02/07/2024 16:02 GMT+7

Trùng tu khu mộ cổ hơn 200 năm của thượng thư Lê Quang Định bằng mật mía, nhựa bời lời

Khu mộ cổ hơn 200 năm của thượng thư Lê Quang Định vừa được trùng tu bằng vật liệu truyền thống. Đó là đá núi gan gà và vữa kết dính là hỗn hợp: mật mía, vôi tôi, nhựa cây bời lời, cát. Hoàn toàn không có xi măng.

Khu mộ của thượng thư Lê Quang Định sau khi trùng tu - Ảnh: M.TỰ

Khu mộ của thượng thư Lê Quang Định sau khi trùng tu - Ảnh: M.TỰ

Sau hơn một tháng thi công, lễ tạ hoàn công đã được hậu duệ của thượng thư Lê Quang Định cùng các đơn vị và cá nhân phát tâm, tổ chức vào hôm 30-6.

Ngôi mộ cổ hơn 200 năm

TS Trần Đình Hằng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho biết: "Việc trùng tu khu mộ ông bà Mẫn Chính Hầu Lê Quang Định đã có sự thống nhất trong việc chọn lựa kỹ thuật và vật liệu truyền thống, để đảm bảo đẹp và bền chắc, gần với nguyên bản của di tích và đã đạt kết quả vừa ý.

Từ đây, chúng tôi cũng mong muốn cung cấp một loại hình trùng tu di tích kiến trúc cổ, để mọi người có thêm cơ hội so sánh, lựa chọn một cách phù hợp, tối ưu.

Đồng thời, phục hồi nghề nung vôi hàu truyền thống, tiêu thụ phụ phẩm của nghề mía đường truyền thống, khai thác nguyên vật liệu thiên nhiên; phục hồi nghề nê ngõa truyền thống, gắn liền việc trùng tu di tích từ gia tộc, đến làng xã và nhà nước, mà Huế - từ Kinh đô tới cố đô - luôn có nhiều điều kiện và cơ hội để phục hồi, phát triển".

Qua hơn 200 năm, ngôi mộ cổ của quan thượng thư và phu nhân đã bị hư hỏng nặng nề, mà gia tộc lại thiếu điều kiện để tu sửa theo nguyên gốc.

Khu mộ cổ hơn 200 năm của thượng thư Lê Quang Định trước trùng tu - Ảnh: NHÓM TRÙNG TU CUNG CẤP

Khu mộ cổ hơn 200 năm của thượng thư Lê Quang Định trước trùng tu - Ảnh: NHÓM TRÙNG TU CUNG CẤP

Một nhóm gồm các cá nhân đã phát tâm thực hiện việc trùng tu khu mộ cổ này.

Phụ trách việc nghiên cứu và chỉ đạo thi công là TS Lương Chánh Tòng, giảng viên bộ môn khảo cổ học (khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM), với sự tham gia tư vấn của TS Trần Đình Hằng, phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.

Toàn bộ chi phí do một cư dân phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM tài trợ. Việc trùng tu đã được khởi công chính thức vào đầu tháng 6 vừa qua.

Muốn gần nguyên gốc thì phải dùng vật liệu truyền thống

TS. Lương Chánh Tòng cho biết việc trùng tu khu mộ cổ hơn 200 năm này được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu thực địa hiện trạng khu mộ; cùng với thông tin từ việc nghiên cứu các khu mộ của quan đại thần triều Nguyễn ở Huế và miền Nam.

Khu mộ đã được tu bổ các hạng mục bị hư hỏng và phục hồi một số hạng mục đã mất. Phương án tu bổ, phục hồi được thực hiện theo quy trình bốn bước.

Đầu tiên là phát quang hiện trạng để làm rõ yếu tố gốc của kiến trúc khu mộ, nhất là các bộ phận bị vùi lấp, xê dịch.

Tiếp đó là thu gom các loại vật liệu của công trình trên hiện trạng, gồm hợp chất (vữa kết dính) và đá, gạch, để phân loại, chỉnh lý, xác định nguồn gốc, vị trí.

Tiến hành phục hồi các kiến trúc bị đổ sập, sai lệch, vùi lấp, để tạo dựng kiến trúc mộ nguyên thủy; bổ sung các loại vật liệu hợp chất, đá núi, gạch thẻ vỡ, mất, thất lạc…

Cuối cùng là tu bổ toàn toàn bộ kiến trúc, cả về vật liệu, cấu kiện kiến trúc và hoa văn trang trí.

Đặc biệt, việc trùng tu đều dùng toàn bộ vật liệu truyền thống, theo như nguyên gốc của di tích này. Vật liệu gồm: vữa kết dính (hợp chất) và đá núi dạng đá gan gà.

Ông Tòng cho biết, đây là loại vật liệu mang tính truyền thống trong lịch sử xây dựng lăng mộ ở Việt Nam, phổ biến ở khu vực miền Trung và Nam Bộ giai đoạn thế kỷ 17-19, dân gian gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: hợp chất ô dước/bời lời, hợp chất vôi mật, hợp chất tam hợp…

Thành phần chính của vật liệu hợp chất gồm: mật mía, cát, vôi tôi, sỏi nhỏ mịn, nhựa cây bời lời, và một số chất phụ gia khác… được tính toán theo đúng tỷ lệ để bào chế, và trải qua quá trình xử lý ngâm ngủ theo phương pháp kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện nay.

Công phu và tỉ mỉ

Việc bào chế rất khó khăn, bởi nguồn vật liệu mà trước đây dân gian từng sử dụng như mật mía, nhựa bời lời, vôi ta… hiện nay ít có trên thị trường. Một số vật liệu không còn sản xuất theo dạng truyền thống như nhựa bời lời.

Tỷ lệ ngâm, pha trộn và ủ vật liệu hợp chất cũng đòi hỏi rất công phu, qua từng công đoạn tỷ mỷ, với nhiệt độ, độ ẩm không khí phù hợp, đảm bảo màu sắc, tính kết dính và sức bền, sức nén vật liệu.

Việc thi công vật liệu hợp chất cũng rất khó khăn, do vật liệu tam hợp (mật mía, vôi tôi, cát, nhựa bời lời) có tính chất nhão, ướt, lâu khô, không trám lớp dày được. Người thợ phải tô trám từng lớp mỏng, lớp này khô rồi mới tô được lớp khác.

Hợp chất vữa truyền thống tạo ra màu vàng sẫm, khác với vữa xi măng màu xám - Ảnh: M.TỰ

Hợp chất vữa truyền thống tạo ra màu vàng sẫm, khác với vữa xi măng màu xám - Ảnh: M.TỰ

Thông thường phải qua ba ngày đêm thì lớp vữa tam hợp dày 1cm này mới khô. Công đoạn thi công này tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi đội ngũ thi công phải lành nghề.

Vì vậy, thợ thi công phải đưa từ miền Nam ra, do họ đã quen với việc trùng tu mộ cổ của các quan đại thần ở trong đó. Toàn bộ vật liệu cũng được mua từ TPHCM mang ra, vì giá rẻ hơn mua ở Huế.

Ngoài vật liệu hợp chất (vữa kết dính) là thành phần chủ đạo, còn có một khối lượng rất lớn các loại đá núi dạng đá gan gà, đã được sử dụng để tạo cốt và làm vững bền kiến trúc khu mộ.

Thợ thi công đã thu gom vật liệu đá núi vốn có của khu mộ, xử lý vệ sinh để tái sử dụng, đảm bảo tối đa yếu tố gốc.

"Quá trình bào chế vật liệu để đảm bảo cho việc tu bổ, phục hồi kiến trúc khu mộ một cách khoa học, thẩm mỹ, và không sai lệch yếu tố gốc của di tích là hết sức khó khăn, phải nghiên cứu và thực hiện các công đoạn một cách công phu, tỉ mỉ", TS Lương Chánh Tòng nói.

Hậu duệ ngài Lê Quang Định trao kỷ vật cho TS Lương Chánh Tòng (bên trái ảnh) - người chủ trì nghiên cứu và trùng tu khu mộ cổ - Ảnh: M.TỰ

Hậu duệ ngài Lê Quang Định trao kỷ vật cho TS Lương Chánh Tòng (bên trái ảnh) - người chủ trì nghiên cứu và trùng tu khu mộ cổ - Ảnh: M.TỰ

Lê Quang Định là nhân vật có nhiều công trạng với đất nước vào thời Nguyễn. Ông là quan thượng thư Bộ Binh, Bộ Hộ dưới triều vua Gia Long; là chánh sứ của đoàn sứ sang nhà Thanh để thỏa thuận việc đổi quốc hiệu nước ta (là Nam Việt, sau đó thì thoả thuận là Việt Nam), vào năm 1804.

Ông sinh năm 1759 ở làng Tiên Nộn, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên, nhưng gắn bó cả thời trai trẻ ở Gia Định. Ông được người đương thời phong là "Gia Định Tam Gia" (cùng với Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh).

Năm 1802, ông trở về kinh đô Huế và được vua Gia Long bổ làm thượng thư Bộ Binh (tương tự bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay). Ông cũng là tác giả sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí - bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn.

Năm 1813, ông qua đời và an táng tại thôn Ngũ Tây, làng An Cựu, nay thuộc phường An Tây, TP Huế.

Mật mía - một thành phần của hợp chất vữa truyền thống - Ảnh: M.TỰ

Mật mía - một thành phần của hợp chất vữa truyền thống - Ảnh: M.TỰ

Nhựa từ vỏ cây bời lời là một thành phần quan trọng tạo nên vữa kết dính mà dân gian xưa từng sử dụng - Ảnh: M.TỰ

Nhựa từ vỏ cây bời lời là một thành phần quan trọng tạo nên vữa kết dính mà dân gian xưa từng sử dụng - Ảnh: M.TỰ

Vôi tôi từ đá vôi - một thành phần khác của vữa truyền thống - Ảnh: M.TỰ

Vôi tôi từ đá vôi - một thành phần khác của vữa truyền thống - Ảnh: M.TỰ

Yêu cầu báo cáo các ngôi mộ cổ bị mất trong lăng Mạc CửuYêu cầu báo cáo các ngôi mộ cổ bị mất trong lăng Mạc Cửu

Ngày 29-10, ông Nguyễn Lưu Trung - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết ông đã yêu cầu các sở ngành và TP Hà Tiên báo cáo về vụ các ngôi mộ cổ trong lăng Mạc Cửu bị mất, đề xuất cụ thể việc này với UBND tỉnh Kiên Giang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp