phúc cho học trò của mình với một chương trình quá tải, áp lực thành tích đè nặng trên vai, các công cụ hỗ trợ thì ít ỏi mà đồng lương thì bèo bọt.
Chữ P thứ ba là Place (Môi trường): tức những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với học sinh. Trong đó sẽ không có nhà vệ sinh bẩn, bạo lực học đường, không có cảnh cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng...
Tôi cho rằng một lớp học hạnh phúc phải là nơi học sinh vui thích khi đi đến mỗi ngày và cảm thấy đó là thế giới mà mình thuộc về, là nơi mình có thể tin cậy và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh cho những vấn đề của cuộc sống. Mà muốn có học trò hạnh phúc thì trước hết phải có những giáo viên hạnh phúc.
H.HG. ghi
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui và ý nghĩa
"Trường học hạnh phúc là gì? Theo tôi, trường học hạnh phúc đơn giản là nơi mà tất cả mọi người, từ học sinh đến thầy cô giáo, kể cả phụ huynh, mỗi ngày đến đây đều cảm thấy là một ngày vui và thực sự ý nghĩa" - đó là quan điểm của ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, về một trường học hạnh phúc
"Chúng tôi cũng không ngờ có những mong muốn của học sinh mà nhà trường hoàn toàn có thể giải quyết được ngay nhưng trước đây chưa được nghe nói tới. Ví dụ như việc thay vì thi học kỳ tập trung tất cả các môn học như mọi năm thì giờ các em muốn sẽ chỉ thi tập trung theo các môn thi tổ hợp như thi đại học" - thầy Ngô Đức Thức, hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, cho biết.
Sau buổi đối thoại học đường, Trường THPT Hai Bà Trưng đã thống nhất sẽ đặt hai hòm thư "Điều em muốn nói" ở hai dãy hành lang của trường. Theo thầy Thức, việc làm này sẽ phá được rào cản "ngại nói" của học sinh. Hơn nữa, từ những cánh thư nguyện vọng này, nhà trường sẽ có thể hiểu được hơn những điều mong muốn, thậm chí những tiêu cực còn tồn tại trong khuôn viên trường học để kịp thời có những thay đổi, khắc phục. Ngoài việc đặt hòm thư, ông Thức còn nói rằng sẽ duy trì ít nhất hai buổi đối thoại học đường trong năm học để có thể trực tiếp lắng nghe những tâm tư của học sinh.
Ông Phan Văn Hải - trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế) - đại diện phụ trách dự án trường học hạnh phúc triển khai trong vòng 3 năm (2019-2021) ở cả ba cấp học là tiểu học, THCS và THPT. "Hiện dự án đang triển khai thí điểm ở 9 trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và mang lại những kết quả khá tốt. Tình trạng bạo lực học đường gần như không còn ở 9 ngôi trường tham gia dự án" - ông Hải nói. Ông Hải còn cho biết đến năm 2021, dự án sẽ tổng kết lại quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và xây dựng học thuyết "Trường học hạnh phúc" để báo cáo lên Bộ GD-ĐT nhằm trong tương lai xa có thể đưa học thuyết này vào quá trình đào tạo sư phạm.
Còn ông Nguyễn Tân cho biết ngoài việc triển khai thí điểm đề án "Trường học hạnh phúc", sở còn đang xây dựng đề án "Trường học kiểu mẫu" theo yêu cầu, định hướng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện đề án này đang được lấy ý kiến và sẽ trình đề án lên các cấp để thông qua. Ông Tân hi vọng sẽ triển khai đề án này trong học kỳ II của năm học 2019-2020.
Ông Tân nói rằng "Trường học kiểu mẫu" bao gồm cả phạm trù "trường học hạnh phúc" và phải là trường học xanh - sạch - sáng, hiện đại.
NHẬT LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận