13/08/2012 02:39 GMT+7

"Trước hết phải viết bằng cảm xúc thật!"

PHẠM SỸ SÁU
PHẠM SỸ SÁU

AT - 1/ Phan Hữu Tiếp (Hộp thư 06 Bưu điện Cái Tắc, Châu Thành “A”, Hậu Giang)

T1wIzksU.jpgPhóng to
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (chụp ở biên giới phía Bắc 2010)
AT - 1/ Phan Hữu Tiếp (Hộp thư 06 Bưu điện Cái Tắc, Châu Thành “A”, Hậu Giang)

* Mấy tuổi thì anh đã bắt đầu làm thơ để trở thành “thi sĩ” đến bây giờ? Anh nói rõ về sự cảm hứng bài thơ đầu ấy: Thiếu nữ... Pháp?

- Tôi bắt đầu làm thơ khi là học sinh đệ lục (lớp bảy bây giờ). Người thầy đầu tiên tạo cho tôi niềm say mê văn học chính là giáo sư Nguyễn Đình Trọng (tức nhà thơ Đông Trình). Tôi nhớ những bài thơ đầu tiên của tôi là loạt 10 bài có tên chung là Viết về chiến tranh, đăng trên nhật báo Da Vàng ở Sài Gòn khoảng đầu năm 1969. Sau mười bài thơ đó, tôi được một thi văn đoàn ở Phan Thiết mời tham gia. Khoảng giữa năm đệ ngũ (lớp tám), tôi cùng một số bạn ở Trường Phan Châu Trinh và Trường Nữ trung học Đà Nẵng (sau là Trường Hồng Đức) thành lập bút nhóm Mây Biển. Bút nhóm hoạt động cũng khá, phát hành được khoảng hai tập thơ và một tập văn bằng đánh máy thì thôi không hoạt động nữa. Tôi cũng có một số bài thơ được đăng trên báo Tuổi Ngọc, Ngàn Thông, Tuổi Hoa. Tôi tích cực tham gia hoạt động báo chí trong nhà trường nên đến năm lớp 11 đã được bầu làm trưởng ban báo chí Trường Phan Châu Trinh và cuối năm còn nhận được phần thưởng của hiệu đoàn trường.

Tháng 8-1974, tôi vào Sài Gòn học đại học khoa học, khoa lý hóa vạn vật (lớp SPCN II). Tháng 7-1977 đi bộ đội và đầu tháng 12-1977 lên chiến trường biên giới Tây Nam (Tây Ninh và Sông Bé) rồi qua Campuchia (CPC) nhiều lần và ở đó cho đến tháng 9-1986 mới về học báo chí ở Trường Sĩ quan chính trị Bắc Ninh. Nếu chiến tranh không gặm nhấm mất một phần trí nhớ của tôi, thì có lẽ tôi sẽ nhớ bài thơ tình đầu tiên tôi viết là gì, nhưng chắc chắn không phải là bài thơ như bạn nêu. Bạn có thể gửi cho tôi bài thơ bạn đang có để tôi tham khảo không?

2/ Phan Thị Ngọc Khảm (lớp 11 văn, THPT chuyên Lương Văn Chánh)

* Câu 1: Chắc hẳn những ngày ở chiến trường đã để lại cho bác nhiều kỷ niệm. Bác có thể kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất và những bài thơ khơi nguồn từ đó?

- Trong hơn bốn mươi năm cầm bút sáng tác, có lẽ thời gian ở lính là tôi viết hăng nhất, cả chất và lượng. Cái lẽ khá đơn giản thôi. Người lính thế hệ tôi hoàn toàn khác người lính Vệ quốc thời chống Pháp và anh Giải phóng quân thời đánh Mỹ. Chúng tôi bước vào chiến trận với tư thế của đội quân từng chiến thắng giặc Mỹ trong hoàn cảnh cả nước hòa bình. Những hi sinh của thời chúng tôi dường như nặng trĩu tuy độ ác liệt có giảm hơn. 12 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở CPC vừa mới đây thôi mà dường như không ai còn nhớ.

Kỷ niệm vì thế thật nhiều và thật đáng nhớ. Nhưng có lẽ nhớ nhất là những lần nằm chờ chết trên trảng dầu bắc sông Tê, Kratie cuối năm 1978 và mấy vụ nổ mìn chống tăng ở mặt trận phía tây huyện

Sisophon, tỉnh Battambang. Tất cả đã đi vào thơ Phạm Sỹ Sáu trong những bài thơ rời, trong trường ca và cả trong ký sự thơ.

* Câu 2: Bác có nhận xét gì về thái độ tiếp nhận văn học viết về kháng chiến của thế hệ trẻ hôm nay. Hãy cho chúng cháu một vài lời khuyên về nhận thức văn chương?

- Khi chưa vào bộ đội, tôi đọc văn học cách mạng với niềm cảm mộ sâu sắc sự hi sinh của anh lính bộ đội Cụ Hồ, nhưng khi đã ở trong đội ngũ tôi từng bước nhận ra dấu chân người lính hẳn là không đẹp và hào hùng như trong trang viết, nó đời hơn và nó thật hơn. Tôi nghĩ, bây giờ có điều kiện, bạn đọc trẻ nên đọc cẩn thận hơn, đọc để nhận chân được giá trị thật của người lính, đừng để những sắc màu tô vẽ không thực làm xấu đi hình ảnh con người - nhất là con người đứng trước một thử thách khốc liệt và nghiệt ngã nhất là chiến tranh.

Có một thời chúng ta tiếp nhận nhiều giá trị thiếu chân thực, bây giờ ta lại ảnh hưởng bởi các “giai điệu” truyền thông, nên theo tôi cách tốt nhất để tiếp nhận văn chương là hãy đọc và đọc thật nhiều, đọc nhiều khuynh hướng, chính thống và không chính thống, may ra bạn mới có một cái nền khả dĩ tiếp nhận được giá trị thật của văn chương. Bạn trước hết phải là mình, là chính mình chứ không thể và càng không phải là… chúng tôi. Bởi cái tâm lý số đông nhiều khi chưa chắc đã đúng.

* Câu 3: Điều gì mà bác tâm đắc nhất ở những vần thơ của mình?

- Chân thật và trung thực. Thế hệ chúng tôi không lên gân, không xài dây cót. Sau giải phóng chúng tôi “máu” như đã “máu” và khi cần “nhận diện” thì cũng nhanh chóng “nhận diện”, bởi thế hệ chúng tôi có may mắn là sinh ra và lớn lên trong điều kiện lịch sử đặc biệt (được sống qua nhiều chế độ Cộng hòa). Chúng tôi không dễ bị lừa và chúng tôi cũng không dễ lừa ai.

3/ Nguyễn Đình Liễu (hộp thư 24, bưu điện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

* Câu 1: Bút danh Ngy Xuân Sơn của anh trước đây có ý nghĩa gì? Tại sao chữ “Ngy” có cách viết lạ vậy?

- Hồi mới xuống Đà Nẵng học trung học, tôi đọc ngấu nghiến những gì mình có, bạn bè có và Bình dân Thư quán (cái quán sách nhỏ chuyên cho thuê truyện ở góc Hùng Vương và Nguyễn Thị Giang) có. Còn con nít nên lấy bút hiệu cho nó kêu rổn rảng. Tiền chiến có Tchya (tôi-chẳng-yêu-ai) Đái Đức Tuấn thì thời mình cũng sẽ có người-con-gái-yêu-trên-đỉnh-mùa-xuân và như thế là có bút hiệu Ngy Xuân Sơn thôi. Cái thời mới tập viết thường viết chẳng được gì nên mới lập ngôn bằng bút danh, bọn tôi vẫn thường bảo nhau là cái thời như-kem-trước-gió. Giờ lớn lên lấy tên thật để cho nó chính danh. Thật ra, nhà văn nhà thơ ăn nhau là tác phẩm, chứ bút danh có hay ho cỡ nào mà sáng tác cứ là là mặt đất thì văn thơ cũng chẳng thể cất cánh được.

* Câu 2: Từ khi rời chiến trường K trở về Việt Nam đến nay, anh có nhiều cơ hội trở lại thăm chiến trường xưa không? Và nếu có thì cảm xúc của anh như thế nào khi trở lại nơi “ác liệt, sặc mùi đạn bom” ấy?

- Tôi chuyển ngành về Hội Nhà văn TP.HCM tháng 11-1988 thì tháng 5 rồi hai tháng 8 và 9-1989, tôi cùng nhà thơ - đạo diễn Văn Lê và đoàn làm phim của Hãng phim Giải phóng qua Tây Bắc CPC thực hiện cuốn phim tài liệu về quân tình nguyện Việt Nam tại CPC. Quân đã rút về gần 25 năm mà cuốn phim kia cũng chưa được dịp phổ biến. Từ cuối năm 1989 đến nay, tôi có nhiều lần trở lại CPC với nhiều tư cách khác nhau, lúc là chuyên viên đi nghiên cứu thị trường, lúc là cựu binh thăm lại chiến trường xưa, lúc làm hướng dẫn viên du lịch và có lúc là nhà văn đi nhận giải Văn học Mêkông lần thứ 2. Dù dưới vị thế nào, mỗi lần trở lại CPC là mỗi lần dâng trào cảm xúc, nó cứ cuộn lên như một điều gì đó khôn nguôi. Cái cảm giác như có ai bên cạnh mình thật ấm và cũng thật lạnh. Cảm xúc ngày càng sâu đậm nên khó viết nên lời. Mong là sẽ có dịp được viết thật cảm xúc của mình, viết mà không bị tự kiểm duyệt. Mong lắm thay.

* Câu 3: Tôi nhớ có một dạo dường như bài thơ Điểm danh đồng đội của anh gây xôn xao dư luận trên báo chí với nhiều ý kiến trái chiều nhau phải không? Lúc đó, anh có được “bình an” không? Cảm xúc của anh như thế nào khi ấy?

- Điểm danh đồng đội là bài thơ được đăng trên báo Văn Nghệ TP.HCM sau chùm thơ được giải nhất của báo Tuổi Trẻ tháng 4-1981, đâu vào khoảng tháng 6-1981 thì phải. Sau khi bài thơ được đăng, báo Quân đội Nhân Dân đã không tiếc lời tặng “mũ” cho tôi, mà cái mũ lớn nhất là “chất ngụy” trong thơ. Lúc đó tôi đang ở phía tây Sisophon, chẳng biết phải nói gì cho mọi người hiểu. Cũng may thời đó cũng bắt đầu “giảm gân”, nên một số nhà văn, nhà thơ và cả nhà lính nữa đã khuyên tôi nên an tâm. Thật ra, bài thơ chỉ nêu được chưa đến phần ngàn sự thật, bởi tôi biết thơ tôi không chỉ viết cho tôi mà còn cho đồng đội cùng chiến hào nữa, nên phải biết tiết chế dữ lắm. Vả lại, tôi mang danh là dân nghĩa vụ thành phố, tuy đã là đảng viên nhưng thuộc thành phần nên chú ý vì là dân... Sài Gòn.

Ở xứ ta, vào thời kỳ nào cũng có chuyện đấu đá. Nhiều khi người ta muốn nhân việc này mà nhằm vào chuyện khác. Chính vì thế mà sau khi rời khỏi quân đội tôi đã xác định hướng đi của mình là thẳng lưng mà đi và không băn khoăn về quyết định đó.

* Câu 4: Trong thời gian ở chiến trường K, có nhà thơ nào làm thơ về người lính mà anh tâm đắc không? Có phải những gian khổ, ác liệt của những năm tháng làm lính ở chiến trường K giúp anh viết nên được những bài thơ đắc địa về người lính làm cảm động nhiều đồng đội ở K lúc bấy giờ, trong đó có tôi?

- Cảm ơn một độc giả là đồng đội. Tôi có may mắn là có hàng vạn, hàng chục vạn độc giả như vậy trên cả nước. Những người lính tình nguyện đã ở CPC và người thân, bạn bè của họ cùng bao nhiêu bạn đọc của một thời “khó khăn này không của riêng ai” (thơ Nguyễn Nhật Ánh). Mà lính tình nguyện thì chắc là hàng chục vạn. Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn nhà thơ Văn Lê - thế hệ nhà văn thượng sĩ trong chống Mỹ - đã để mắt xanh đến tôi, khi nghe dưới Trung đoàn 4 có tay lính làm thơ... cũng được. Qua chuyện kể của một trợ lý văn hóa cấp Mặt trận khi xuống thực tế ở Phum Diêng, thượng úy Lê Chí Thụy (nhà thơ Văn Lê) đã giới thiệu một trang thơ trên báo Tuổi Trẻ về người lính làm thơ ở biên giới CPC - Thái Lan.

Văn Lê, Ngân Vịnh, Thành Nguyễn (đã mất) là sĩ quan, Đoàn Tuấn (lúc mới viết ký là Đoàn Minh Tuấn với Bài thơ không viết nháp, Hết nước cấm nhìn...), Huỳnh Kim, Nguyễn Quốc Trung, Lê Mạnh Tuấn... là lính. Dường như thế hệ viết văn trong quân tình nguyện không nhiều và nhanh chóng chìm vào quên lãng bởi người ta không muốn nhắc nhớ về nó.

Tôi tự hào về thời mình đi lính và làm thơ. Tôi đã kiên trì “bò” từng bậc quân hàm cho đến thượng úy trong hơn tám năm trước khi được đi học. Tôi đã là chiến sĩ, là A (tiểu đội) trưởng, là trợ lý E (trung đoàn), là chính trị viên kiêm C (đại đội) trưởng trước khi là một trợ lý chính trị sư đoàn. Chính vì được trải qua nhiều chức vụ, được đi nhiều nơi nên tôi cảm được tiếng lòng người lính trận và do đó thơ tôi chính xác là thơ lính, chứ chẳng bao giờ là thơ viết về lính.

4/ Trương Thị Yến (số nhà 125/42 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Định)

* Theo anh, để viết một bài thơ hay, đoạt giải cần hội đủ các yếu tố nào? Đâu là nguyên nhân đưa anh đến với thơ? Có khi nào anh gặp khó khăn trong công việc làm thơ và xuất bản?

- Theo tôi, nếu cần có một bài thơ để đoạt giải, xin vui lòng liên hệ ban tổ chức, đi cửa trước hay cửa sau đều được. Còn để làm một bài thơ hay cho chính mình, tôi nghĩ trước hết bạn phải viết bằng cảm xúc thật. Cái thật mới là cần, còn làm hàng giả thì... cho người khác xài, do đó thơ hay cũng là thơ cho mình và chỉ cho mình. Làm thơ mà không gặp khó khăn thì chỉ có hai loại: thơ cổ động và thơ cổ đông (tức là làm ra để người khác thưởng thức), còn thơ là tiếng lòng, mà tiếng lòng thì dễ rung động cho nên nói theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ là “nhạy cảm”, mà đã nhạy cảm thì dứt khoát trước sau gì cũng... có chuyện. Tôi có một cái trường ca (khoảng trên dưới ngàn câu), viết đã 20 năm nay mà không nhà xuất bản nào chịu cấp phép (kể cả nhà xuất bản của lính). Hi vọng trường ca Giữa ngày và đêm sẽ có lúc được phát hành rộng rãi, còn giờ thì tiếp tục sửa cho nó hoàn chỉnh (nghĩa là vẫn còn chỉnh sửa).

5/ Nguyễn Lê Mỹ Ngọc (137A1 Trần Hưng Đạo, P.An Phú, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

* Câu 1: Giữa thơ ca và văn xuôi cái nào quyết định cái nào? Có phải thi sĩ thường thích suy tư, chiêm nghiệm nhiều lắm mới sáng tác được không?

- Con gái và con trai, bạn chọn con nào? Con nào cũng là con phải không? Và như thế chẳng ai quyết định được hết, mà quyết định là của bạn và do bạn. Viết ra một tác phẩm cũng cần có quá trình. Giống như người ta muốn có con cũng phải có thời gian chuẩn bị, tạo mầm, nuôi dưỡng và chào đời. Thơ cũng thế. Nhưng nhiều khi thơ hay bất chợt xuất hiện, thật ra là nó đủ chín để hình thành, chứ không thể có cái kiểu “rút ngắn đoạn đường là thêm bước tiến công” được đâu.

* Câu 2: Chú có nghĩ những ai có tâm hồn nghệ sĩ thường hay đa tình đa cảm không? Ý con nói là dễ rung động trước một sự việc hay một ai đó.

- Chú nghĩ con người ai cũng đa tình đa cảm chứ không hẳn nghệ sĩ. Thật ra sống làm người đầy đủ đã khó lắm rồi, cần gì phải làm dáng thế này thế nọ cho mệt. Chỉ những người không có tính nghệ sĩ mới cố làm ra dáng nghệ sĩ, còn nghệ sĩ thật thì rất... chân phương.

* Câu 3: Con rất thích sáng tác thơ, nhưng làm sao mới trở thành nhà thơ chuyên nghiệp được vậy chú? Con muốn xuất bản thơ thì phải làm thế nào bây giờ?

- Hãy cứ làm nhà thơ chứ đừng bao giờ mong làm nhà thơ chuyên nghiệp. Đất nước mình mới có mấy “nhà thơ chuyên nghiệp” mà đã mệt mỏi rồi, nên hãy cứ sáng tác thơ và hãy làm nhà thơ tự phong là... sướng nhất. Nhưng nhớ là làm thơ chứ đừng làm vè là được rồi.

Muốn xuất bản tập thơ thì đơn giản thôi. Hiện nay hầu hết các tập thơ đều do tác giả tự bỏ tiền túi in. Gởi bản thảo tập thơ tới nhà xuất bản (NXB) nhờ biên tập và cấp giấy phép. NXB tiếp nhận bản thảo, phân công người biên tập thẩm định. Nếu thơ đạt đủ tiêu chí của NXB thì bạn sẽ được chấp thuận và sẽ ký hợp đồng liên kết xuất bản. Khi có quyết định của NXB, bạn sẽ phải tự dàn trang, thiết kế bìa để trình duyệt trước khi in (có thể có bộ phận làm dịch vụ này). Đi nhà in để in bao nhiêu bản để... tặng (hoặc bán, nhưng hiếm lắm) là tùy túi tiền của bạn, sau đó nộp một số bản (thường là 10-15 bản) cho NXB để lưu chiểu và 10 ngày sau là ta tự phát hành cho, tặng, biếu tùy thích. Tóm lại, muốn in một tập thơ thì điều kiện tiên quyết là phải có tài... chính, nghĩa là phải có tiên... huyền.

6/ Lê Thị Kim Ngân (email: [email protected])

* Theo cháu biết thì lối văn của báo chí gần như khác hoàn toàn với văn thơ. Ở báo chí, cháu thấy rất ít khi nhà báo sử dụng các phương pháp ẩn dụ, hoán dụ... vào bài báo của mình. Họ dùng ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với người đọc... Trong khi thơ thì lại khác, thường dùng những từ bay bổng và được gọt dũa kỹ lưỡng, đôi khi người đọc cũng không hiểu nhà thơ ấy viết gì và muốn nói lên điều gì nếu không nhìn vào phần chú giải và cuốn từ điển tiếng Việt...

Bác viết cả báo lẫn thơ, làm thế nào bác dung hòa được hai kiểu ngôn ngữ gần như là trái ngược nhau để cho ra nhiều tác phẩm thơ đến vậy ạ?!

- Đừng có phân biệt rạch ròi quá vậy. Làm vậy nó mệt óc lắm. Nhà báo thì họ lo viết báo, còn nhà thơ thì chắc chắn là làm thơ. Có khi nhà báo cũng làm thơ nhưng chắc chắn không có cái gọi là thơ báo và ngược lại.

Đọc thơ mà phải sử dụng từ điển tiếng Việt thì theo tôi bạn nên xếp bài thơ đó lại và quên nó đi. Tôi thì có sở thích đọc mọi loại thơ, cả thơ dễ hiểu và thơ khó hiểu, thậm chí, không hiểu. Tôi xem đó là một bài thơ khi đoạn văn (cả văn vần) tôi đọc, tôi cảm được nhạc điệu của nó. Còn đôi khi một bài làm theo thể 6-8 nhưng chất nhạc không có thì không thể là một bài thơ được.

7/ Nguyễn Văn Mới (Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

* Trải qua một đời lính “một balô, cây súng trên vai” với biết bao nỗi gian lao, thử thách; lại không ít những mất mát, thương đau... để rồi sau đó anh “Điểm danh đồng đội” (1988) cũng là “điểm danh” những kỷ niệm; những được mất, hơn thua; những cung bậc cảm xúc; những hỉ - nộ - ái - ố... một thời đã qua của chính anh, đúng không ạ? Và cuộc sống hiện tại với những gì đạt được, anh có hài lòng với sự “điểm danh” những cố gắng của mình trong suốt thời gian qua?

- Như tôi đã trả lời phần trước, thơ lính là phần chủ yếu trong gia tài thơ của tôi hiện nay và khi Điểm danh đồng đội được xuất bản là tôi chuẩn bị cởi áo lính rồi. Đây là một tập thơ quốc doanh, nghĩa là thơ được nhà nước in. Trong số 8 tập thơ, tôi có may mắn được nhà nước in cho 5 tập. Cũng may là không có tập nào bị bán giảm giá 10.000 đồng 3 tập thơ như ở Hội sách TP.HCM năm 2012 vừa rồi tại công viên Lê Văn Tám.

Từ khi rời khỏi quân đội, gần 25 năm rồi, tôi vẫn được gọi là nhà thơ quân đội và tôi nghĩ mình vẫn là người lính trên mặt trận văn chương. Do xác định về hướng đi ngay từ đầu nên tôi vẫn đi thẳng lưng bằng chân trên mặt đất chứ không sử dụng một thứ nào khác để đi. Và tôi an lòng mình đã “tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc” thì hà cớ gì không đạt được vế sau.

8/ Võ Thanh Trúc (xã Giao Long, huyện Châu Thành, Bến Tre)

* Theo chú, những tố chất nào cần thiết nhất ở người làm công tác truyền thông. Cháu muốn được nghe lời tư vấn của chú - một người có kinh nghiệm về lĩnh vực này?

- Theo thiển ý của tôi, người làm truyền thông phải nằm lòng: biết người biết ta mới trăm trận trăm thắng được. Đừng biến công tác truyền thông thành công việc của người bán thuốc dạo, nói quá những gì mình có, sản phẩm có, làm người tiếp nhận thông tin nhận được những thông tin sai lệch, không đúng thực chất. Từ đó dẫn đến quyết định tiêu dùng sai và nguy cơ của một sự kiện phản truyền thông là điều có thể dự báo trước. Có thể sử dụng nhiều phương thức truyền dẫn thông tin hiện đại và cả cổ điển để làm cho công tác truyền thông đến được đối tượng tiếp nhận và chờ đợi phản ứng tiếp theo của đối tượng. Nhưng nên nhớ một điều không nên nói quá, làm quá khả năng truyền dẫn của một sản phẩm truyền thông, vì như thế vô tình ta đang thiết lập một hệ thống thông tin lừa dối khách hàng.

9/ Huỳnh Kim Thu (email: [email protected])

* Câu 1: Trong các bài thơ đã làm, anh ưng ý bài nào nhất? Vì sao?

- Rất khó để chọn bài yêu thích nhất vì tất cả là con ruột của mình. Tùy giai đoạn có một số bài như sau: Bài hành tráng sĩ mới, Với Poi Pet mùa mưa, Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Hoa gạo và hạt gạo, Thơ tặng những chiến sĩ vô danh. Gần đây là Thơ viết ở Cao Bằng và Lẽ nào?

Vì sao ư? Chẳng vì sao cả. Mỗi bài thơ là một chặng nhận thức, chặng tình cảm, chặng kỷ niệm và cả chặng... đường đời.

* Câu 2: Trong thời đại @ ngày nay, hình như thơ ngày càng trở nên xa lạ với giới trẻ. Theo anh, có cách nào giúp họ có thể cảm thấu được thơ và yêu thích việc đọc thơ, nghe thơ?

- Văn học nói chung chứ không phải chỉ có thơ mới ngày càng xa và lạ với bạn đọc trẻ. Căn nguyên mọi vấn đề theo tôi nằm ở chỗ chương trình giáo dục, chỗ việc giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường. Tiếng Việt trở thành một sinh ngữ khó học nhất hiện nay. Người dạy văn thường cũng không yêu thích môn văn mà chỉ dạy như một thủ tục trả bài. Không có thầy giỏi thì đừng hòng có trò giỏi, nhất là môn văn.

Nói chung là chúng ta cần một nền giáo dục mà đi học, tới trường là việc nhẹ nhàng và thú vị chứ không cần một nền giáo dục chỉ nghĩ đến chuyện... thi đua (thi đua cứ thấy thua đi mãi!). Chỉ khi nào học sinh được xem là một chủ thể tiếp nhận sáng tạo, được tôn trọng và thậm chí cả trân trọng nữa thì ta hãy bàn tiếp chuyện văn hóa đọc, chuyện cảm thụ văn học.

Không biết đọc, không cảm được văn học từ trong nhà trường thử hỏi làm sao chúng ta có được lớp công chúng yêu văn học nói chung và yêu thơ nói riêng?

Chân thành cảm ơn những bạn đọc đã đặt câu hỏi và những bạn đọc đã theo dõi phần trả lời của tôi.

n9SzkBjP.jpgPhóng to

Áo Trắng số 14 ra ngày 01/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHẠM SỸ SÁU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp