Phóng to |
Bức đại tự đã bị loại thải của đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh |
Hay như có lần dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi các tháp Chăm dọc miền Trung được trùng tu kiểu "mới hóa" bằng cách ốp vào đấy những loại vật liệu hiện đại, đắt tiền làm công trình trở nên rực rỡ bóng loáng.
Mới đây, đền thờ và lăng mộ của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ - một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở Hà Tĩnh - được trùng tu theo kiểu... hạ xuống làm mới 100%! (Bài "Xóa hồn di tích", Tuổi Trẻ 12-5).
Trước hết, xin khẳng định ngay rằng những người được giao công tác điều hành quản lý việc trùng tu di tích đã không làm tròn trách nhiệm. Với vai trò trực tiếp chỉ đạo hoạt động của ban dự án và điều hành quá trình thực hiện dự án, song người được giao trọng trách này đã không ý thức hết trách nhiệm của mình! Thật khó chấp nhận khi "ông trưởng" (ban dự án và điều hành quá trình thực hiện dự án) đã đá quả bóng trách nhiệm sang "ông phó” với lý giải hết sức "hồn nhiên" là bận họp và bận học!
Tuy không nắm được bất cứ chi tiết hiện trạng nào của công trình, cũng như sau khi trùng tu những chi tiết ấy đã biến dạng thế nào, những hạng mục công trình được "đối xử" ra sao, cũng như đến nay dự án vẫn chưa quyết toán được, song ông này vẫn vô tư đánh giá "dự án thành công rất tốt đẹp" (?!).
Hơn nữa, có thể khẳng định rằng việc "mới hóa" và "xóa hồn di tích" là đi rất xa bản chất và mục đích của công tác trùng tu bảo tồn. Trong công tác trùng tu thường không có cách làm kiểu "lột xác" hay xua hồn đuổi vía di tích là tự tiện thay đổi chiều cao và hồn nhiên bỏ bớt hay thêm thắt các chi tiết trước đây vốn không hề tồn tại trong di tích, như những gì đã xảy ra ở đền thờ Nguyễn Công Trứ. Theo bài báo, người trực tiếp coi sóc từ đường nhiều năm qua khẳng định nhà thờ làm mới thấp thua nhà thờ cũ gần 1/3, bức đại tự do vua phong cùng các bức hoành phi bỗng dưng biến mất, ngược lại người ta đã làm thừa một câu đối, cùng những thay đổi hết sức khó hiểu khác...
Có thể sẽ có lý giải rằng việc thay đổi chiều cao di tích sẽ làm cho công trình cân đối hơn, thẩm mỹ hơn, hay đại loại là giúp công trình đảm bảo tính bền vững và an toàn hơn (?); cũng như việc thêm thắt các chi tiết sẽ giúp công trình hoàn chỉnh hơn về bố cục, nội dung (?). Nếu có lý giải như vậy thì quả thật sẽ không khỏi gây nên những băn khoăn cho số phận hàng loạt di tích sẽ phải trải qua công tác trùng tu khắp mọi miền đất nước.
Với trình độ khoa học kỹ thuật cũng như quan niệm, chuẩn mực về thẩm mỹ ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng nhiều công trình hiện đại hoành tráng, bền vững, an toàn và thậm chí trong nhiều trường hợp là đạt tính thẩm mỹ cao hơn công trình trước đây. Tuy nhiên, mục đích chính của công tác trùng tu là bảo lưu những giá trị vốn có của di tích, các chuẩn mực làm nên giá trị đó trong bối cảnh di tích được xây dựng; là giữ cho được tinh thần cốt cách và hồn vía của di tích.
Mà hồn vía, cốt cách của di tích, không thể khác, chỉ có thể được lưu giữ cùng các giá trị vật chất tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử tồn tại của di tích. Như vậy, việc áp đặt (nếu có) những chuẩn mực hiện nay vào di tích là cách làm khập khiễng. Không phải cứ "thẩm mỹ hóa" là đạt được mục đích của công tác trùng tu. Trùng tu hoàn toàn không phải là làm mới di tích!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận