21/12/2023 11:03 GMT+7

Trường cho học sinh chấm điểm bữa ăn bán trú: Rất ngon, ngon, không ngon, dở tệ

MỸ DUNG
và 1 tác giả khác

Nhiều trường đã công khai thực đơn bán trú, để phụ huynh tham quan bếp ăn và cùng ăn cơm với con, hàng tháng cho học sinh đánh giá chất lượng bữa ăn bán trú...

Phụ huynh tham quan và ăn chung với học sinh bán trú Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) trong giờ ăn trưa ngày 19-12 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phụ huynh tham quan và ăn chung với học sinh bán trú Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) trong giờ ăn trưa ngày 19-12 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ lùm xùm quanh bữa ăn bán trú, kiểm soát bữa ăn bán trú để an toàn và đạt dinh dưỡng trở thành vấn đề cấp thiết.

Bằng nhiều cách khác nhau, nhiều trường học tại TP.HCM đã giúp phụ huynh yên tâm hơn về bữa ăn bán trú.

Học sinh đánh giá chất lượng bữa ăn bán trú

Năm học này, Trường THCS Minh Đức (quận 1) đang xây dựng cơ sở mới. Không cung cấp được bữa ăn bán trú bằng bếp ăn của trường, trường này thực hiện việc cung cấp bằng bếp ăn công nghiệp.

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, để kiểm soát bữa ăn bán trú của học sinh, Trường THCS Minh Đức đã công khai thực đơn bán trú, tổ chức để phụ huynh tham quan bếp ăn công nghiệp cũng như cùng ăn cơm với con tại trường.

Ngoài ra trường còn thực hiện việc kiểm tra bếp ăn công nghiệp thường xuyên, định kỳ cùng với phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh, công khai thực đơn và cứ mỗi tháng một lần cho chính học sinh đánh giá chất lượng bữa ăn trong thực đơn một tháng.

Trường đưa ra mức đánh giá cho tất cả các món gồm bốn mức: rất ngon, ngon, không ngon, dở tệ. Sau đó trường sẽ phân tích các dữ liệu này và yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh.

"Việc để học sinh đánh giá suất ăn được trường thực hiện từ mấy năm nay, ngay cả khi học sinh ăn cơm từ bếp trường nấu. Năm nay, khi chuyển sang suất ăn công nghiệp, việc lấy ý kiến của học sinh như thế này giúp nhà trường và phụ huynh có cơ sở chính xác hơn để làm việc với đơn vị cung cấp suất ăn" - bà Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường Minh Đức, cho biết.

Cũng theo những đánh giá của học sinh và sự góp ý của phụ huynh, bữa cơm bán trú từ bếp ăn công nghiệp ở trường này từ đầu năm đến nay đã có nhiều điều chỉnh. Trong đó có việc công ty cung cấp suất ăn thay đổi cả đầu bếp nấu. Tại trường này, bất cứ phụ huynh nào cũng có thể vào ăn cơm cùng con, chỉ cần họ đăng ký trước để trường báo suất ăn đến đơn vị cung cấp.

"Bất cứ phụ huynh nào cũng có thể đăng ký ăn cùng con, đi đến bếp ăn để xem xét việc tiếp nhận thực phẩm và làm công tác chế biến, không cần phải theo đoàn của trường... Chúng tôi muốn có sự công khai, minh bạch, dân chủ để học sinh có bữa ăn bán trú an toàn, chất lượng" - bà An thông tin.

Giám sát bằng hình ảnh và kiểm tra đột xuất

Sau việc tủ đông của bếp ăn công nghiệp cung cấp bữa ăn cho Trường tiểu học Phú Hữu bị phụ huynh phát hiện có chứa chân gà ôi thiu, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức có thêm nhiều biện pháp để giám sát bữa ăn học đường từ cấp TP.

Cơ quan này yêu cầu nhà trường tổ chức các đoàn kiểm tra (có phụ huynh tham gia) các khâu thực hiện bếp ăn bán trú, công khai thực đơn bán trú, thực hiện đúng vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thủ Đức còn yêu cầu trường gửi hình ảnh món ăn bán trú hằng ngày về Phòng GD-ĐT trước 11h mỗi ngày và Phòng GD-ĐT sẽ kiểm tra đột xuất việc thực hiện thực đơn bán trú của các trường có như báo cáo và hình ảnh gửi về hay không.

Bên cạnh đó, Thủ Đức cũng có một ban liên ngành gồm các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tất cả bếp ăn ở trường và bếp ăn công nghiệp có cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh về tất cả các khâu.

"Trước đây các trường đã gửi hình ảnh bữa ăn bán trú về cho ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng Phòng GD-ĐT muốn các trường gửi cho các group phụ huynh và về phòng để phụ huynh nắm và phòng thuận tiện quản lý kiểm tra đối chiếu" - ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng GD-ĐT Thủ Đức, chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyên, việc yêu cầu các trường gửi hình ảnh về cho phòng để kiểm soát bữa ăn bán trú là một trong nhiều cách để hiệu trưởng, lãnh đạo các trường coi việc thực hiện bữa ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng trong trường. Từ đó, các trường sẽ không lơ là và kiểm soát tốt bữa ăn bán trú.

"Qua thời gian thực hiện công tác này, Phòng GD-ĐT thấy việc kiểm soát bữa ăn được thực hiện nghiêm chỉnh", ông Nguyên cho hay.

Bạn đọc ủng hộ nhân rộng lắp camera giám sát bữa ăn bán trú

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ việc lắp camera để giám sát bữa ăn bán trú và cần nhân rộng ra nhiều trường. Bạn đọc Minh Trần đề nghị Bộ GD-ĐT bắt buộc tất cả các cơ sở có phục vụ bữa ăn đều phải lắp camera tại khu vực nhà ăn và chia sẻ với phụ huynh.

Cùng quan điểm, bạn đọc Hữu Thọ bày tỏ: "Phải để Bộ GD-ĐT triển khai trên toàn quốc thì mới xử lý hết được vấn đề nhằm tránh trường hợp chỗ nào bị phát hiện thì xử chỗ đó, còn những nơi khác vi phạm mà vẫn chưa lộ thì chưa xử hết".

Theo bạn đọc Sơn, việc lắp camera tại tất cả nhà ăn và bếp ăn trên toàn trường khắp cả nước còn nhằm giám sát việc đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh.

Bởi như bạn đọc Thanh lý giải: "Tại các trường không có bếp ăn bán trú phải hợp đồng với các công ty bên ngoài nên rất khó để kiểm soát chất lượng. Các công ty có đầy đủ giấy tờ để được cấp phép cung cấp thức ăn cho nhà trường nhưng như thế vẫn chưa đủ. Công ty luôn cần lợi nhuận tối đa, rồi chi hoa hồng các kiểu... thì chuyện tiêu cực, bớt xén rất dễ xảy ra".

Còn bạn đọc có nickname Tắc kè kiến nghị: "Tất cả các tỉnh thành trong cả nước phải bắt buộc lắp camera giám sát tất cả các trường học có tổ chức ăn bán trú, công khai mật khẩu cho toàn thể phụ huynh, các nhà quản lý cùng được giám sát.

Sự việc cắt xén thức ăn của trẻ không phải bây giờ mới có mà nó đã tồn tại từ lâu. Với cơ chế quản lý hiệu trưởng toàn quyền như hiện tại không thể xóa được nạn cắt xén thức ăn của học sinh, vì thế cần có bên thứ hai giám sát độc lập".

Bạn đọc Ba Phi đề nghị: "Hội phụ huynh được phép kiểm tra bữa ăn, không cần phải báo trước".

Vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì chan cơm: Tiền trợ cấp sách vở mỗi thầy nói một kiểu?Vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì chan cơm: Tiền trợ cấp sách vở mỗi thầy nói một kiểu?

Sau phản ánh suất ăn bán trú không đủ định lượng, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, Lào Cai) lại tiếp tục vướng nghi vấn “mập mờ” trong việc chi trả khoản trợ cấp mua sách vở hằng tháng của học sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp