16/05/2012 03:11 GMT+7

Trường Gia Long trong trái tim tôi

 NGUYÊN THI (TP.HCM)
 NGUYÊN THI (TP.HCM)

AT - Trong đời học sinh của tôi, ngôi trường mà tôi yêu quý nhất, thương nhớ nhất đó là Trường nữ trung học Gia Long, trước kia là Trường Áo Tím, bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai, tọa lạc tại số 275 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM.

w9lvTd2l.jpgPhóng to
Thầy cô (ngồi) và các cựu nữ sinh Trường Gia Long họp mặt ngày 20-11-2001

Đã 45 năm qua, ngôi trường vẫn giữ nguyên nét nguy nga cổ kính đã làm tôi choáng ngợp từ cái nhìn đầu tiên. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in từng con đường, thảm cỏ, từng chiếc ghế đá sân trường, từng gốc cây dầu, cây nhạc ngựa sum sê tỏa bóng. Giờ ra chơi, đám nữ sinh chúng tôi thường nắm tay nhau đi dạo trên con đường nối từ cổng chính đến cuối dãy bệnh thất (phòng y tế). Rồi từng nhóm lại các ghế đá ven sân ngồi chụm đầu vào nhau tâm sự cười rúc rích. Lớp tôi có nhỏ bạn nghịch chẳng kém con trai tên Huỳnh Mai Hoàng. Hai năm đầu ngồi cạnh nhau, tôi không chịu nổi tính hiếu động liến thoắng của nó.

Đến năm đệ ngũ (lớp 8), tôi đi tìm chỗ khác ngồi cho yên thân. Ai dè cô sắp chỗ thế nào hai đứa lại ngồi cạnh nhau. Lúc đó nó nhìn tôi cười đắc thắng ngầm ý nói: “Thấy chưa, ghét của nào trời trao của nấy”! Thế rồi hai đứa lại hiểu và thân nhau hơn. Hoàng ở nội trú, có những chủ nhật tôi rước Hoàng ra nhà trọ, nấu cơm cho nó ăn. Chắc ở nội trú ăn ngon mãi cũng chán nên khi ăn cơm đạm bạc với tôi, nó cứ xuýt xoa khen ngon mãi! Ôi, kỷ niệm thời nữ sinh áo trắng viết đến bao giờ mới hết. Các bạn tôi bây giờ mỗi đứa một nơi, đứa ở Việt Nam, đứa ở trời Tây. Nhưng có một điều làm tôi sung sướng nhất là sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi lại liên lạc được với nhau - cũng chính Mai Hoàng làm cầu nối. Không những Hoàng làm liên lạc cho lớp mà còn nằm trong ban liên lạc Áo Tím - Gia Long - Minh Khai của trường nữa.

Tôi thầm cảm ơn cha mẹ đã hi sinh, vất vả nuôi tôi ăn học. Cảm ơn Trời Phật đã giúp tôi đậu vào Trường Gia Long, một ngôi trường mà ai đã học qua đều mang trong lòng sự nhớ nhung lưu luyến pha lẫn chút hãnh diện tự hào. Còn nói về thầy cô chúng tôi (lúc đó gọi là giáo sư), đó là những người đáng kính, tài đức vẹn toàn. Thầy cô tôi thời đó không giáo dục bằng đòn roi mà chỉ giáo dục bằng hạnh kiểm! Chỉ bị trừ một gạch hạnh kiểm thôi là “nạn nhân” nước mắt như mưa, vì biết rằng dù cuối năm bạn có học giỏi, có thành tích xuất sắc cũng chẳng được giấy khen, chẳng được phần thưởng gì cả! Thầy cô tôi không bắt chúng tôi “phải” thế này, “phải” thế nọ, chỉ giáo dục chúng tôi qua bài giảng và qua chính bản thân thầy cô, qua chính sự giáo dục nghiêm khắc mà đầy vị tha, đầy lòng yêu thương và trách nhiệm của mình.

Cô Kha Thị Huỡn, dạy Pháp văn, sau khi giảng bài bằng tiếng Pháp một hơi, cô ngừng lại hỏi bằng tiếng Việt: “Hiểu hông? Hổng hiểu hả? Thây kệ mấy người!”. “Thây kệ mấy người”, vậy mà cuối giờ cô không chịu về, ngồi lại cắt nghĩa từng li từng tí cho học trò mình hiểu rồi mới chịu về. Cô Phi Phụng dạy toán với lối cho điểm độc đáo: hoặc là 20, hoặc là 0 điểm. Cô thường cho làm toán “chạy” bằng bảng con, chỉ lấy 10 bảng đầu. Ai làm đúng 20, ai sai 0 điểm! Học sinh sợ tái mặt vì bị 0 điểm cuối tháng sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm. Nhưng sau đó cô cho “gỡ” bằng cách truy bài: kêu học sinh lên bảng hỏi một câu bất kỳ, trả lời đúng sẽ được điểm thế vào chỗ số 0. Chính bằng những trái tim, những tấm lòng như thế, thầy cô đã đưa chúng tôi vào đời, đã trang bị cho chúng tôi vốn sống đầy niềm tin và nhân ái. Thầy cô đã thật sự xem học trò là những người con thân yêu của mình. Còn lũ học trò cũng quý thầy cô chẳng khác nào cha mẹ.

Về phần các nữ sinh chúng tôi, dù trải qua ba thế hệ vẫn xem nhau như chị em trong một gia đình. Gần 100 năm lịch sử, gia đình ấy đã sản sinh biết bao người con ưu tú: bà Bùi Thị Mè - mẹ Việt Nam anh hùng, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH; bà Nguyễn Thị Loan - nguyên ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, nguyên hiệu trưởng Trường TH Sư phạm mầm non TP.HCM; BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - vì lòng yêu nước đã không xuất cảnh theo gia đình mà ở lại Việt Nam phục vụ đồng bào; chị Võ Thị Thắng - anh hùng lực lượng vũ trang, bác sĩ Vũ Thị Nhung - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, NSND Thúy Hoan, NSƯT Đàm Loan, chị Hoa Lệ, giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình..., còn rất nhiều người tài giỏi và đạo đức khác mà với khuôn khổ hạn hẹp của bài viết tôi không thể kể hết được.

Tôi chỉ muốn nói rằng: ngôi trường Gia Long luôn ở trong trái tim chúng tôi. Chúng tôi dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về trường với tất cả lòng yêu mến và biết ơn.

O6KAm4ts.jpgPhóng toÁo Trắngsố 8 ra ngày 1/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 NGUYÊN THI (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp