Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Ngày 14-9, hội đồng tuyển sinh của Trường đại học Ngoại thương đã thông qua phương án trúng tuyển đối với hai phương thức tuyển sinh còn lại, bao gồm phương thức sử dụng kết quả thi THPT và phương thức kết hợp giữa kết quả thi THPT và chứng chỉ quốc tế.
Với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT, điểm trúng tuyển của ngành cao nhất dự kiến là 28,9 và đây cũng là ngành có số lượng chỉ tiêu lớn nhất của trường với tổng chỉ tiêu là 720 chỉ tiêu.
Với phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng kết quả thi THPT và chứng chỉ quốc tế, điểm trúng tuyển của chương trình cao nhất dự kiến là 28,1 (quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế về thang điểm 10 của Trường đại học Ngoại thương là ở mức thấp so với nhiều trường đại học khác).
Khoảng cách chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm ngành/ngành của trường về cơ bản là không nhiều, điều này thể hiện sự đồng đều giữa các ngành về chất lượng tuyển sinh đầu vào.
Theo thông tin từ phía nhà trường, điểm xét tuyển cao nhất của thí sinh tham gia xét tuyển vào trường bao gồm cả điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng là 30,85 (theo thang điểm 30), điểm xét tuyển cao nhất của thí sinh tham gia xét tuyển không bao gồm điểm ưu tiên là 29,8 (theo thang điểm 30).
Về cơ bản, điểm trúng tuyển của năm 2022 tại tất cả các phương thức xét tuyển của nhà trường là ổn định và chênh lệch không nhiều so với năm 2021.
Năm 2021, điểm chuẩn vào các ngành/chuyên ngành đào tạo của Trường đại học Ngoại thương dao động từ 24 - 28,8 đối với ba cơ sở đào tạo. Chuyên ngành kinh tế đối ngoại của ngành kinh tế ở Trường đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất với 28,8 điểm.
Trường đại học Ngoại thương dự kiến sẽ công bố chính thức điểm trúng tuyển phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT, xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi THPT và chứng chỉ quốc tế vào ngày 15-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận