Bộ trưởng Hà Hùng Cường chúc mừng thí sinh trúng tuyển kỳ thi lãnh đạo cấp vụ Bộ Tư pháp - Ảnh: T.L. |
Trong khi 2 người kia đã được bổ nhiệm và nhận công tác thì luật sư Lê Đình Vinh (giám đốc Công ty luật TNHH Vietthink) - người trúng tuyển chức danh hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - vẫn chưa được bổ nhiệm.
Lý do kéo dài việc bổ nhiệm, theo Bộ Tư pháp, vì phải xác minh đơn thư nặc danh và rà soát tất cả, vì đề án của Bộ Tư pháp có dấu hiệu trái với một thông báo của Bộ Chính trị.
Trước đó, vào tháng 4-2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký quyết định phê duyệt “Đề án tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp”.
Mời đến nhận quyết định rồi về... tay không!
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, mục tiêu của đề án là nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý; thu hút, lựa chọn được những người thật sự có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và chuyên môn.
Kỳ thi có hai ứng viên không phải là người thuộc cơ quan, đơn vị nào của Bộ Tư pháp là ông Bùi Xuân Hải và luật sư Lê Đình Vinh.
Trong hai ngày 31-8 và 1-9-2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức thi hai phần: bảo vệ đề án và trả lời câu hỏi tình huống. Kết quả, luật sư Lê Đình Vinh đã trúng tuyển chức danh hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội.
Chiều 3-9-2015, luật sư Lê Đình Vinh cùng hai người khác là ông Đồng Ngọc Ba (trúng tuyển vào chức danh cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) và bà Trần Thu Hường (trúng tuyển chức danh phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế) được mời đến Bộ Tư pháp nhận quyết định bổ nhiệm.
Tuy nhiên sau đó Bộ Tư pháp thông báo việc trao quyết định phải tạm hoãn và cả ba người trúng tuyển đều ra về tay không. Kế đến, ông Đồng Ngọc Ba và bà Trần Thu Hường được nhận quyết định bổ nhiệm, riêng quyết định của luật sư Vinh vẫn bị “treo” cho đến nay.
Theo ông Trần Tiến Dũng - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp, sau khi có kết quả thi tuyển, Bộ Tư pháp nhận được đơn nặc danh tố cáo một số vấn đề liên quan đến cá nhân ông Lê Đình Vinh.
Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo ông Phan Chí Hiếu, thứ trưởng Bộ Tư pháp, làm việc với ban giám hiệu và ban thường vụ Đảng ủy Trường ĐH Luật Hà Nội. Ban giám hiệu Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định đơn thư của một số cá nhân hoặc một bộ phận viên chức nào đó không mang tính chất xây dựng, không đại diện cho tập thể cán bộ viên chức, người lao động của trường.
Sau đó, Bộ Tư pháp đã có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay ông Vinh vẫn chưa được bổ nhiệm.
Chưa được bổ nhiệm vì không là công chức, viên chức
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, với đề án nói trên của Bộ Tư pháp, đối tượng dự thi vào vị trí hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội là các công dân VN, đang làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục ngoài công lập, tổ chức hành nghề luật (luật sư, công chứng viên), kể cả tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại VN. Theo đó, ông Lê Đình Vinh thuộc đối tượng được tham gia dự tuyển.
Khi Bộ Tư pháp tổ chức triển khai, thực hiện đề án thì ngày 26-5-2015, Bộ Chính trị có thông báo 202 kết luận về đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.
Theo thông báo này, đối tượng được đăng ký dự tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là cán bộ công chức, viên chức nằm trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương nhưng không giới hạn trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó mà mở ra bao gồm cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban ngành địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.
Trường hợp các đối tượng không nằm trong quy hoạch thì phải được cấp ủy quản lý các chức danh đó đồng ý. Như vậy, ông Lê Đình Vinh không thuộc đối tượng được tham gia dự tuyển.
Sau đó, tháng 6-2015 ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã có công văn gửi Ban Cán sự Đảng Chính phủ, báo cáo và xin phép tiếp tục tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ năm 2015 theo đề án của bộ vì vẫn đang thực hiện dở dang.
Tháng 8-2015, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng ý để Bộ Tư pháp triển khai tổ chức thi tuyển theo đề án của Bộ Tư pháp, nhưng phải đảm bảo phù hợp với tinh thần của thông báo số 202 của Bộ Chính trị.
Sau đó, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện kỳ thi theo đề án và ông Lê Đình Vinh đã trúng tuyển.
Ngày 31-12-2015, trả lời Tuổi Trẻ về lý do vẫn chưa có quyết định bổ nhiệm luật sư Vinh, ông Lê Tiến Châu - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp - cho biết vụ việc vẫn đang tiếp tục được rà soát.
Theo ông Châu, vừa rồi Thủ tướng có họp, tham vấn ý kiến của các đơn vị có liên quan, về việc có ý kiến cho rằng nội dung đề án của Bộ Tư pháp trái với thông báo số 202 của Bộ Chính trị.
“Thủ tướng đã giao ban cán sự Đảng bộ Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan thẩm quyền rà soát lại một lần nữa. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị rà soát và sẽ có kết luận cuối cùng trong thời gian gần nhất. Nếu đề án của Bộ Tư pháp trái với thông báo số 202 của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ hủy kết quả thi. Nếu không trái, chúng tôi sẽ trao quyết định bổ nhiệm theo kết quả kỳ thi” - ông Châu nói.
Đề án sai, ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Lê Đình Vinh cho biết ông tham gia kỳ thi vì tâm huyết với việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Trường ĐH Luật Hà Nội. Ông và ba ứng viên khác thi tuyển vào vị trí hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đã trải qua các phần thi công khai, minh bạch như nhau.
“Ngay từ đầu kỳ thi, các thông tin đã được công khai cho báo chí. Tuy nhiên, từ khi tôi trúng tuyển đến nay đã hơn bốn tháng thì sự việc lại rơi vào im lặng. Tôi thi tuyển theo đề án, theo quy chế thi. Nếu các cấp có thẩm quyền xác định đề án của Bộ Tư pháp sai thì hủy toàn bộ kết quả thi hoặc có thông báo cụ thể chứ không thể để vụ việc treo lơ lửng mãi...” - ông Vinh nói.
Theo luật sư Lê Đình Vinh, ông mong mỏi và tin tưởng Bộ Tư pháp sẽ bảo vệ kết quả kỳ thi này là công khai, minh bạch và khẳng định sự nhất quán trong chủ trương đổi mới công tác cán bộ của Bộ Tư pháp.
Luật sư Lê Đình Vinh tốt nghiệp thủ khoa khoa pháp luật kinh tế ĐH Luật Hà Nội năm 1995. Sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, ông Vinh về nhận công tác tại Trường ĐH Luật Hà Nội. Năm 2008, ông Vinh chuyển công tác lên Bộ Tư pháp, giữ chức vụ phó trưởng ban thư ký lãnh đạo Bộ Tư pháp. Năm 2010, ông Vinh ra ngoài hoạt động doanh nghiệp, giảng dạy và hành nghề luật sư. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận