06/11/2023 06:30 GMT+7

Trước phiên chất vấn ở Quốc hội: Chờ chính sách hiệu quả, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Hôm nay (6-11), Quốc hội sẽ mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 2,5 ngày. Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng cần có giải đáp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mang tính dài hạn.

Nhà ở xã hội Topaz Home ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà ở xã hội Topaz Home ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Hùng, trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, bởi nếu không, mục tiêu cả nhiệm kỳ hay xa hơn sẽ rất áp lực. Những câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khôi phục thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ thực tế hơn và đạt kết quả cụ thể hơn... cần các thành viên Chính phủ giải đáp.

Cả ba trụ cột đều khó khăn

* Ông băn khoăn điều gì nhất về sức khỏe nền kinh tế khi báo cáo Chính phủ chỉ ra quy mô kinh tế không ngừng mở rộng nhưng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn?

- Bức tranh kinh tế hiện nay cho thấy kinh tế Việt Nam đang chịu tác động rất lớn từ bên ngoài do độ mở lớn.

Để hỗ trợ cho nền kinh tế, đã có nhiều chính sách được bàn thảo và ban hành chỉ trong thời gian ngắn. Từ giảm lãi suất, giảm, giãn thuế, giảm chi phí đầu vào, tháo gỡ vướng mắc thể chế... nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng và cần thời gian để đánh giá tính hiệu quả.

Hay với chính sách tiền tệ đã thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất nhưng điều căn bản nhất là doanh nghiệp không có đơn hàng, không có thị trường thì sẽ rất khó tiếp cận tín dụng và đầu tư. Cả ba trụ cột chính là đầu tư, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều khó khăn, nên tôi cho rằng Chính phủ cần phải tìm cách củng cố ba trụ cột này để hồi phục trong thời gian tới.

* Nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền là "lên tivi mà nhận hỗ trợ". Ông có nghĩ vì vậy mà các hỗ trợ chưa đạt kỳ vọng?

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG

- Cần nhìn nhận các chính sách hỗ trợ thời gian qua thể hiện sự nỗ lực rất lớn, nhưng đúng là chưa thực sự phát huy hiệu quả. Như chính sách về nhà ở xã hội và thị trường bất động sản vẫn đang vướng mắc.

Vì vậy, vừa rồi Nhà nước và các cơ quan Chính phủ tập trung lo nhà ở xã hội, có cơ chế cho vay ưu đãi gói 120.000 tỉ đồng, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 đạt được 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất thì chúng ta mới chỉ giải ngân 80 tỉ đồng trên 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Hoặc một loạt dự án bất động sản cũng chưa thể tháo gỡ. Có nguyên nhân là việc khó xác định giá đất, khó xác định tính pháp lý, rồi tâm lý chờ đợi các hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền... Ví dụ tâm lý chờ đợi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... Thực tế cho thấy thể chế chưa thực sự tạo ra sự thông thoáng và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Thêm nữa là việc thực thi ở địa phương, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dù đã nói nhiều nhưng vẫn đang đè nặng. Vì vậy, thời gian tới cần tháo gỡ quyết liệt hơn và giúp cán bộ yên tâm hơn thực thi nhiệm vụ.

Chính sách còn manh mún

* Từ thực tế các gói hỗ trợ, ông có nghĩ cần đánh giá tổng thể những khó khăn trong 2-3 năm tới để thiết kế chính sách "tiếp sức" liền mạch và hiệu quả?

- Đúng là vừa qua các chính sách chúng ta đưa ra thiếu tầm nhìn và manh mún. Như chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) từ kỳ họp trước tôi đã có ý kiến nên kéo dài hết năm 2024 và mở rộng đối tượng.

Chính phủ đang trình và đề xuất thực hiện giảm thuế VAT đến nửa đầu năm 2024, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện đến hết năm 2024 hoặc thậm chí là mở rộng sang năm 2025.

Hay hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng còn những tranh cãi về việc xác định đối tượng nào bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mới hỗ trợ. Bởi các ngành sản xuất kinh doanh đều có tính liên thông với nhau, khi đã bị ảnh hưởng thì ít nhiều đều có tác động.

Rồi với thuế thu nhập cá nhân, quy định đã lạc hậu. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định khoản thuế này chỉ góp phần nhỏ trong thu ngân sách, cần phải thay đổi chính sách này, nhưng hiện vẫn chưa có lộ trình cụ thể về đề xuất sửa đổi.

Tôi đồng tình với việc cần có chiến lược dài hơi hơn trong chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có chiến lược và hoạch định kế hoạch kinh doanh, mạnh dạn đầu tư. Thực tế cho thấy đầu tư của nước ngoài tương đối ổn định, đầu tư nhà nước đang được đẩy mạnh đặc biệt đầu tư công và các dự án hạ tầng. Riêng đầu tư tư nhân đi xuống và giảm rất sâu nên cần có chính sách kịp thời hỗ trợ đầu tư tư nhân. Do đó, việc chúng ta hỗ trợ tổng thể, toàn diện sẽ giúp cho tính liên thông các ngành kinh tế tốt hơn để phục hồi đồng bộ.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

* Theo ông, các giải pháp cần tập trung thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững là gì?

- Cần xây dựng được khung pháp lý với chủ trương thống nhất ra khung hành động mạnh mẽ để triển khai. Ta đã có cơ chế đặc thù TP.HCM thì cần tận dụng để tập trung các ngành đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao; hay tới đây sửa đổi Luật Thủ đô, cần đưa vào nội dung để hiện thực hóa mục tiêu Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ như nghị quyết của trung ương.

Nhà nước cần phát huy vai trò thu hút, tạo vốn mồi trong điều kiện nguồn lực hạn chế; sử dụng hiệu quả hơn quỹ khoa học công nghệ. Các tập đoàn, tổng công ty cần phát huy nguồn lực khoa học công nghệ hiện có.

Gắn với đó là việc huy động hiệu quả nguồn lực từ các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Vừa qua, Samsung đã xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội, thu hút 20.000 nhân lực là rất tích cực.

Thâm Quyến (Trung Quốc) có điều kiện tự nhiên, dân số, diện tích tương tự TP.HCM nhưng GDP của họ gấp bảy lần TP.HCM. Họ có 1.500 vườn ươm công nghệ, mỗi năm cho ra 20.000 phát minh sáng chế.

Chi tiêu khoa học công nghệ của Thâm Quyến bằng 5% GDP, nhưng chúng ta là chưa tới 1%. Có thể nhìn vào Thâm Quyến để xác định đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ chính là chìa khóa quan trọng để thay đổi năng suất lao động, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Không thể phụ thuộc mãi vào nhân công giá rẻ

Để tăng trưởng cao và bền vững, không thể phụ thuộc mãi vào nhân công giá rẻ, đất đai, ngành gia công sang các ngành công nghệ cao.

Việt Nam cần chuyển nhanh vào đầu tư cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, khi các động lực tăng trưởng cũ đã tới hạn. Ta có thuận lợi là vừa qua đã nâng cấp đối tác toàn diện với Mỹ, hợp tác với nhiều nền kinh tế hàng đầu, nên việc thúc đẩy các ngành công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn, sẽ có nhiều cơ hội. Việt Nam cũng dự kiến bắt tay một loạt tập đoàn lớn để biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn của thế giới. Đó là hướng đi mới giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, từ đó giúp tăng năng suất lao động và đạt mục tiêu tăng trưởng.

Đại biểu QUẢN MINH CƯỜNG (phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai):

Nhìn lại trách nhiệm trước những lời đã hứa

Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên đây là lúc Quốc hội, cử tri, nhân dân có thể nhìn lại trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành trước những lời đã hứa. Đồng thời, các bộ ngành phải thấy rõ những gì đã hứa trước Quốc hội, trước cử tri, nhân dân thì phải được hoàn thành.

Cá nhân tôi quan tâm đến các vấn đề nóng như giáo dục trong đó không chỉ riêng sách giáo khoa mà cốt lõi là chất lượng dạy học, y tế, tai nạn giao thông... Bên cạnh đó là vấn đề tội phạm có nguyên nhân xã hội. Tội phạm trong gia đình có chiều hướng gia tăng, chưa bao giờ xã hội có sự băng hoại lớn như vậy: con giết cha mẹ, cháu giết ông bà... Điều này cho thấy mâu thuẫn trong gia đình gia tăng. Đây là vấn đề phải tìm ra nguyên nhân mà gốc của nó là vấn đề đạo đức.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):

Sẽ chất vấn liên quan đến thị trường xăng dầu

Tôi sẽ đặt vấn đề chất vấn liên quan đến thị trường xăng dầu, đặc biệt là về quỹ bình ổn giá xăng dầu được giao cho doanh nghiệp quản lý. Bên cạnh đó là tình hình phát triển năng lượng sạch, tình trạng thiếu hụt điện ở miền Bắc trong khi điện gió và điện mặt trời ở miền Nam chưa thể tích hợp vào lưới điện quốc gia.

Tôi hy vọng rằng các thành viên Chính phủ sẽ có sự tập trung, hiểu rõ vấn đề trong ngành của mình, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm và liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân.

Quốc hội bắt đầu chất vấn việc thực hiện những lời hứaQuốc hội bắt đầu chất vấn việc thực hiện những lời hứa

Sáng 6-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp