Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hãy nhìn bản báo cáo thành tích dài vài trang giấy luôn lung linh những con số chỉ tiêu về học sinh giỏi, số lượng giải năng khiếu, 100% học sinh lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp... như "trang sức" làm rạng rỡ bề dày thành tích của mỗi trường học. Từ bao giờ chẳng biết, người ta đua theo thành tích và đẩy mấy con số chỉ tiêu chất lượng ngày càng lên cao chót vót, suýt soát chạm trần.
"Vòng kim cô" chỉ tiêu
Đầu năm đăng ký chỉ tiêu, giữa năm rà soát chỉ tiêu, cuối năm đối sánh chỉ tiêu - vòng tròn luẩn quẩn đó quay cuồng với những con số được ấn định cùng nguyên tắc ngầm: chỉ tiêu giáo viên đăng ký không được thấp hơn chỉ tiêu của nhà trường, chỉ tiêu của nhà trường không được thấp hơn mặt bằng chung của phòng giáo dục.
Không đạt chỉ tiêu sẽ bị trừ điểm thi đua, bị hạ danh hiệu thi đua, bị điểm mặt gọi tên suốt trong các cuộc họp... Và để tránh hệ lụy đáng ngại ấy, người ta buộc phải đua cùng chỉ tiêu, xoay xở mọi cách để đạt chỉ tiêu, kể cả dùng mọi chiêu trò đảm bảo chỉ tiêu. Những con số chỉ tiêu bao năm qua vẫn là "vòng kim cô" siết chặt người thầy vào guồng quay của thành tích ảo. Muốn trung thực trong giáo dục ư? Khó lắm thay!
Hãy nhìn căn bệnh thành tích ăn sâu mọc rễ trong tư duy giáo dục của bao gia đình Việt. Trẻ mầm non đã học như bão táp, cuống cuồng chu toàn khâu đọc thông viết thạo vì sợ con "lơ ngơ như vịt lạc đàn". Trẻ lớp 1 thi học kỳ căng như dây đàn, thức khuya dậy sớm ôn luyện mải mướt, phụ huynh còn gọi cô giáo xin thêm bài ôn tập. Trẻ các cấp nối dài giờ học ở trường sang các lớp học thêm, học kèm, học trung tâm...
Hệ lụy của "mưa" điểm 10, "bão" giấy khen
Tấm giấy khen vẫn ào ạt tải lên mạng để khoe thành tích của con trẻ sau một năm học tập. Cơn sóng đua theo trường chuyên lớp chọn chưa bao giờ vơi sức nóng đẩy tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng. Giỏi văn hóa chưa đủ, giờ người ta đua chen giành giật các giải thể thao, giải năng khiếu văn nghệ, giải thi sáng tạo khoa học kỹ thuật...
Từ đây, "cơn mưa" điểm 10 và "cơn bão" giấy khen gây bức xúc trong dư luận, những học bạ đẹp như mơ bùng phát khiến người ta sửng sốt về sự trượt giá của điểm số. Từ đây, bọn trẻ bị tước dần quỹ thời gian ăn, chơi, ngủ, nghỉ để dành trọn cho việc học dẫn đến bức tranh bi hài về thế hệ "gà công nghiệp", "búp bê trong tủ kính" cứ trêu ngươi nhức nhối.
Căn bệnh sính thành tích dẫn đến thực trạng nền giáo dục thiếu trung thực khởi phát từ hai phía: nhà trường và gia đình. Dẫu ngành đã khởi động công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện hòng thổi luồng gió mới vào thực tiễn dạy học ở trường phổ thông: đặt người học vào trung tâm của quá trình dạy học, chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, nhưng thú thật, lực cản vô hình từ căn bệnh thành tích trong nhà trường và mỗi gia đình vẫn hằn thêm vết lồi lõm xấu xí trên con đường tiến về khát vọng "học thật, thi thật, nhân tài thật"!
Chấp nhận năng lực thật sự của mỗi đứa trẻ, trân trọng từng nỗ lực tiến bộ của trẻ, động viên và tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực để trẻ học tri thức rèn nhân cách - giấc mơ ấy có xa vời chăng?
Đẩy lùi thành tích ảo
Để có nhân tài thật ra sức phát triển và dựng xây đất nước giàu đẹp, vun bồi và kiến tạo các giá trị tích cực cho cộng đồng, chúng ta phải neo giữ sự trung thực trong giáo dục một cách bền chặt và quyết liệt hơn. Muốn vậy, mỗi nhà trường và gia đình phải chung tay đẩy lùi thành tích ảo trong giáo dục bằng cách cởi trói cho người thầy thoát khỏi áp lực chỉ tiêu, đặc biệt là sự thay đổi trong tư duy của phụ huynh về thành tích, danh hiệu, bằng cấp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận