Anh cho biết ý tưởng xây dựng ngày dành riêng cho đàn ông không phải để tôn vinh phái này, mà để họ hiểu được vị trí, vai trò của mình trong xã hội, giúp họ ý thức được trách nhiệm của cá nhân, từ đó góp phần tạo nên bình đẳng giới.
Tuổi Trẻ Online trao đổi với anh về ý tưởng này.
Nhà báo Trương Anh Ngọc - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Anh chia sẻ việc dành riêng một ngày cho nam giới là góp phần bình đẳng giới. Anh có thể giải thích cụ thể hơn?
- Nhiều người cho rằng bình đẳng giới chỉ ở phía hành động đối với phụ nữ, như giúp việc nhà, giúp họ thăng tiến nhiều hơn trong xã hội, hoặc nhìn nhận họ một cách khách quan hơn, cởi mở hơn, gạt bỏ các định kiến.
Trên thực tế, bình đẳng giới không phải là điều mà phụ nữ tự làm cho mình, hay người đàn ông chấp nhận "xuống thang", "nhún mình" trước các cuộc đấu tranh đòi bình quyền của nữ giới.
Bình đẳng giới phải xuất phát ở cả hai phía, cùng nhìn nhận được các vấn đề của nhau, tìm cách giải quyết. Việc người đàn ông làm cho phụ nữ tiến bộ hơn cũng chính là giúp cho người đàn ông có trách nhiệm hơn, trở nên văn minh hơn.
Và việc người phụ nữ, kể cả những người đấu tranh nữ quyền, ủng hộ đàn ông trong cuộc sống, bằng cách giúp họ vượt qua các vấn đề thường gặp cũng là điều cần làm.
* Ngay khi anh đưa ra ý kiến này, rất nhiều độc giả nữ phản biện đàn ông các anh đang thống trị thế giới, có nhất thiết phải cần thêm một ngày. Anh thấy sao?
- Đàn ông đâu có thống trị thế giới? Đàn ông chỉ ham hố chinh phục, làm chủ, kiếm tiền và giành giật phụ nữ của nhau (cười).
Thực tế, đàn ông có đầy rắc rối. Xã hội quen nghe chuyện về các vấn đề của phụ nữ mà ít để ý đến nam giới, một phần vì họ là đàn ông, ngại công khai nói ra vấn đề của mình, nên khó giải tỏa hơn phụ nữ, phần khác là bởi xã hội không thực sự chú ý đến những vấn đề ấy.
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy đàn ông chịu nhiều áp lực hơn phụ nữ về nhiều mặt. Khi không vượt qua được, tỉ lệ tự sát của đàn ông cao gấp 3 lần nữ giới, tỉ lệ con trai mới lớn không thể chia sẻ cùng cha mình tâm tư về cuộc sống thường ngày cũng lên tới hơn 50%, rất cao.
Ở Việt Nam, một nước Á Đông, vấn đề cũng không hề đơn giản. Tôi biết, vì những vấn đề về văn hóa, khá nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc giải tỏa những thắc mắc về tâm sinh lý của con trai khi đến tuổi dậy thì.
Một nghiên cứu cho thấy, có tới 40% đàn ông Việt yếu sinh lý, tăng nhiều so với những năm trước. Như thế, đàn ông Việt giờ là phái gì, khi họ đang yếu đi?
Trương Anh Ngọc
Đương nhiên, con số 40% này có thể nhiều hơn hoặc ít hơn, bởi không phải người nào cũng thừa nhận vấn đề của mình. Còn nhiều áp lực nữa đặt lên vai họ, từ những tư tưởng lạc hậu đè nặng, chẳng hạn như gia đình đòi đẻ con trai, áp lực kiếm tiền nuôi gia đình, trở thành một lãnh đạo thành công trước sóng gió thương trường.
Nhiều người cho rằng phụ nữ khổ hơn đàn ông. Thực ra, sinh ra là đàn ông chưa chắc đã sướng.
Cũng phải đề cập đến các vấn đề của các bé trai nữa, không chỉ riêng đàn ông nói chung.
Nguy cơ tác động đến các bé trai của chúng ta bây giờ cũng không ít hơn nguy cơ với bé gái: xâm hại tình dục, thiếu giáo dục một cách nghiêm túc từ gia đình và nhà trường về sinh lý ở tuổi dậy thì, cũng như thiếu hẳn công tác tâm lý về vấn đề ngoài trường và ngoài xã hội.
* Tôi nghĩ việc gán cho đàn ông là phái mạnh có căn cứ dựa trên những phân tích khoa học về mặt sinh học. Có khi nào việc này tạo cho đàn ông ảo tưởng sức mạnh, hoặc khiến họ cảm thấy phải mang vác những gánh nặng về giới?
- Trên thực tế, đàn ông luôn cho họ là phái mạnh. Đấy không phải là ảo tưởng, mà thực sự là như thế từ trước đến nay, mạnh thực sự về thể lực, về tinh thần, về nghị lực và bản lĩnh.
Sức mạnh ấy đang bị thách thức vì rất nhiều vấn đề mà trong đó, chính người đàn ông góp phần tạo ra.
Đàn ông không mạnh như họ nghĩ nữa, họ yếu đi nhiều rồi. Chỉ có điều họ không chịu thừa nhận mà thôi. Bản thân tôi cũng có một vài vấn đề cá nhân.
Trương Anh Ngọc
Nữ giới bây giờ đã làm được nhiều việc trước kia được cho là chỉ của đàn ông, trong khi bản thân người đàn ông lại đang rơi vào các khủng hoảng lớn liên quan đến tình trạng sức khỏe, tâm sinh lý.
Ở nhiều nước, người ta đang đặt ra các câu hỏi về việc đàn ông đang đánh mất đi hình ảnh lý tưởng của mình, chẳng hạn về vai trò đối với gia đình, với xã hội.
Nhưng câu chuyện luôn được nhắc đến chính là nam tính bị mai một và đe dọa bởi các yếu tố về môi trường và xã hội, hoặc sự biến chuyển giới tính, với sự thừa nhận giới tính thứ ba.
Nhà báo Trương Anh Ngọc đang công tác tại Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Anh đã viết 3 cuốn sách "Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" (2012), "Phút 90++" (2013), "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu" (2017) - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Anh có cảm thấy ngày càng có nhiều than phiền của phụ nữ về đàn ông Việt Nam?
- Họ than phiền rất nhiều. Những bài viết chỉ trích thói nhậu nhẹt của đàn ông, cũng như sự gia trưởng và không chịu chia sẻ việc nhà mà tôi viết luôn có tỉ lệ chia sẻ từ người đọc là nữ giới cao từ 4-5 lần so với nam giới.
Nhiều người tag chồng, bạn trai hoặc bạn gái cùng cảnh ngộ với họ vào. Họ than phiền là người đàn ông của họ chăm nhậu nhẹt hơn chăm việc gia đình, đổ hết việc gia đình hoặc chăm con là cho vợ.
Họ than phiền rằng chồng họ hoặc người yêu họ lười tập luyện thể thao và rất gia trưởng.
Nhưng tôi luôn cho rằng, nếu người đàn ông của họ như thế thì một phần lỗi là của chính những người phụ nữ. Sự thay đổi sẽ diễn ra chừng nào chính những người phụ nữ ấy muốn thay đổi.
* Điểm mạnh, yếu của đàn ông Việt Nam, theo anh?
- Họ chăm chỉ, cần cù, và giỏi chém gió. Nhưng tôi thấy nhiều người cũng giỏi nhậu, lười chơi thể thao, thiếu tự lập dù đã lớn và gia trưởng.
Họ là nòng cốt của các gia đình, và có một phần nhiệm vụ gánh vác gia đình, nên họ phải thật mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ ấy cần có được sự hỗ trợ từ người phụ nữ của họ.
* Đàn ông Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn gì mà họ không thể nói ra?
- Với một đất nước đang già đi và đến năm 2050 sẽ thiếu từ 2,3 đến 4 triệu phụ nữ, tức là mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính do tình trạng ham đẻ con trai, người đàn ông rõ ràng là đang đối mặt với không ít rắc rối.
Nhưng rắc rối lớn nhất lại đến từ chính họ, khi họ không biết, hoặc phớt lờ những vấn đề nghiêm trọng mà họ đang đối mặt, như các vấn đề về sức khỏe và sinh lý suy giảm vì môi trường ô nhiễm, và vì sinh hoạt không lành mạnh, hoặc lao lực quá nhiều.
Việc cho mình là đàn ông thì không được phàn nàn, ca cẩm, kêu ca quá nhiều như đàn bà càng khiến đàn ông khó chia sẻ. Nhiều khi, để giảm bớt áp lực hoặc đối phó với trầm cảm, họ tìm sai đối tượng để trút bỏ. Đấy là khi họ tìm đến rượu hoặc chất kích thích.
Trương Anh Ngọc
Thế nên tôi nghĩ rằng, việc có một ngày đàn ông, rộng hơn, là ngày đàn ông và bé trai vào ngày 19-11, là cơ hội để xã hội nhìn nhận và đánh giá được về các vấn đề của đàn ông Việt.
Cái chất của người đàn ông Việt trong hoàn cảnh hiện tại cũng nên được bàn luận, để giúp họ sống tốt hơn, khỏe hơn, văn minh và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mục tiêu của Ngày Quốc tế nam giới 19-11 là nhằm tập trung vào sức khỏe của nam giới, cải thiện quan hệ về giới, thúc đẩy bình đẳng giới và nêu bật các hình mẫu nam giới tích cực.
Đây là dịp để đàn ông chúc mừng thành tựu và đóng góp của họ cho cộng đồng, gia đình, hôn nhân và chăm sóc con trẻ, đồng thời nêu ra những vấn đề phân biệt đối xử mà đàn ông phải gánh chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận