26/08/2023 09:52 GMT+7

Trúng tuyển đại học với IELTS tăng vọt

Những năm gần đây, rất nhiều học sinh thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là IELTS, chủ yếu để xét tuyển ĐH trong nước. Con số học sinh luyện IELTS và trúng tuyển ĐH tăng vọt.

Thí sinh tham gia dự thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tại TP.HCM  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thí sinh tham gia dự thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiện Bộ GD-ĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương (TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm).

Trúng tuyển ĐH với chứng chỉ IELTS tăng dựng đứng

Năm 2017, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tiên phong sử dụng IELTS, TOEFL để xét tuyển. Sau đó Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng lần lượt sử dụng phương thức xét tuyển này. 

Từ năm 2020, hàng loạt ĐH khối kỹ thuật, kinh tế, y dược và công an cũng cộng điểm ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Hiện có trên 40 trường, trong đó có nhiều trường ĐH lớn, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tuyển sinh, phổ biến là IELTS và TOEFL. 

Nhưng năm nay, phần lớn áp dụng xét tuyển kết hợp, không tuyển thẳng. Nhiều trường chỉ coi chứng chỉ IELTS, TOEFL là điểm điều kiện hoặc có mức quy đổi khác nhau để tính điểm xét tuyển. 

Việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thuộc quyền của các trường do được tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục ĐH.

Ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, bày tỏ sự ngạc nhiên khi số sinh viên trúng tuyển vào trường với chứng chỉ IELTS năm nay tăng dựng đứng. 

Năm 2017, lần đầu tiên trường áp dụng tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS chỉ có khoảng 50 - 70 thí sinh thì năm 2023 trường có khoảng 11.000 hồ sơ đăng ký có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (tăng gấp 220 lần so với năm 2017).

Chỉ là một trọng số trong xét tuyển

Hiện nay tại các trường ĐH ở phía Nam, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một tiêu chí, chiếm trọng số nhỏ trong các phương thức xét tuyển kết hợp, với số lượng chỉ tiêu rất ít.

Với các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế là đơn vị có nhiều phương thức xét tuyển có chứng chỉ IELTS, TOEFL; Trường ĐH Bách khoa xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, tiên tiến): 1 - 5% tổng chỉ tiêu. 

Các trường khác thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng ưu tiên xét tuyển và xét tuyển dựa trên kết quả IELTS, TOEFL... kết hợp với kết quả học THPT từ 1 - 10% chỉ tiêu. 

Bên cạnh việc yêu cầu phải có điểm IELTS 5.0 trở lên hoặc chứng chỉ tương đương, thí sinh còn phải có điểm trung bình học tập THPT từ 7,0 và xét từ cao xuống thấp nên không phải cứ có chứng chỉ là đậu.

Ông Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay trường có phương thức ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS với 1-2% chỉ tiêu. 

Chứng chỉ IELTS chỉ là một trọng số trong xét tuyển. Trường chưa dùng điểm IELTS để quy ra điểm môn tiếng Anh trong xét tuyển. Thường chỉ ưu tiên cho ngành ngôn ngữ Anh và một số ngành khối kinh doanh quản lý. 

Khối kỹ thuật, công nghệ trọng số IELTS ít hơn so với kết quả học tập. "Thực tế, tỉ lệ trúng tuyển của phương thức này cũng không nhiều. Vì nhiều em có chứng chỉ IELTS nhưng kết quả học tập chuyên môn (các môn trong tổ hợp xét tuyển) không đạt yêu cầu", ông Nhân cho biết thêm.

Vì sao ĐH ưu ái chứng chỉ IELTS?

Theo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, những sinh viên tuyển đầu vào bằng chứng chỉ IELTS đầu tiên đã ra trường, sau khi tổng kết, điểm trung bình học tập của nhóm này cao hơn nhóm sinh viên không có chứng chỉ IELTS. 

"Nhóm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh được đánh giá "có khả năng học, đạt kết quả tốt trong quá trình đào tạo". Đây là tổng kết rất rõ ràng, có thể minh chứng với xã hội rằng đây là nhóm thí sinh chất lượng tốt, kết quả học tập tốt trong quá trình đào tạo", ông Triệu nói.

Bà Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho rằng chứng chỉ quốc tế là căn cứ đáng tin cậy để xác định năng lực ngoại ngữ của sinh viên. Hiện trường này công nhận kết quả chứng chỉ quốc tế trong cả xét tuyển đầu vào, đầu ra và miễn một số học phần ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay năm nay trường tăng số ngành có xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế lên 35% và đã có 1.210 thí sinh nộp chứng chỉ IELTS. 

Những năm trước các thí sinh có chứng chỉ IELTS vào ngành y khoa có lợi thế hơn vì điểm chuẩn thấp hơn so với xét điểm thi THPT. Nhưng năm nay do lượng thí sinh nộp chứng chỉ IELTS tăng mạnh nên mức điểm chênh lệch giữa hai phương thức xét tuyển rất ít (điểm chuẩn ngành y khoa xét điểm thi THPT 27,34 và xét kết hợp IELTS 27,1).

"Qua phân tích kết quả học tập của sinh viên các khóa trước trúng tuyển có chứng chỉ IELTS từ khóa 2019 cho thấy những em này học tốt hơn. Đó là cơ sở để trường quyết định tăng số ngành và tăng chỉ tiêu cho xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong năm nay", ông Khôi cho biết thêm.

Học sinh học luyện thi IELTS tại một trung tâm ở quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Học sinh học luyện thi IELTS tại một trung tâm ở quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Đầu tư IELTS để "tính đường dài" cho con

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lượng thí sinh luyện thi IELTS tại các trung tâm ở TP.HCM ngày càng tăng và số học sinh dành nhiều thời gian luyện thi cấp tốc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng vậy. 

Tại nhiều trung tâm luyện thi IELTS ở TP.HCM, từ đầu tháng 3-2023 số học sinh THPT đến luyện IELTS để có chứng chỉ xét tuyển ĐH chiếm gần một nửa số lượng người học trong một lớp. 

Theo giám đốc một trung tâm, những năm trước đây số học sinh THPT luyện thi IELTS chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu lấy chứng chỉ để đi du học, nhưng nay tăng lên đáng kể.

Bà Phùng Ức My (phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP.HCM), một trong số rất nhiều phụ huynh đầu tư cho con luyện thi chứng chỉ IELTS từ rất sớm, cho biết: "Số trường ĐH sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển và ưu tiên xét tuyển ngày càng nhiều. 

Điều này cho thấy tiếng Anh ngày càng quan trọng trong học tập và làm việc nên việc sở hữu chứng chỉ IELTS với mức điểm cao sẽ là một lợi thế. Do vậy tôi đã cho con học và luyện thi IELTS từ khi cháu học lớp 11, mỗi tuần hai buổi với học phí 450.000 đồng/buổi".

Trong khi đó, ông Trần Minh Danh (phụ huynh ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho hay: "Qua tìm hiểu, tôi biết ở nhiều trường ĐH, không phải cứ có chứng chỉ IELTS là chắc chắn đậu ĐH nhưng hầu hết các trường đều quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ và còn miễn học phần tiếng Anh cho sinh viên có chứng chỉ IELTS với mức điểm phù hợp. Việc đầu tư thi lấy chứng chỉ IELTS là một công đôi việc. Do đó từ lớp 10 con tôi đặt mục tiêu đạt điểm từ IELTS 5.5 trở lên để xét tuyển ĐH, nay tiếp tục ôn luyện để lấy mức điểm cao hơn. Mặc dù học phí 600.000 đồng/buổi tôi vẫn chấp nhận đầu tư cho con học".

Tại sao IELTS 4.0 tương đương 10 điểm thi tốt nghiệp?

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm xem xét lại việc sử dụng chứng chỉ IELTS thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh.

"Việc này theo tôi rất không nên vì sai từ bản chất của việc đo lường đánh giá và không có cơ sở khoa học khách quan mà hoàn toàn cảm tính. Bộ GD-ĐT đã làm thực nghiệm việc quy đổi này chưa? Tại sao 4.0 điểm IELTS lại tương đương với 10 điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh? Tại sao không phải là 8 hay 8,5 hoặc 9 điểm?", ông Vinh đặt vấn đề.

Còn lộn xộn trong tổ chức thi và cấp chứng chỉ

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GD-ĐT ngày 24-8, ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết thực tế còn lộn xộn trong thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài.

Tính đến hết ngày 15-8, Bộ GD-ĐT đã ban hành 45 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với sáu ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Trung).

Hiện có 11 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài và 95 lượt cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của Việt Nam với 137 địa điểm thi trên toàn quốc.

Một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo của bộ về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, khiến nhiều tổ chức/đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sau ngày 10-9-2022 khi chưa được bộ phê duyệt.

Có IELTS để nắm bắt cơ hội

Bạn H.M. (ngụ TP.HCM), tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng học sinh dự thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ khá bình thường nếu các bạn thật sự có nhu cầu.

Không nhất thiết phải xét tuyển ĐH hay miễn thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam thì học sinh mới có động lực thi IELTS. Trước đó, rất nhiều học sinh đã có chứng chỉ IELTS khi còn học THPT, thậm chí THCS để làm hồ sơ đi du học.

"Mình thi IELTS trước hết là để biết tiếng Anh của mình đang ở trình độ nào vì điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh không thể cho mình biết tiếng Anh của mình đang ra sao bởi đề thi tốt nghiệp chỉ kiểm tra kiến thức trắc nghiệm từ vựng, ngữ pháp. Còn IELTS kiểm tra cho mình cả bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết", M. nói.

Ngoài ra, theo M., việc sở hữu một chứng chỉ tiếng Anh từ sớm giúp bạn luôn sẵn sàng với những cơ hội.

Chẳng hạn nếu ngay từ năm nhất bạn tìm được một số suất học bổng du học nước ngoài, những chương trình trao đổi quốc tế, bạn có thể ngay lập tức đăng ký. M. cho biết như thế bạn không phải đợi tới tận lúc chương trình ra thông báo rồi mới bắt đầu thi IELTS - điều kiện cần của nhiều chương trình học bổng, trao đổi - như thế sẽ trễ nhịp.

Trong giờ học luyện thi IELTS tại một trung tâm ở quận Bình Tân, TP.HCM  - Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Trong giờ học luyện thi IELTS tại một trung tâm ở quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Các nước có xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh?

Tại Trung Quốc, việc xét tuyển thí sinh ĐH sẽ dựa vào kỳ thi cao khảo. Về cơ bản, các môn thi trong kỳ thi cao khảo có nét tương đồng với kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, khi thí sinh sẽ thi ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai tổ hợp môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (chính trị, sử, địa).

Phần nhiều các trường ĐH ở Trung Quốc đều chỉ xem xét thí sinh đậu rớt dựa vào điểm cao khảo.

Với một số ngành có liên quan đến tiếng Anh, các trường ĐH sẽ xét đến điểm thành phần tiếng Anh trong bài cao khảo mà không cần thêm chứng chỉ tiếng Anh độc lập.

Chỉ với một số chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, các trường ĐH mới có thể sẽ yêu cầu thêm chứng chỉ IELTS, TOEFL... Điều này cũng tương tự như với sinh viên quốc tế muốn đến Trung Quốc nhưng lại học chương trình bằng tiếng Anh không phải tiếng Trung.

Tại Nhật, chuyện đưa chứng chỉ tiếng Anh vào tuyển sinh ĐH vấp phải những ý kiến trái chiều.

Năm 2017, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) tại Nhật Bản công bố kế hoạch sử dụng các bài kiểm tra tiếng Anh bốn kỹ năng của các tổ chức quốc tế bao gồm TOEFL, TOEIC và IELTS, cho kỳ thi tuyển sinh ĐH từ năm 2020.

Trung tâm Khảo thí quốc gia về tuyển sinh ĐH (Nhật) được giao nhiệm vụ tổng hợp điểm của sinh viên và cung cấp kết quả cho các trường ĐH làm căn cứ xét tuyển.

Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ góp phần cải cách chương trình giảng dạy tiếng Anh tại trường phổ thông và từ đó cải thiện trình độ tiếng Anh của học sinh Nhật nói chung.

Tuy nhiên đến năm 2019, một năm ngay trước khi quy định mới được đưa vào áp dụng, MEXT thông báo dừng kế hoạch, đồng thời cho biết sẽ tính toán những cải cách khác vào năm 2024.

Có nhiều nguyên nhân "phe phản đối" đưa ra. Một trong số đó là lý do cách làm này sẽ thường tốn kém, không phù hợp cho các gia đình nông thôn hay các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những đơn vị tổ chức các bài thi quốc tế cũng sẽ khó tiếp cận học sinh ở những khu vực xa xôi này.

Tại Hàn Quốc, kết quả của kỳ thi ĐH Suneung hay còn được gọi là CSAT sẽ được các trường ĐH dùng để xét tuyển thí sinh. Vì kỳ thi sẽ có cả môn ngoại ngữ nên nếu cần đánh giá khả năng ngoại ngữ của thí sinh, các trường sẽ dựa vào điểm số này thay vì yêu cầu nộp chứng chỉ tiếng Anh. Tuy nhiên, một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh sẽ yêu cầu nộp chứng chỉ, phổ biến là IELTS và TOEFL.

Bàn lại việc sử dụng chứng chỉ IELTS thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng AnhBàn lại việc sử dụng chứng chỉ IELTS thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh

Ông Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết sẽ bàn lại việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay thế điểm thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp