Ngày 1-11, Trường đại học Ngoại thương tổ chức Diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học lần thứ 7, nhằm tạo diễn đàn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về các mô hình đổi mới trong hợp tác quốc tế giáo dục đại học.
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, cho biết hiện nay chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ mà sinh viên không chỉ hài lòng với việc học tập trong nước, mà còn khao khát được tiếp cận những nguồn tri thức đẳng cấp thế giới.
Ông Tuấn khẳng định các chi nhánh quốc tế (IBCs) đóng vai trò là cầu nối quan trọng, giúp sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục quốc tế chất lượng cao mà không cần phải rời khỏi quê hương mình.
Tuy nhiên, quá trình thành lập và vận hành các chi nhánh quốc tế là một hành trình đầy thách thức.
Tại diễn đàn, ông Rob Stevens, tổng giám đốc đối tác toàn cầu của Đại học Massey, đã chia sẻ về hành trình phát triển của Massey từ một trường cao đẳng nông nghiệp nhỏ, thành lập năm 1927, đến một trường đại học hàng đầu với hơn 27.000 sinh viên, trong đó có hơn 5.000 sinh viên quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia.
Theo ông Stevens, để xếp hạng trong tốp 3% các trường đại học hàng đầu thế giới, Đại học Massey đã thực hiện thành công các chương trình giáo dục xuyên quốc gia, đặc biệt tại Singapore, giúp trường trở thành đơn vị tiên phong về mô hình giáo dục xuyên quốc gia của New Zealand.
Dựa trên kinh nghiệm của Đại học Massey, ông Stevens đã giới thiệu ba mô hình khả thi để mở rộng giáo dục xuyên quốc gia tại Singapore, bao gồm mở rộng các đối tác hiện có, tạo ra các công ty liên doanh và thành lập các phân hiệu độc lập.
Ông Stevens giải thích môi trường pháp lý thuận lợi của Singapore, khung pháp lý mạnh mẽ và khả năng thông thạo tiếng Anh đã biến quốc gia này trở thành một thị trường lý tưởng cho các sáng kiến về giáo dục xuyên quốc gia.
"Hiện tại, mô hình giáo dục xuyên quốc gia của Massey tại Singapore đang là nền tảng cho kế hoạch mở rộng sang Việt Nam, nơi trường hy vọng sẽ cung cấp các chương trình học về khoa học máy tính, kinh doanh, nông nghiệp, nghệ thuật sáng tạo và khoa học xã hội", ông Stevens nói.
Ông Stevens nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn đối tác có văn hóa tương đồng và duy trì mối quan hệ tin cậy cao. Các mối quan hệ hợp tác thành công đòi hỏi sự giao tiếp cởi mở, kiên nhẫn và hiểu biết lẫn nhau.
"Quan hệ đối tác là yếu tố then chốt", ông Stevens khẳng định, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thống nhất về giá trị và mục tiêu của tổ chức để đảm bảo sự hợp tác quốc tế hiệu quả.
Theo đuổi kiểm định chất lượng quốc tế phải vì "đảm bảo chất lượng giáo dục"
Theo PGS.TS Phạm Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, hợp tác quốc tế là con đường giúp các trường đại học đi nhanh hơn, hiệu quả hơn để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Hương nhấn mạnh để đáp ứng được các yêu cầu của kiểm định chất lượng quốc tế, việc đầu tiên các trường đại học phải xây dựng lộ trình rõ ràng để cải thiện điều kiện đảm bảo chất lượng, quá trình cải thiện điều kiện đảm bảo chất lượng phải được đặt làm mục tiêu hàng đầu khi theo đuổi chương trình kiểm định chất lượng quốc tế.
"Đây là khoảng thời gian chúng ta có thể thấy hợp tác quốc tế trong giáo dục được thúc đẩy mạnh mẽ, là động lực để các trường đại học tại Việt Nam tiến tới các chuẩn giáo dục quốc tế.
Hợp tác quốc tế là một quá trình lâu dài, tạo niềm tin với nhau. Khi các trường đại học quyết định hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục cần phải có sự cam kết chặt chẽ, mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, cùng nhau khai thác nguồn lực. Từ đó mới có sự hiệu quả trong phát triển giáo dục của Việt Nam", bà Hương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận