Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tuổi Trẻ xin được trích đăng:
* Ông Lê Như Tiến - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội:
Môi trường đào tạo tinh hoa đúng nghĩa
Theo tôi, mỗi tỉnh vẫn nên có một trường chuyên. Nhưng phải xác định rõ đường nét để trường chuyên thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa. Nếu bỏ trường chuyên thì môi trường giáo dục khó có thể đào tạo đội ngũ tinh hoa để làm mũi nhọn, làm lực lượng nòng cốt của đất nước.
Nhiều người bàn chuyện tư nhân hóa trường chuyên như các mô hình giáo dục xã hội hóa khác. Việc đa dạng hóa mô hình giáo dục cho phụ huynh lựa chọn là cần, nhưng không nên tư nhân hóa trường chuyên. Vì nếu Nhà nước không kiểm soát thì sẽ dễ phát sinh những tiêu cực khó lường.
* GS.TS Nguyễn Đình Đức - trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội:
Không phải nơi đào tạo "gà nòi"
Trường chuyên cần phải rõ triết lý đặt ra. Đó không phải đào tạo "gà nòi" mà là đào tạo những nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, hoài bão. Đây không phải chỉ là nơi bồi dưỡng học sinh để có giải thưởng mà là nơi tạo nguồn cán bộ chủ chốt, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sinh viên tốt nghiệp từ trường chuyên có nhiều em điểm cao nhưng lại gặp các vấn đề như ngoại ngữ không tốt, thiếu các kỹ năng, khó hòa nhập. Muốn đào tạo nhân tài, không phải tập trung "luyện" cho học sinh giỏi một môn để đi thi thố mà trước hết phải đào tạo toàn diện, trong đó chú trọng kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học. Tiếp đến phải có môi trường để khơi dậy, nuôi dưỡng đam mê, khát vọng. Đây là điểm cốt yếu trong việc đào tạo, bồi dưỡng người tài.
* TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Đánh giá lại hệ thống trường chuyên
Tôi vẫn ủng hộ trường chuyên công lập vì hệ thống đó là cần thiết, giúp đào tạo nguồn nhân lực vượt trội, tạo điều kiện cho người có năng khiếu trong từng lĩnh vực phát huy được tố chất của mình, nhất là với những học sinh nghèo. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá về hệ thống trường chuyên trong giai đoạn đã qua để điều chỉnh phù hợp với yêu cầu mới, loại bỏ các tiêu cực như dư luận đã phản ánh để đảm bảo công bằng. Phải chống tiêu cực chứ không nên vì nó có tiêu cực thì xóa bỏ.
* Một chuyên gia giáo dục:
Làm rõ trường chất lượng cao và trường chuyên
Nơi nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài khác với mô hình trường chất lượng cao nên với quy hoạch mỗi tỉnh 1 - 2 trường chuyên là định hướng máy móc. Điều này cũng đặt ra vấn đề đang có sự lẫn lộn giữa quan niệm trường chất lượng cao và trường chuyên.
Trường chất lượng cao và trường chuyên hiện nay đều được mô tả là có đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt, có trang thiết bị như thư viện, phòng thí nghiệm, sân tập thể thao... Nhưng trong khi trường chất lượng cao đầu tư cơ sở vật chất tốt, cung ứng dịch vụ tốt cho người có thể chi trả học phí thì trường chuyên sử dụng ngân sách Nhà nước.
Sự nhập nhằng, không rõ ràng về định hướng này khiến đầu tư lãng phí trong khi không phát huy được những thế mạnh nuôi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Vì thế Bộ GD-ĐT rất cần làm rõ để bên cạnh hệ thống trường chất lượng cao, các mô hình trường chuyên cần được nhìn nhận lại để có hướng phát triển đặc biệt từ khâu tuyển sinh đến đào tạo và cho trường chuyên những cơ chế để đột phá.
Địa phương phải đào tạo nhân tài cho mình
Ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Khi chia sẻ về mô hình trường chuyên nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện đề án, ông Nhân nói: "Khi làm bộ trưởng, tôi giật mình vì nhiều nơi chưa hiểu đúng về mục đích ra đời và tồn tại của trường chuyên. Có địa phương xin giải tán trường chuyên vì nhiều năm không có giải thưởng học sinh giỏi. Vì điều đó, tôi đã chỉ đạo xây dựng đề án với mong muốn đây thực sự là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Trước hết, từng địa phương phải đào tạo nhân tài cho mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận