Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đóng tiền học phí - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện, dự kiến sẽ có đến khoảng một nửa số điều trong Luật Giáo dục đại học cần được sửa đổi theo tinh thần Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học vừa được Bộ GD-ĐT công bố để tiếp nhận các ý kiến đóng góp rộng rãi từ xã hội.
Theo kế hoạch, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét tiến hành thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào năm 2018.
Chuyển sang tính học phí theo quy định về giá dịch vụ đào tạo
Lý giải về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học hiện hành, Bộ GD-ĐT thừa nhận sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đặc biệt về tự chủ đại học, các quy định của Luật chưa rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học công lập để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tự chủ ĐH.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh trong quá trình triển khai tự chủ ĐH cho thấy các quy định về tài chính trong giáo dục đại học còn chưa phù hợp. Mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình đào tạo, bậc đào tạo.
Ngoài ra, tiêu chí để cấp kinh phí căn cứ vào quy mô, số lượng sinh viên đầu vào của trường dẫn đến thiếu tính linh hoạt của các trường khi triển khai thực hiện, đặc biệt là trong trường hợp quy mô sinh viên tăng nhanh hơn so với sự gia tăng số lượng giảng viên làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh quy định về học phí chuyển sang quy định về giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với Luật giá và Luật Phí và Lệ phí.
Theo đó, các trường được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.
Thay đổi quy định phân tầng, xếp hạng
Theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học do Chính phủ quy định. Điều này được chính Bộ GD-ĐT thừa nhận là chưa phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới.
Việc quy định cứng các tiêu chí phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học theo pháp luật hiện hành chưa thực sự phù hợp, phần nào làm hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong việc tự xác định hướng phát triển.
Trên thực tế, xếp hạng là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho người học tham khảo trường phù hợp, cũng như giúp các nhà tuyển dụng lựa chọn nhân lực.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cách làm của một số nước tiên tiến, cách thức thực hiện xếp hạng các trường ĐH theo Luật Giáo dục đại học của Việt Nam có sự khác biệt.
Ở các nước này, việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học là do các tổ chức xã hội độc lập công bố để các bên liên quan tham khảo, việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học này thực hiện sẽ đảm bảo tính khách quan hơn là do cơ quan nhà nước thực hiện.
Do đó, thay vì quy định Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với các cơ sở giáo dục đại học như quy định hiện hành, dự thảo chuyển thành việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện bởi các tổ chức có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ phù hợp, đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH
Dự thảo cũng đề nghị sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH.
Trước đây, Luật Giáo dục đại học định nghĩa quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là sự phân bố, sắp xếp các trường với cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với quy mô dân số, vị trí địa lý, vùng lãnh thổ trên toàn quốc và từng địa phương, cho từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước.
Còn tại dự thảo mới, quy hoạch mạng lưới sẽ không bị phụ thuộc vào quy mô dân số, vị trí địa lý… như trước, mà chủ yếu nhằm bảo đảm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và thị trường lao động trong từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận