Là cán bộ quản lý một trường THPT, tôi có mấy ý kiến dưới đây.
Vì sao trường học mất dân chủ?
1. Hiệu trưởng chưa được coi là một nghề
Hiệu trưởng được lựa chọn để đưa vào quy hoạch từ những giáo viên có năng lực chuyên môn, trách nhiệm - tâm huyết với công việc. Với cách làm đó, việc đưa vào quy hoạch như là một sự vinh danh. Vinh danh và hợp đồng hiệu trưởng là hai công việc rất khác nhau.
Theo quy trình, những giáo viên trong quy hoạch được bổ nhiệm để đảm đương nhiệm vụ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng). Nếu người được giao trách nhiệm làm quy trình mà sai, hệ quả là những người có ưu thế về “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ” được lựa chọn bổ nhiệm. Không có tài, không có tâm, quản lý sao dân chủ được?
Thế nên ông bà ta mới có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
2. Quản lý cơ sở giáo dục chưa được coi là một hệ tự quản lý đặc thù
Với tư cách là một tổ chức sư phạm, quản lý nhà trường phân biệt hẳn với mọi loại hình quản lý xã hội khác. Đó là bản chất sư phạm của quá trình giáo dục - trong đó giáo viên, học sinh vừa là khách thể quản lý nhưng lại đồng thời là chủ thể tự quản lý. Bởi họ là những con người đang tham gia một hoạt động rất đặc thù: lấy nhân cách đào tạo nhân cách.
Sản phẩm của hoạt động là nhân cách được tạo ra bao hàm cả tự đào tạo. Quá trình này đòi hỏi sự quản lý trong trường học mang bản chất dân chủ sâu sắc. Và vì thế, quản lý cơ sở giáo dục cần có quy chế đặc thù.
3. Cơ sở giáo dục chưa được phân cấp đầy đủ
Tuyển dụng, tuyển mộ, chiêu mộ giáo viên - nhân viên trong nhà trường phổ thông thuộc thẩm quyền của cấp trên. Hiệu trưởng chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận và sử dụng. Lại nữa, hiệu trưởng không được hợp đồng và trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm, theo kết quả công việc.
Không hợp đồng theo vị trí việc làm dẫn đến “miếng bánh” quyền lợi trong cơ sở giáo dục do hiệu trưởng toàn quyền cắt hoặc ban phát. Giáo viên e sợ hiệu trưởng là đương nhiên. Tiếp cận theo phân cấp quản lý, hiệu trưởng cũng chính là người bị mất dân chủ.
4. Hội đồng trường - bỏ thì thương, vương thì tội
Đối với các trường phổ thông công lập, thường hiệu trưởng làm chủ tịch hội đồng trường, quyền lực lại càng tập trung vào hiệu trưởng. Xuân thu nhị kỳ hiệu trưởng mới họp hội đồng trường một lần cho có biên bản họp, có chương trình hoạt động mà không ngoài mục đích là để kiểm định chất lượng giáo dục, phúc tra thi đua khen thưởng.
Còn nếu giáo viên đảm đương nhiệm vụ này thì tiếng nói chủ tịch hội đồng trường yếu ớt. Nhiều năm nay, hội đồng trường tuy có tồn tại nhưng rất hình thức!
Mấy kiến nghị
1. Cần coi hiệu trưởng là một nghề, được lựa chọn kỹ lưỡng từ cơ quan thẩm quyền và ký kết hợp đồng làm việc với thời gian thỏa thuận. Hết thời gian này, tiếp tục hợp đồng hoặc tìm đến các cơ sở giáo dục khác để hợp đồng làm hiệu trưởng hoặc... “về vườn” (tựa như huấn luyện viên bóng đá vậy).
2. Tăng cường đào tạo hiệu trưởng, bảo đảm lương bổng cho họ, có chế độ khen thưởng cao đi đôi với kỷ luật nghiêm minh. Hiệu trưởng, giáo viên thuộc quyền ai có thành tích tốt người ấy được khen. Bên cạnh đó cần có tổ chức giám sát, kiểm tra hiệu trưởng từ một cơ quan thanh tra (đặc nhiệm) - độc lập với sự quản lý của bộ, sở, phòng GD-ĐT. Đồng thời kết hợp với sự giám sát của đoàn thể, phụ huynh học sinh, hội đồng nhân dân các cấp.
3. Thành lập hội đồng hiệu trưởng của các trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện hoặc tương đương nhằm tạo diễn đàn để các hiệu trưởng trao đổi về chuyên môn, giúp nhau hoạch định chiến lược phát triển nhà trường và cùng giám sát, kiểm tra lẫn nhau trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là thực thi quy chế dân chủ cơ sở.
4. Cơ sở giáo dục - một tổ chức đặc thù đòi hỏi có quy chế dân chủ phù hợp. Hiện nay quy chế dân chủ cơ sở (do Chính phủ ban hành) được áp dụng cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cơ sở giáo dục công lập. Điều này là đúng nhưng chưa trúng.
Thiết nghĩ, từ quy chế dân chủ do Chính phủ ban hành cần nghiên cứu để đưa ra quy chế dân chủ áp dụng cho các cơ sở giáo dục - biện pháp giúp cán bộ quản lý thực hiện dân chủ trong đơn vị phụ trách và đồng thời giáo viên, nhân viên thuộc quyền căn cứ vào đó để đòi hỏi quyền lợi và cả để chu toàn trách nhiệm.
“Thực hiện dân chủ trường học thực chất là quá trình xây dựng nhà trường kỷ cương, tình thương trách nhiệm.Nội dung này đã được nêu ra từ nhiều năm nay, chỉ tiếc là giá trị đó mới dừng lại ở nghị quyết, báo cáo. Thực tế, dân chủ trường học đang còn xa... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận