Chiều 19-5, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty TNHH MTV Cây trồng TP về việc bàn giao hơn 62ha thuộc ranh dự án vành đai 3 TP.HCM mà công ty này còn nợ.
Báo cáo tại cuộc họp, UBND huyện Bình Chánh cho hay trong số diện tích đất đang quản lý, công ty này có hơn 81ha bị thu hồi thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, 19ha do công ty quản lý đã giao cho UBND huyện.
Tuy nhiên, còn lại hơn 62ha công ty hợp đồng cho 65 hộ dân nhận khoán thì vẫn chưa giao mặt bằng cho huyện, dù hết hạn phải giao là ngày 16-5.
Trong đó, có 12 hộ vẫn còn hạn hợp đồng nhận khoán, còn 53 trường hợp đã hết hạn hợp đồng khoán.
Theo UBND huyện, qua vận động, đến nay còn lại 38 hộ dân (giữ 33ha đất dự án) chưa đồng ý bàn giao cho huyện. Trong số đó, có 30 trường hợp đã hết hạn hợp đồng và 8 trường hợp vẫn còn hợp đồng.
Các trường hợp này muốn được giải quyết bồi thường, hỗ trợ cây trồng và chi phí đầu tư vào đất.
Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Hải An, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Cây trồng TP, đề nghị UBND huyện xem xét bồi thường, hỗ trợ hợp lòng dân.
Báo cáo thêm, ông An cho hay kết quả rà soát, công ty cho 665 hộ dân nhận khoán hơn 1.300ha đất để sản xuất. Đến nay có 423 trường hợp đã hết hạn hợp đồng, còn lại 242 còn hạn.
Đối với 423 trường hợp hết hạn, Công ty TNHH MTV Cây trồng TP có báo cáo cho UBND TP đề nghị tiếp tục cho nhận khoán.
Kết luận cuộc họp, ông Võ Trung Trực, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, yêu cầu công ty phải rà soát hồ sơ đối với 38 trường hợp chưa chịu giao đất cho dự án. Công ty phải bảo đảm 38 trường hợp này vẫn còn trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất và vẫn còn thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng khoán với công ty.
UBND huyện Bình Chánh sẽ tổ chức kiểm đếm hoa màu trên đất để có phương án chi trả bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Về việc thu hồi mặt bằng cho dự án vành đai 3 TP.HCM, ông Trực yêu cầu công ty phải ưu tiên bảo đảm. Đối với 30/38 trường hợp đã hết hạn hợp đồng khoán thì công ty phải thu hồi ngay mặt bằng.
Với các trường hợp vẫn còn hợp đồng, chưa chịu giao mặt bằng, UBND huyện sẽ cưỡng chế và hoàn tất bàn giao mặt bằng trước 15-6.
Kiến nghị thanh tra, điều tra
Theo báo cáo của công ty, đa số các hộ dân nhận khoán theo hợp đồng từ 20 năm trước đến nay. Các hộ nhận khoán đất phải đóng 4 loại tiền nghĩa vụ tài chính cho công ty khoảng hơn 1 triệu đồng/ha/năm.
Kết luận, ông Võ Trung Trực khẳng định công ty chưa làm tròn trách nhiệm trong việc thu hồi đất với 423 trường hợp hết hạn hợp đồng khoán đất, đề nghị công ty thu hồi ngay và báo cáo cho TP quỹ đất này để TP đưa vào phát triển kinh tế.
Ông Trực kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh giao Công an huyện rà soát ngay 53 trường hợp đã hết hạn hợp đồng nhận khoán đất của công ty có phải là người trực tiếp sản xuất, hay là nhận khán xong thì cho thuê lại, thu lợi bất chính.
"Tôi khẳng định công ty có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Qua một số thông tin tôi nắm được và khẳng định rất nhiều trường hợp nhận giao khoán đất của Công ty Cây trồng không trực tiếp sản xuất, mà cho thuê lại đất với giá từ 25 - 40 triệu đồng/ha/năm. Việc này tôi sẽ xem xét để kiến nghị cơ quan thanh tra làm rõ", ông Trực nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận