07/05/2021 08:23 GMT+7

Trước quyết đoán của Nga, Mỹ càng ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Ukraine

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Ukraine ngày 6-5 có thể là bước thăm dò quan trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề Ukraine và Nga.

Trước quyết đoán của Nga, Mỹ càng ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelenskiy (trái) chào đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp ngày 6-5 tại Kiev, Ukraine- Ảnh: Reuters

"Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken nhằm tái nhấn mạnh sự ủng hộ nhất quán của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, trước sự quyết đoán của Nga hiện nay".

Ông Ned Price (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ)

Trong một ngày làm việc duy nhất tại Ukraine, ông Blinken đưa ra hai thông điệp chính: ủng hộ Kiev trong các diễn biến căng thẳng ở biên giới Ukraine - Nga gần đây và kêu gọi chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hành động trong vấn đề chống tham nhũng tại nước này.

Quản lý căng thẳng Nga - Ukraine

Trước khi tới Ukraine, ông Blinken đã dự xong cuộc họp ngoại trưởng các nước G7 ở London (Anh). Tại cuộc họp đó, G7 cáo buộc Nga đang hủy hoại nền dân chủ Ukraine và đe dọa nước này thông qua các động thái quân sự, hoạt động trên không gian mạng và tung tin sai lệch.

Mỹ đã là đồng minh quan trọng của Ukraine từ năm 2014, thời điểm mối quan hệ giữa Ukraine và Nga lao dốc sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Vài tuần gần đây, Nga được cho là đã triển khai 100.000 lính tới sát khu vực biên giới phía bắc và đông với Ukraine.

Hôm 23-4, Nga tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine, động thái phần nào xoa dịu căng thẳng cho cả Kiev lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, theo TS Yuval Weber - chuyên gia về Nga và khu vực Á - Âu tại Viện Kennan (Trung tâm Wilson, Washington), việc điều quân gần đây của Nga nhằm gửi thông điệp tới chính quyền mới của ông Joe Biden, cho thấy Matxcơva sẽ tiếp tục là mối lo ngại của Ukraine.

Phân tích với Hãng tin AFP, ông Weber lưu ý hiện Nga vẫn để lại thiết bị quân sự ở khu vực biên giới, một động thái giống như những gì Matxcơva đã làm trước cuộc chiến với Georgia (Gruzia) năm 2008.

Vì vậy, theo ông Weber, Nga đã "phát đi tín hiệu họ có khả năng làm được điều gì đó trong tương lai". "Việc triển khai lính đã được bình thường hóa ở mức độ nào đó, vì vậy lần sau việc xuất hiện một đợt điều động nữa cũng sẽ càng ít bất ngờ" - ông Weber nói.

Căng thẳng biên giới đã khiến Ukraine thúc giục Mỹ và các nước châu Âu đẩy nhanh các thương thuyết về việc cho phép Kiev gia nhập liên minh quân sự NATO. Trước chuyến thăm của ông Blinken, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Yevhenii Yenin nói Ukraine xem cuộc gặp gỡ này là tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ với Ukraine trong việc ứng phó với Nga.

Chờ đợi cuộc gặp Biden - Putin

Dù vậy, khả năng Ukraine gia nhập NATO lúc này không lớn. Và có thể nói chuyến công du mới nhất của ông Blinken tới Ukraine chỉ là động tác "dọn đường" cho những diễn biến đáng chờ đợi hơn vào tháng 6.

Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Blinken cũng thúc giục chính quyền Kiev cải cách thể chế và thực thi các biện pháp chống tham nhũng.

Vấn đề này liên quan tới việc Ukraine hồi cuối tháng 4 đã sa thải tổng giám đốc tập đoàn năng lượng quốc gia Naftogaz, ông Andriy Kobolyev - một động thái khiến cả Mỹ và Liên minh châu Âu bày tỏ quan ngại.

Kobolyev là người được phương Tây ủng hộ và mô tả như một nhân vật then chốt trong công cuộc cải cách năng lượng của Ukraine. Vị giám đốc kín tiếng này cũng xuất hiện trong câu chuyện lùm xùm quanh mối liên hệ giữa cựu tổng thống Donald Trump với chính quyền của ông Zelensky.

Ông Andriy Kobolyev cũng liên quan các nghi án xung quanh cuộc điều tra nhằm vào cha con Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như các hoạt động của ông Rudy Giuliani - luật sư riêng của ông Trump.

Tựu trung, quan hệ giữa chính quyền ông Biden và Ukraine là điều được giới quan sát chú ý vì những vấn đề vừa nêu.

Khúc mắc giữa Mỹ và chính quyền ông Zelensky, bao gồm vấn đề cải cách và năng lượng, đóng vai trò quan trọng cho bức tranh lớn hơn của mối quan hệ ba bên giữa Mỹ, Ukraine và Nga.

Hồi tháng 4, ông Zelensky kêu gọi NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đen để ngăn chặn Nga, nhấn mạnh mong muốn gia nhập NATO. Lúc ấy ông Zelensky phát biểu: "Chúng tôi cam kết cải cách quân đội và quốc phòng, nhưng cải cách thôi thì không đủ để ngăn cản Nga. NATO là cách duy nhất chấm dứt cuộc chiến ở Donbass".

Nhưng hiện nay, Mỹ cũng như các thành viên NATO tại châu Âu đang cẩn trọng với phản ứng bất lợi có thể đến từ Nga nếu Ukraine gia nhập NATO.

Ông Blinken lần này cũng có lý do để không vội vàng trong vấn đề NATO và Ukraine, nhất là khi Washington cũng đang chuẩn bị cho một cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 6.

Ukraine: Nga rút quân không đủ để giải quyết xung đột giữa 2 nước Ukraine: Nga rút quân không đủ để giải quyết xung đột giữa 2 nước

TTO - Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba ngày 23-4 nói việc Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine giúp xuống thang căng thẳng, nhưng không thể chấm dứt cuộc xung đột hiện nay giữa Kiev và Matxcơva.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp