Ngày 21-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức thông báo về việc dừng nỗ lực tranh cử trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
"Được phục vụ với cương vị tổng thống là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Mặc dù tôi có ý định tái tranh cử, nhưng tôi tin rằng việc tôi dừng tranh cử sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho Đảng Dân chủ và đất nước.
Tôi sẽ chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ tổng thống của mình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ", ông Biden viết.
Quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng của đương kim Tổng thống Joe Biden diễn ra chỉ vài tháng trước khi nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, khiến ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên rút lui khỏi cuộc đua tổng thống sau hơn nửa thế kỷ.
Trong lịch sử chính trị Mỹ, có rất ít tổng thống quyết định không tái tranh cử dù họ đủ điều kiện. Đáng chú ý là Tổng thống Lyndon Johnson và Tổng thống Harry Truman, 2 vị tổng thống quyết định dừng tái tranh cử khi đang trong nhiệm kỳ.
Tổng thống Lyndon Johnson
Ngày 31-3-1968, tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon Johnson tuyên bố sẽ không tái tranh cử trong bối cảnh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đang bùng nổ trên khắp nước Mỹ. Quyết định này được đưa ra chỉ 7 tháng trước cuộc bầu cử.
“Với những người con của Mỹ đang chiến đấu nơi chiến trường xa xôi, với những thách thức ngay trong lòng nước Mỹ, với những khát vọng hòa bình mà nước Mỹ và cả nhân loại đang phải giành giật từng ngày, tôi cho rằng tôi không nên cống hiến thời gian của mình cho bất kỳ điều gì khác ngoài nhiệm kỳ tổng thống tuyệt vời hiện tại.
Vì lẽ đó tôi sẽ không tiếp tục tìm kiếm và không nhận đề cử của Đảng Dân chủ để tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa”, ông Johnson thông báo.
Chính phong trào phản chiến ngày một lan rộng trong lòng nước Mỹ đã khiến tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Johnson liên tục suy giảm.
Đỉnh điểm là ngày 10-3-1968, tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống Johnson tụt xuống chỉ còn khoảng 36%, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Bên cạnh đó sức khỏe cũng là yếu tố khiến ông Johnson không tiếp tục tái tranh cử. Một trong những cựu trợ lý của Tổng thống Johnson là ông George Christian từng tiết lộ với tờ Texas Monthly rằng “lý do rút lui của ông ấy (Tổng thống Johnson) đến từ các vấn đề sức khỏe”.
Năm 1955, ông Johnson bị đau tim. Chia sẻ với tạp chí Atlantic vào năm 1973, một cựu trợ lý khác là Leo Janos kể rằng Tổng thống Johnson từng chia sẻ cha của ông qua đời vào năm 62 tuổi.
Chính vì vậy ông Johnson tin rằng với tiền sử bệnh tim của mình, ông không thể sống thêm 4 năm nữa trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Tổng thống Harry Truman
Trước khi trở thành tổng thống Mỹ vào năm 1945, ông Harry Truman từng giữ vị trí phó tổng thống dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Franklin D. Roosevelt.
Ông Truman trở thành tổng thống Mỹ sau khi ông Roosevelt qua đời vào đầu năm 1945. Kể từ đó, ông Truman đã giữ chức vụ tổng thống Mỹ trong gần 2 nhiệm kỳ, giai đoạn 1945-1953.
Vào thời điểm đó, ông Truman đủ điều kiện để tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 theo Tu chính án 22 Hiến pháp Mỹ. Tu chính án 22 quy định một tổng thống Mỹ không được phục vụ quá hai nhiệm kỳ.
Tuy nhiên Tu chính án 22 được phê chuẩn vào năm 1951, bao gồm một ngoại lệ dành cho tổng thống đương nhiệm lúc đó. Năm 1951 là thời điểm ông Truman đang điều hành nước Mỹ vì vậy ông vẫn có quyền tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 nếu muốn.
Thế nhưng, ngày 29-3-1952, Tổng thống Truman tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo.
“Tôi sẽ không còn là ứng viên tranh cử tổng thống. Tôi đã phục vụ Tổ quốc lâu dài theo cách mà tôi cho là hiệu quả và trung thực. Tôi sẽ không nhận đề cử. Tôi cảm thấy mình không có bổn phận phải dành thêm 4 năm nữa ở Nhà Trắng”, ông Truman tuyên bố.
Giới quan sát quốc tế đưa ra rất nhiều lý do cho quyết định của ông Truman. Theo giáo sư lịch sử Alonzo L. Hamby từ Đại học Ohio, Tổng thống Truman dần mất đi sự tín nhiệm trong nhiệm kỳ thứ 2 sau các bê bối liên quan đến tham nhũng và vấn đề Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận