Toàn đội Thể Công trong chuyến du đấu tại Trung Quốc vào năm 1974 - Ảnh Tư liệu Vũ Mạnh Hải
Thú vị thay khi hai trận thắng vang dội ấy cùng khép lại với tỉ số 4-1 cho bóng đá VN: Bát Nhất thua Thể Công 1-4, tuyển TP.HCM quật ngã Thiên Tân 4-1.
*Trận đấu "để đời" của Thể Công
Cuối hè 1974, sau khi đoạt chức vô địch giải bóng đá miền Bắc, Thể Công được chỉ định sang thăm và thi đấu giao hữu một tháng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa.
Đội bóng của ta đã có 11 trận với 8 thắng, 2 hòa và trận thua duy nhất trước Thượng Hải 0-1, trong đó đáng nói nhất là trận thắng đầy thuyết phục 4-1 trước Bát Nhất trên sân vận động Bắc Kinh.
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải kể lại với Tuổi Trẻ về trận đấu này: "Khi ấy, Bát Nhất xếp thứ ba giải vô địch bóng đá Trung Quốc, trong thành phần có 4-5 tuyển thủ và vừa đi tập huấn một tháng ở châu Âu về.
Trong một buổi tập của Thể Công trước trận giao hữu, toàn đội Bát Nhất có đến xem. Nhưng họ sớm rời sân khi thấy chúng tôi tập luyện không mấy bài bản, chủ yếu là rộn tiếng cười đùa, còn trang phục thì không thật bắt mắt.
Cầu thủ Bát Nhất có kỹ thuật cá nhân khéo léo, cao, to và khỏe khoắn. Đó là thông tin mà sứ quán VN cung cấp, ngoài ra lãnh đạo Thể Công không thể tìm hiểu được gì thêm.
Khi đến chào xã giao đội khách thì ngay cả những chuyên gia thể thao của bạn, từng sang làm việc với Thể Công và khá thân với lãnh đạo CLB như Phạm Tất Thắng, Ngô Xuân Quýnh đều tảng lờ, chuyển sang đề tài khác khi được ướm lời tìm hiểu về Bát Nhất.
Ra sân, toàn đội choáng ngợp khi lọt thỏm giữa sân bóng ken kín 100.000 người. Cảm giác tiếp theo là chiều cao vượt trội của cầu thủ bạn. Và tự nhủ rằng khó có thể đòi lại món nợ từng thua họ 1-3 trên sân Hàng Đẫy một năm về trước. Hội ý nhanh trước trận, chúng tôi cùng nhắc nhở nhau "chiến thuật" vốn đã nằm lòng: nhanh-khỏe- ngắn mạnh-thọc sâu, và phải luôn áp sát.
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải - Ảnh: S.H.
Sau khi xuống sân bắt tay, động viên hai đội, hai khách VIP là cố Thủ tướng Đặng Tiểu Bình và cố Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh chưa kịp trở lại chỗ ngồi thì sân bóng đã rền vang tiếng hò reo với bàn mở tỉ số của Thái Nguyên Bền.
Ít phút sau, Bát Nhất gỡ 1-1 và ép sân liên tục. Thủ môn Trần Văn Khánh vững vàng giữa hai trụ thành, cứu nhiều bàn thua trông thấy.
Đó là động lực giúp cho cả đội hưng phấn trước lúc Thế Anh, Nguyễn Bính và Phan Văn Mỵ ghi bàn 4-1 cho Thể Công. Một kết quả không thể tin được. Và cũng là một trong rất ít những trận cầu "để đời" với Thể Công.
Tan trận, cay cú vì đội nhà thảm bại, cộng với việc bị các anti-fan chọc quê, cổ động viên Bát Nhất bèn bẻ gãy ghế gỗ trên khán đài ném xuống sân, đánh nhau loạn xạ.
Ngại điều không hay xảy ra, lực lượng bảo vệ đưa toàn đội Thể Công vào phòng riêng. Hai giờ sau, chúng tôi mới ra xe về khách sạn, và không khỏi ngỡ ngàng, phấn khích khi được hàng ngàn khán giả Bắc Kinh nán lại tung hô, chúc mừng.
Chưa hết, vừa về đến khách sạn quốc tế nơi đội tạm ngụ, chúng tôi lại ngỡ ngàng lần nữa khi được rất đông khách du lịch châu Âu, châu Phi tràn ngập ở sảnh để chúc mừng chiến thắng mà họ xem qua truyền hình trực tiếp.
Giây lát sau, cả đội đón tiếp đoàn cán bộ sứ quán VN ở Bắc Kinh đến úy lạo, tặng thưởng, tặng quà. Lần đầu trong đời cầu thủ, chúng tôi mới có dịp thưởng thức hương vị lạ lẫm của nước uống trái cây có gas đóng trong hộp".
Trò chuyện cùng nhau qua bữa ăn tối, anh em cùng chung nhận định: "Cầu thủ Bát Nhất nói riêng và Trung Quốc nói chung đều có kỹ thuật cá nhân cơ bản, to khỏe nhưng luôn chơi với thứ bóng đá rất công thức, thiếu linh hoạt sáng tạo, do vậy rất dễ cho đối phương bắt bài vì tính sáo mòn. Cho tới bây giờ, công thức ấy vẫn không thay đổi nhiều với đội tuyển Trung Quốc. Chính vì vậy mà dù được đầu tư rất nhiều, nhưng họ chỉ mới một lần có mặt ở vòng chung kết World Cup 2022…".
*Khó khăn đủ thứ nhưng đá "bốc" trước Thiên Tân
Hai năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Tổng cục TDTT giao cho Sở TDTT thành phố thành lập đội tuyển bóng đá TP.HCM đá giao hữu với tuyển thành phố Thiên Tân (Trung Quốc).
Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang - Ảnh: S.H.
Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang (SN 1943), Võ Thành Sơn và Lưu Kim Hoàng kể lại: "Đội tuyển TP.HCM được thành lập và dìu dắt bởi HLV Nguyễn Minh Cảnh và trợ lý HLV kiêm cầu thủ Tam Lang.
Thành phần được quy tụ nhiều danh thủ từng khoác áo đội tuyển miền Nam VN tham dự SEA Gammes, Merdeka như: Võ Thành Sơn, Nguyễn Thành Công, Đỗ Cẩu, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Văn Ngôn, Tư Lê, Hồ Thanh Cang, Võ Văn Biển, Lưu Kim Hoàng, Lê Đình Thăng …
Ngỡ ngàng là tâm trạng chung của cầu thủ khi được tín nhiệm, gọi tập trung chơi trận cầu quốc tế đầu tiên trên sân Thống Nhất khi đất liền một dải.
Anh em luôn dặn nhau cố gắng chơi hết mình và không để thua. Chúng tôi đã chơi một trận thật bốc, chạy không biết mệt khắp sân khiến cho cầu thủ Thiên Tân dù cao to, kỹ thuật cá nhân khéo léo nhưng luôn vất vả chống trả những pha bóng sệt, bật tường ăn ý vốn là "đặc sản" của bóng đá miền Nam VN.
Hồi tưởng lại chiến thắng 4-1 trước Thiên Tân (Hồ Thanh Cang mở tỉ số và ghi bàn cuối cùng, hai bàn còn lại thuộc về Nguyễn Thành Công - hiện định cư ở Pháp), cựu danh thủ Hồ Thanh Cang nói: "Ngày ấy, đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế. Anh em cầu thủ thiếu thốn đủ thứ, nhưng không hiểu sao người nào cũng sung mãn thể lực, chơi bóng không biết mệt.
Hơn 20.000 khán giả thật sự ngất ngây với từng pha phối hợp, làm bàn của đội TP.HCM. Họ không ngớt reo hò, vỗ tay tán thưởng nhiệt tình. Có lẽ đó chính là động lực giúp chúng tôi càng chơi càng hưng phấn. Không giao tiếp nhiều cùng nhau, nhưng nhiều cầu thủ đội bạn đưa ngón tay cái ngụ ý thán phục chúng tôi khi trận đấu kết thúc.
Bóng đá mỗi thời mỗi khác. Mọi so sánh đều khập khiễng. Với tư cách là người đi trước, tôi cầu chúc các tuyển thủ VN sẽ có trận cầu "trên cả tuyệt vời", làm hài lòng người hâm mộ khi đối đầu với đội tuyển Trung Quốc trong ngày Tết cổ truyền. Hy vọng sẽ nhận được niềm vui từ thầy trò HLV Park Hang Seo…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận