Phụ huynh đón học sinh ra về tại Trường tiểu học Tân Trụ, quận Tân Bình, TP.HCM sáng 21-8. Đây là một trong những trường không thể mở được lớp 1 bán trú nào - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại TP.HCM, học sinh tăng đột biến và tăng đều ở tất cả các cấp học, tiến độ xây dựng thêm trường, lớp mới không thể đáp ứng kịp với số lượng học sinh, nhiều trường tiểu học phải giảm lớp học bán trú và chuyển sang học một buổi/ngày.
"Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, sáng đi tối về, làm sao buổi trưa có thể về đón con. Có đón được thì cũng không thể để một đứa trẻ 6 tuổi ở nhà một mình" - chị Hà Thu, phụ huynh học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, quận Tân Bình, than thở.
Hiếm hoi chỗ học bán trú
Chị Thu kể: "Khi nghe nhà trường không mở , tôi và nhiều phụ huynh khác rút hồ sơ để xin cho con vào những trường lân cận. Nhưng các trường ấy cũng chung cảnh ngộ, hiếm hoi mới có trường mở lớp nhưng số lượng rất hạn chế, chỉ ưu tiên cho học sinh trong tuyến".
Ông Nguyễn Nghĩa Dũng, hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Thế, quận Tân Bình, cho biết: "Gần như ngày nào cũng có phụ huynh đến gặp, khóc lóc, năn nỉ xin cho con em vào lớp 1 bán trú. Năm nay trường chúng tôi có đến 8 lớp 1 (tăng 2 lớp so với năm trước), nhu cầu đến 7 lớp bán trú nhưng nhà trường chỉ đủ phòng để mở 4 lớp".
Theo Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, năm học 2018-2019, quận Tân Bình tăng gần 7.000 học sinh lớp 1. Để đảm bảo chỗ học cho học sinh và giữ sĩ số dưới 50 học sinh/lớp bắt buộc các trường phải cắt giảm các lớp học bán trú.
Chỉ tính riêng phường 15 năm nay tăng hơn 1.000 học sinh so với năm trước nên cả hai trường tiểu học (Nguyễn Văn Kịp và Tân Trụ) trên địa bàn phường đều cho 100% học sinh lớp 1 học một buổi/ngày.
Ở phường 14, Trường tiểu học Trần Quốc Toản tính toán rất căng thẳng chỉ sắp xếp được cho hai lớp 1 tăng cường tiếng Pháp được học bán trú, còn lại học một buổi/ngày.
Ở phường 13, Phòng GD-ĐT đã phải chỉ đạo phân tuyến bớt số học sinh thuộc phường 13 qua phường 12 để hai trường Thân Nhân Trung và Yên Thế có thể mở được vài lớp bán trú.
Khá nhiều quận, huyện như Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức... cũng rơi vào tình cảnh tương tự quận Tân Bình.
Ai được mở lớp "vệ tinh bán trú"?
Khảo sát một vòng các trường tiểu học thuộc những quận huyện kể trên, chúng tôi nghe được tâm tư nhiều nhất của phụ huynh là tìm người đón con và tìm chỗ gửi con sau giờ học chính khóa vì không thể xin được chỗ học bán trú cho con.
"Chúng tôi bàn với nhau và ngỏ lời với cô giáo chủ nhiệm, nhờ cô đưa các cháu về nhà, cho các cháu ăn trưa, ngủ nghỉ rồi giữ các cháu vào buổi chiều.
Cô giáo bảo phải xin phép nhà trường, khi được đồng ý cô mới dám nhận lời. Tôi rất ngạc nhiên, việc làm thêm của giáo viên ngoài giờ dạy sao lại phải xin phép?" - chị N.T.T.H., phụ huynh ở quận Thủ Đức, thắc mắc.
Nhiều giáo viên ở một số quận huyện khác cũng cho biết họ đã nhận được nhiều lời đề nghị của phụ huynh giống như chị H. kể trên nhưng đang rất băn khoăn.
"Thực sự thì giáo viên chúng tôi đồng lương rất eo hẹp. Đã vậy, chúng tôi nhận dạy lớp một buổi/ngày lại càng khó khăn vì không có khoản nào thêm ngoài khoản lương chính thức. Những đồng nghiệp dạy hai buổi/ngày còn có thêm khoản hai buổi/ngày cũng đỡ lắm. Thế nên ai cũng muốn nhận lời phụ huynh để mình có thêm chút ít thu nhập.
Việc đưa học sinh về nhà hoặc một địa điểm phù hợp nào đó, cho các em ăn uống và ngủ nghỉ thì dễ rồi. Nhưng suốt mấy tiếng đồng hồ buổi chiều, cô và trò sẽ làm gì, chẳng lẽ chỉ chơi? Mà chơi thì phụ huynh cũng sẽ không hài lòng.
Họ mong muốn mình ôn bài cho các cháu, dạy cho các cháu làm toán, viết chữ ... Nếu làm như thế thì vi phạm quy định về dạy thêm - học thêm của ngành" - cô S., giáo viên tiểu học ở một quận vùng ven, tỏ ra tâm tư.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: "Giáo viên tiểu học được phép mở lớp vệ tinh bán trú nếu có đủ điều kiện theo yêu cầu, đồng thời có đơn xin phép ban giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương (phường, xã).
Trong đơn giáo viên sẽ nêu rõ kế hoạch giữ trẻ về giờ ăn, nghỉ... đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy, nổ... Trong giờ giữ trẻ, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự học, rèn cho các em viết chữ đẹp, rèn kỹ năng làm toán...
Tuy nhiên, các giáo viên tuyệt đối không được dạy những nội dung có trong chương trình, sách giáo khoa của bậc tiểu học vì như thế là vi phạm quy định về dạy thêm - học thêm".
Hà Nội: bán trú trong... nhà dân gần trường
Do số học sinh tăng quá nhiều, ngoài việc tận dụng cả phòng học tin học, ngoại ngữ, phòng học đa năng... phục vụ việc dạy học, nhiều trường tiểu học tại Hà Nội phải điều chuyển học sinh sang các trường ở các phường lân cận.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thể phân tuyến ngay trong đầu năm học. Theo một số hiệu trưởng tiểu học tại các điểm nóng quá tải năm nay, giải pháp nghỉ học luân phiên đang được áp dụng.
Quận Hoàng Mai là địa bàn còn nhiều trường có học sinh phải nghỉ học luân phiên nhất trong năm học này.
Ngoài ra, có trường không tổ chức được bán trú và học hai buổi/ngày như Trường Lê Ngọc Hân.
Giải pháp được nhiều phụ huynh đồng tình là gửi con vào các lớp do chính cô giáo chủ nhiệm quản lý, thuê nhà dân ở khu vực xung quanh trường.
Mặc dù còn nhiều lo lắng, phụ huynh trường này vẫn phải chấp nhận để con "bán trú" trong các lớp học nhà dân chật chội, với sĩ số 50-55 học sinh/lớp.
Đồng tình với việc tận dụng tối đa phòng ốc để tổ chức được lớp bán trú nhưng tình trạng gần 70 học sinh sinh hoạt trong những phòng chật chội khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Tâm lý của nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay đều xác định "vào được trường đã là tốt, được học bán trú còn tốt hơn, nên điều kiện như thế nào vẫn phải chấp nhận".
Giữ trẻ lồng ghép với dạy thêm
Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản về việc quản lý các cơ sở giữ trẻ em ngoài giờ học có lồng ghép dạy thêm, học thêm.
Theo đó, UBND TP đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn quản lý các cơ sở, trung tâm giữ trẻ ngoài giờ học phải bảo đảm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và an toàn tại trung tâm;
Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra và giám sát các cơ sở để hướng dẫn và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người giữ trẻ về những nguy cơ phát sinh trong quá trình trông giữ trẻ em như: ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận