05/01/2020 09:20 GMT+7

Trường đại học treo ảnh bác bảo vệ, chị phụ bếp, tri ân 'những người bé mọn'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Thường thì tranh, ảnh chân dung trong trường đại học Mỹ là các nhà sáng lập, chủ tịch hoặc nhà hảo tâm có đóng góp lớn. Nhưng ĐH Princeton lại chọn trưng bày chân dung những công nhân phục vụ học xá ở các khu vực trung tâm.

Trường đại học treo ảnh bác bảo vệ, chị phụ bếp, tri ân những người bé mọn - Ảnh 1.

Ông Michael Moore, một công nhân làm việc tại ĐH Princeton, đứng bên bức tranh chân dung ông do họa sĩ Mario Moore vẽ. Bức này được trưng bày tại ĐH Princeton - Ảnh: MARIO MOORE/CNN

Theo CNN, một bộ sưu tập tranh chân dung như thế sẽ tạo ra góc nhìn tươi mới về tầng lớp lao động, nỗ lực chống phân biệt chủng tộc và nâng cao vị thế cho tầng lớp lao động tại ĐH Princeton, một trong số các ĐH và viện ĐH lâu đời, uy tín nhất ở Mỹ.

Anh Mario Moore - tác giả của những bức tranh chân dung - nói với anh, đây không chỉ là một hoạt động trang trí, làm đẹp thêm cho trường. Bằng việc trưng bày chân dung của những công nhân làm việc trong trường ĐH, anh muốn tỏ lòng tri ân đến họ và "đặt họ vào những vị trí có sức nặng" như trong chia sẻ với Đài CNN.

Sinh trưởng tại thành phố Detroit (bang Michigan), họa sĩ này vẫn nhớ cha anh từng là công nhân, ông đã làm rất nhiều việc tay chân khác nhau để có thể nuôi dưỡng, chu cấp mọi thứ cho anh. 

Ở tuổi 32, anh Moore là 1 trong 5 sinh viên được nhận học bổng hội họa Hodder để theo học tại ĐH Princeton. Sau khi hoàn thành chương trình học hồi tháng 6, các bức họa của anh đã được treo trong triển lãm của nhà trường từ tháng 9 đến tháng 11. Những bức tranh đã gây ấn tượng lớn với cộng đồng tới mức Bảo tàng Nghệ thuật ĐH Princeton mua lại rất nhiều tranh của anh.

Anh Moore đã họa chân dung 10 công nhân làm việc tại ĐH Princeton, trong đó có những người làm việc trong các tòa nhà, khu bếp ăn, đảm nhiệm công tác chăm sóc cảnh quan bên ngoài và giữ an ninh trật tự. 

Anh cũng tập trung vào những công nhân là người Mỹ gốc Phi bởi niềm cảm phục các gia đình da đen, bất kể hoàn cảnh sống khó khăn, vẫn nỗ lực vươn lên giành được các cơ hội việc làm và mức lương bình đẳng.

Một trong những người được đưa vào tranh của anh Moore là ông Howard Sutphin, người đã có 22 năm làm việc tại khu vực bán đồ ăn của Trường Princeton. Không chỉ thế, ông cũng là một phần không thể thiếu trong các hoạt động vui chơi, thể thao của sinh viên ở đây. 

Trong chia sẻ với Đài CBS, ông Howard Sutphin bày tỏ niềm vui và tự hào trước tác phẩm của họa sĩ Moore. Khi phóng viên Đài CBS hỏi ông về ý nghĩa của bức tranh với cá nhân ông, ông Howard Sutphin đáp thật ngắn gọn: "Tình yêu" (love). Với ông, đó là cách biểu đạt tình yêu trân trọng và thật tuyệt vời của mọi người trong trường với ông.

Trường đại học treo ảnh bác bảo vệ, chị phụ bếp, tri ân những người bé mọn - Ảnh 2.

Những người lao động “cổ áo xanh” tại Princeton - Ảnh: MARIO MOORE/CNN

Tác phẩm của Mario Moore và sự có mặt của anh ấy tại khu học xá đã giúp hàn gắn những vết thương cuối cùng của nạn phân biệt chủng tộc vốn từ lâu đã làm xấu đi lịch sử của ngôi trường này.

Bà Tracy K. Smith, chủ tịch Trung tâm nghệ thuật Lewis thuộc ĐH Princeton

Ban đầu, anh Moore chỉ định vẽ những người lao động nam giới trong trường. Nhưng sau khi vô tình được trò chuyện với chị Valeria Sykes - công nhân ở khu nhà ăn, anh đã rất xúc động trước tấm lòng và tâm huyết tận tụy suốt một thời gian dài của chị với ngôi trường Princeton. 

Khi anh Moore hỏi chị Sykes là chị thích làm gì khi rảnh rỗi, chị nói chị thích rửa xe hơi. Thế là anh chụp ảnh chị đứng bên chiếc xe hơi của mình tại công viên ở New Jersey gần đó, và sau đó dùng sơn dầu họa lại bức ảnh này.

Bức chân dung cao tới 2,43m của chị Sykes đứng bên chiếc xe hơi đã thu hút rất đông người xem tại triển lãm của ĐH Princeton. Chị cũng rất hài lòng với tác phẩm của anh Moore. Anh Moore còn vẽ chị Sykes trong một bức khác, mô tả chị trong khi đang làm việc ở khu nhà ăn. ĐH Princeton đã chọn bức chân dung này của chị để đặt tại phòng Rocky-Mathey Hall là nơi chị Sykes làm việc.

Ông Ben Chang, người phát ngôn của ĐH Princeton, tỏ ra hài lòng với loạt tranh chân dung mới. Ông nói các bức chân dung của anh Mario Moore đã bắt được thần thái của nhân vật và cả những đóng góp của các thành viên quý giá trong cộng đồng học xá, cổ vũ thêm những nỗ lực trong việc phản ánh các giá trị cũng như sự đa dạng của trường.

"Chúng tôi rất vui khi có được một vài trong số những tác phẩm của anh Mario để chúng trở thành một phần trong bộ sưu tập của trường, và sẽ được các thế hệ sinh viên tương lai lẫn các cựu sinh viên trở lại thăm trường trân trọng" - ông Ben Chang nói.

Người lạ trả học phí cho bà mẹ đơn thân theo đuổi giấc mơ đại học Người lạ trả học phí cho bà mẹ đơn thân theo đuổi giấc mơ đại học

TTO - Một nữ tài xế 43 tuổi chạy xe Uber chia sẻ với truyền thông câu chuyện đặc biệt của chị khi được một người lạ trả giúp khoản nợ học phí, nhờ vậy chị có thể học tiếp lên đại học để lấy bằng luật sư.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp