Trường chuyên Hà Nội Amsterdam - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đó là nhận định của thầy P. - nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Vì sao như vậy?
Tôi biết có trường chuyên ở tỉnh chịu sức ép rất lớn. Chỉ tiêu tỉnh giao cho trường và trường giao về cho từng tổ. Nếu không đạt được thì hiệu trưởng “rát” mặt với lãnh đạo địa phương.
TS Trần Nam Dũng
"Phải đoạt huy chương"
TS Trần Nam Dũng - phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng nếu một học sinh giỏi toán, được học chuyên toán, được bồi dưỡng về toán khiến cho niềm đam mê toán học trong em ngày càng nâng lên là quá tốt.
Theo ông Dũng, tính sơ có thể đếm được 34 giáo sư toán học hiện giảng dạy ở trong và ngoài nước xuất thân từ chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu. Đó là giá trị không phủ nhận của trường chuyên trong các giai đoạn trước.
Tuy nhiên, TS Trần Nam Dũng cũng thừa nhận một bất cập lớn nhất ở nhiều trường chuyên những năm gần đây: bệnh thành tích ngày càng gia tăng. Ông Dũng thẳng thắn cho rằng căn bệnh này xuất phát từ chỉ tiêu học sinh phải đoạt huy chương trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, cấp quốc gia, chỉ tiêu học sinh được vào đội tuyển để đi thi quốc tế.
"Như trường tôi hằng năm vẫn có những chỉ tiêu này. Tuy nhiên, chúng tôi may mắn vì trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM nên áp lực có phần nhẹ hơn. Chỉ tiêu được đặt ra từ đầu năm nhưng đến cuối năm học không đạt thì cũng không sao cả. Trong khi đó, tôi biết có trường chuyên ở tỉnh thì chịu sức ép rất lớn về việc này, chỉ tiêu tỉnh giao cho trường và trường giao về cho từng tổ. Nếu không đạt được thì hiệu trưởng "rát" mặt với lãnh đạo địa phương" - TS Trần Nam Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, vì sức ép trên mà một số trường chuyên đi tìm kiếm những "ông thầy" có vẻ là liên quan đến việc ra đề trong kỳ thi học sinh giỏi để dạy cho học sinh. Họ còn tìm kiếm những cơ hội thuận lợi cho học sinh của mình trong quá trình thi.
Điều bất cập ở đây là trường chuyên đã không làm đúng vai trò của mình: phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo ra những học sinh giỏi - học sinh có niềm đam mê với học tập, ít nhất một môn học nào đó. Họ không giảng dạy một cách logic, bài bản, dạy cho học sinh hiểu cặn kẽ vấn đề mà chỉ dạy để đi thi, để đoạt huy chương thì khó gieo cho học sinh niềm đam mê được.
Tương tự, thầy P. - cựu giáo viên môn vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - cũng thừa nhận: "Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đang gây áp lực rất lớn cho ban giám hiệu, giáo viên và học sinh các trường chuyên. Nguồn lực của địa phương nói chung, nhà trường nói riêng chủ yếu tập trung vào một số em có thể đi thi học sinh giỏi quốc gia. Các em học ngày, học đêm với một môn chuyên mà đa số kiến thức thuộc dạng lý thuyết, hàn lâm, ít có điều kiện được học tập để phát triển toàn diện, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn...".
Thí sinh dự thi vào Trường phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Một sự đánh đổi"
Nhắc về một thời lao vào luyện thi, TS Đặng Trường Minh (cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội Amsterdam, nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm miễn dịch học và độc tố học, chuyên thử nghiệm các sản phẩm dược phẩm ở Hamburg, Đức) nói: "Quả thực đó là một sự đánh đổi. Bỏ quá nhiều thời gian chỉ học môn chuyên và chỉ để đi thi. Nếu thi được giải thì có thể vào thẳng ĐH. Nhưng không được sẽ phải mất nhiều thời gian hơn so với bạn bè để bổ sung kiến thức, ôn thi vào ĐH". TS Minh cũng cho rằng việc lao vào luyện thi để có giải thưởng chưa đủ để bảo đảm cho thành công của một nhà nghiên cứu.
Nhiều sinh viên thực sự giỏi không phải đến từ trường THPT chuyên.
Bác sĩ Ngô Hải Sơn (Bệnh viện Việt Đức)
Còn bác sĩ Ngô Hải Sơn - cũng từng là một Amser, hiện là bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức - cũng bày tỏ quan điểm: "Không phủ nhận những lợi ích của việc vào đội tuyển, thi quốc gia nhưng tôi không đánh giá cao việc này nếu như đó là hoạt động chính của một trường chuyên".
Bác sĩ Sơn kể thêm: "Khi tôi vào Trường ĐH Y, trường lấy 27 điểm, cao nhất năm đó. Nhiều sinh viên thực sự giỏi không phải đến từ trường chuyên. Và nhóm sinh viên tôi thấy học lớt phớt nhất lại là những học sinh đoạt giải quốc gia được ưu tiên tuyển vào trường".
Không phải học sinh đoạt giải, tuyển thẳng ĐH nào cũng "lớt phớt" nếu họ có chí hướng, đam mê thực sự. Nhưng những gì bác sĩ Ngô Hải Sơn chia sẻ là một thực tế ở nhiều trường ĐH. Đơn cử như ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từng buộc thôi học những học sinh đoạt giải quốc gia được tuyển thẳng. Dù từng có thành tích trong thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nhưng các cựu học sinh chuyên khi vào ĐH bộc lộ những thiếu hụt mà ở nơi "nuôi dưỡng nhân tài" họ không được rèn giũa để đảm bảo yêu cầu tối thiểu ở bậc học cao hơn.
Chỉ chăm sóc học sinh dạng "top"
Một thực tế đáng lo ngại khác, theo TS Trần Nam Dũng, nhiều trường chuyên chỉ tập trung chăm sóc cho những học sinh thuộc dạng "top" - tức là những học sinh sẽ đi thi học sinh giỏi các cấp. Trong khi đó, số học sinh này chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong trường chuyên. Ví dụ như Trường phổ thông Năng khiếu có hơn 1.400 học sinh nhưng hằng năm chỉ có gần 100 học sinh được cử đi tham dự các kỳ thi học sinh giỏi. Ở một số trường, số học sinh còn lại gần như không được định hướng rõ ràng.
Bị "bỏ rơi" trong chính trường chuyên, nếu những học sinh đứng ngoài đội tuyển không có đam mê và chủ động tìm cho mình một hướng đi thì sẽ dễ mất phương hướng. TS Trần Nam Dũng nói những em không đi thi học sinh giỏi không phải là dở. Các em không đi thi là vì cơ chế mỗi đơn vị chỉ được chừng ấy học sinh đi thi mà thôi. Nhưng cách dồn sức cho đội tuyển để có thành tích khiến nhiều học sinh khác mang cảm giác mình ở "bên lề".
"Một trong những điều bất cập của ta hiện nay chính là ta chỉ có một thước đo duy nhất đối với học sinh. Em nào học các môn văn hóa tốt, đi thi học sinh giỏi và đoạt giải thưởng mới được công nhận là giỏi" - ông Trần Nam Dũng nhận xét. Trong khi trên thực tế học sinh có thể giỏi ở nhiều lĩnh vực và xã hội hiện đại cũng cần những người giỏi ở nhiều lĩnh vực khác...
"Bài toán giết rồng"
TS Đặng Trường Minh khi nhớ về thời học chuyên đã kể: "Thầy tôi từng nói đến những bài toán giết rồng để chỉ những bài toán hóc búa, xa rời thực tiễn mà học sinh Việt Nam hay được giao làm. Con rồng thì đâu có thật. Những bài toán rất khó và tốn nhiều công sức nhưng lại không có nhiều hữu ích".
Nhiều cựu học sinh chuyên cũng kể về những "thách thức" khi lao vào học đội tuyển, chuẩn bị cho các kỳ thi với khát vọng giải thưởng. "Cày" để đi thi học sinh giỏi, thi Olympic cũng mang lại thành quả, đó là các tấm huy chương. Nhưng vì thế mà áp lực thành tích đè nặng lên các trường chuyên, lên học sinh trong đội tuyển ở các trường chuyên.
Xin cho con ra khỏi đội tuyển
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thầy P. - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - đề xuất nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để giảm bớt áp lực cho các trường chuyên. Theo thầy, để chạy theo kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, gần 100 trường chuyên trên cả nước phải chịu nhiều tốn kém, lãng phí sức người, sức của, nhưng rốt cuộc mỗi năm chỉ có hơn 100 em được chọn vào đội tuyển đi thi quốc tế. Đó là chưa kể với phụ huynh ở TP.HCM thì nhiều người không mặn mà với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
"Có phụ huynh còn xin cho con họ ra khỏi lớp chuyên để không phải đi thi học sinh giỏi quốc gia với lý do học lớp chuyên quá nặng, con họ không theo nổi. Có người còn nói thẳng học lớp chuyên là học lệch, suốt ngày học luyện thi nên xin cho cháu ra lớp thường" - thầy P. cho biết.
Theo thầy P.: "Nhiều năm đứng lớp dạy bồi dưỡng học sinh giỏi rồi dẫn học trò tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tôi nhận ra không chỉ phụ huynh, học sinh không mặn mà với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mà ngay cả giáo viên, nhà trường cũng rất "ngán".
Nguyên nhân vì quá áp lực và không đạt được hiệu quả tương xứng với công sức, thời gian mà cả thầy và trò bỏ ra. Tuy vậy, các trường chuyên vẫn phải cử học sinh tham gia kỳ thi này đầy đủ, đúng quy định vì nó là một kỳ thi "mang tính pháp lệnh", không tham gia không được".
Còn TS Trần Nam Dũng nêu ý kiến: "Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nên đổi tên và giao cho các hội, đoàn tổ chức như một sân chơi dành cho học sinh. Ai thích thì tham gia, ai không thích thì thôi.
Chúng ta nên học tập mô hình của các cuộc thi Olympic trên thế giới: vòng 1 là vòng thi dành cho mọi đối tượng, ai thích thì cứ đóng phí dự thi. Vòng 2 mới là vòng ban tổ chức mời các học sinh có năng lực thực sự, đạt điểm cao ở vòng 1 đi thi tiếp. Hình thức thi cũng cần đa dạng hóa như thi trắc nghiệm, thi trực tuyến, thi theo nhóm, thi dưới dạng dự án…
Kết quả của kỳ thi này cũng không đưa vào tiêu chí đánh giá các trường chuyên".
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương (chủ tịch hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, người nhiều năm dẫn dắt học sinh dự thi Olympic quốc tế):
Thay đổi quan điểm về thi
Các nước họ đưa học sinh đến các kỳ thi Olympic giống như dự ngày hội của những người thông minh. Đó chỉ là cơ hội giao lưu, học hỏi, khích lệ các học sinh có năng khiếu nỗ lực theo đuổi đam mê. Giải thưởng không phải mục tiêu quan trọng số 1 của họ. Chính vì thế, nhiều nước cũng có hệ thống trường chuyên nhưng họ không chỉ chú tâm luyện đội tuyển đi thi như chúng ta.
Chúng ta không phải hủy bỏ "việc thi" mà chỉ cần thay đổi quan điểm về nó. Nếu quan niệm trường chuyên chủ yếu lo cho đội tuyển đi thi có giải thì sẽ làm thui chột khả năng riêng của mỗi học sinh. Những học sinh ưu tú của trường chuyên đi thi quốc tế có giải cũng chưa phải những người có kiến thức chuyên sâu như một nhà khoa học, mà chỉ là những học sinh nắm kiến thức cơ bản vững vàng và khéo léo trong vận dụng.
Chỉ tập hợp những học sinh trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi trong và ngoài nước cũng chưa phải nuôi dưỡng nhân tài, mà điều quan trọng là đưa ra các thách thức để học sinh biết cách vượt qua, truyền cho học sinh sự đam mê và theo đuổi đến cùng đam mê đó.
TS Đặng Trường Minh (nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm miễn dịch học và độc tố học, chuyên thử nghiệm các sản phẩm dược phẩm ở Hamburg, Đức):
Học sinh Đức không quá quan trọng có giải
Ở Đức, học sinh vẫn tham dự các kỳ thi. Nhưng các bạn ấy chỉ tập trung ôn tập khoảng vài tuần vì bản thân họ đã thu nạp kiến thức từ trong quá trình học tập. Và họ không quá quan trọng chuyện đi thi phải có giải. Còn học sinh Việt Nam, do chuyên tâm ôn luyện nên trong các kỳ thi quốc tế thường có giải cao. Nhưng việc dồn tất cả thời gian, sức lực vào để có giải thì không nên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận